Circle K, 7-Eleven, 39 tỷ USD và niềm kiêu hãnh của 'báu vật nước Nhật'

Vị thế của 7-Eleven như một biểu tượng không thể thiếu trong xã hội Nhật Bản đã khiến tham vọng mua lại của Alimentation Couche-Tard trở nên gần như 'bất khả thi', dù cho có áp lực về việc các doanh nghiệp địa phương cần cởi mở với các đề xuất đầu tư từ nước ngoài...

Chuỗi siêu thị 7-Eleven đã từ chối lời đề nghị mua lại trị giá 39 tỷ USD của Alimentation Couche-Tard (chủ sở hữu thương hiệu Circle K) với lý do mức giá này không xứng đáng với giá trị mà thương hiệu đem lại.

Vị thế của các cửa hàng 7-Eleven như một biểu tượng không thể thiếu trong xã hội Nhật Bản đồng nghĩa với việc thương vụ này gần như là “bất khả thi”, dù có áp lực về việc các doanh nghiệp trong nước cần thể hiện sự cởi mở đối với đề xuất mua lại từ nước ngoài.

"7-Eleven là một trong những chuỗi bán lẻ truyền thống tốt nhất thế giới. Việc bán 7-Eleven cho Couche-Tard đối với Nhật Bản sẽ chẳng khác nào biến Toyota trở thành một công ty nước ngoài”, Hiroaki Watanabe, một nhà phân tích độc lập về ngành bán lẻ, nhận xét.

"BÁU VẬT" NƯỚC NHẬT

Trên thực tế, 7-Eleven bắt nguồn là một chuỗi cửa hàng tiện lợi của Mỹ do Southland Corporation điều hành tại Dallas vào năm 1927.

Đến năm 1974, cửa hàng đầu tiên được mở cửa ở Nhật Bản, cung cấp một số hàng hóa và món ăn phổ biến của Mỹ như hamburger hay xúc xích nướng. Ngay lập tức, thương hiệu gặt hái được thành công lớn ở xứ sở hoa anh đào và chỉ trong vòng hai năm đã có thể mở rộng đến 100 cửa hàng dưới sự điều hành của đơn vị Seven-Eleven Japan. Tuy nhiên, hoạt động khi đó của 7-Eleven ở Mỹ lại ngày càng xuống dốc.

Tới năm 1991, Southland đồng ý đổi 70% cổ phần của 7-Eleven để nhận khoản đầu tư tiền mặt trị giá 430 triệu USD từ Ito-Yokado và Seven-Eleven Japan nhằm thoát khỏi nguy cơ phá sản.

Chính thức đến năm 2005, 7-Eleven thuộc sở hữu hoàn toàn của Nhật Bản thông qua tập đoàn Seven & i Holdings.

 7-Eleven Nhật Bản có rất nhiều món ăn đa dạng và ngon miệng

7-Eleven Nhật Bản có rất nhiều món ăn đa dạng và ngon miệng

Và kể từ đó, các cửa hàng “konbini” 7-Eleven dần trở thành một phần quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày của người dân Nhật Bản.

Với nhịp sống hối hả và thời gian làm việc kéo dài, hệ thống cửa hàng tiện lợi mở cửa 24/7 giúp người dân dễ dàng có được bữa ăn nhanh đồng thời hoàn tất các việc lặt vặt hàng ngày như gửi bưu kiện và thanh toán hóa đơn. Tuy nhiên, điều làm nên sự nổi tiếng của chuỗi 7-Eleven Nhật Bản chính là chất lượng sản phẩm ở đây. Mỗi buổi sáng, các cửa hàng tấp nập nhân viên văn phòng, sinh viên và phụ huynh cùng con nhỏ. Sakura Kobayashi, 23 tuổi thường qua 7-Eleven để mua salad và một gói cơm nắm onigiri. Cô cho biết nhiều món ăn tại 7-Eleven có hương vị thân thuộc với cô và các đồng nghiệp.

Bên ngoài một cửa hàng 7-Eleven ở trung tâm Tokyo, Yuta Matsumura, 26 tuổi, đang ăn món bánh pancake nhân kem mà anh vừa mua. Anh cho biết mình thường ghé 7-Eleven ít nhất ba lần mỗi tuần, đôi khi để mua cơm trưa ăn liền. Tuy nhiên, Matsumura mê nhất là các món tráng miệng ở đây. "Chúng không quá ngọt, đúng khẩu vị của người Nhật. Món tráng miệng của 7-Eleven là ngon nhất”, anh Matsumura hào hứng chia sẻ.

 Đến nay, mặc dù có hàng chục nghìn cửa hàng 7-Eleven trên toàn cầu, nhưng phần lớn lợi nhuận của công ty vẫn đến từ Nhật Bản

Đến nay, mặc dù có hàng chục nghìn cửa hàng 7-Eleven trên toàn cầu, nhưng phần lớn lợi nhuận của công ty vẫn đến từ Nhật Bản

Ngay cả đầu bếp nổi tiếng thế giới Anthony Bourdain cũng từng ca ngợi các món bánh tại 7-Eleven Nhật Bản là những “cám dỗ” mà ông khó lòng từ bỏ. Đối với du khách quốc tế, 7-Eleven cũng là một điểm dừng chân không thể thiếu trong bất kỳ chuyến du lịch nào tới Nhật Bản.

Một chi tiết đáng chú ý khác là những cửa hàng tiện lợi như 7-Eleven luôn được nhắc đến là một phần không thể thiếu trong dịch vụ ứng phó khẩn cấp của Nhật Bản, đặc biệt trong việc cung cấp nhanh chóng các nhu yếu phẩm sau thảm họa thiên nhiên.

Ngoài các chức năng thương mại, hệ thống cửa hàng tiện lợi ở Nhật Bản còn được phát triển để đảm nhận các chức năng xã hội và phục vụ cộng đồng, báo cáo năm 2014 của công ty công nghệ NEC nhấn mạnh. Đội ngũ nhân viên ở nhiều địa điểm 7-Eleven còn được đào tạo cứu thương và hỗ trợ người cao tuổi bị mất trí nhớ đi lạc.

THÀNH CÔNG NHỜ HÒA NHẬP VĂN HÓA BẢN ĐỊA

Không chỉ mỗi Nhật Bản, chuỗi cửa hàng 7-Eleven còn tạo dựng được danh tiếng và vị thế dẫn đầu ở nhiều thị trường nước ngoài khác như Thái Lan và Đài Loan.

Mạng lưới 7-Eleven ở Thái Lan lớn thứ ba thế giới, chỉ đứng sau Nhật Bản và Mỹ. Kể từ khi mở cửa lần đầu tiên vào năm 1989, 7-Eleven Thái Lan đến nay đã phát triển được tổng cộng 14.500 cửa hàng.

Giống như Nhật Bản, 7-Eleven Thái Lan bày bán khá nhiều loại đồ ăn và thức uống đa dạng, cũng như cung cấp các dịch vụ thanh toán hóa đơn và nhận giao hàng. Thậm chí, là một quốc gia mạnh về du lịch, 7-Eleven Thái Lan còn cho phép khách hàng đặt mua vé máy bay, vé tàu xe.

Giới trẻ Thái Lan yêu thích các cửa hàng tiện lợi này vì một lý do đơn giản, đó là không gian sạch sẽ mát mẻ và giá cả rõ ràng, khác với những gánh hàng rong ngoài đường phố. Nhưng thay vì cạnh tranh, CP All - công ty vận hành các cửa hàng 7-Eleven được cấp phép bởi Seven & i Holdings - lại tìm cách xây dựng mối quan hệ cộng sinh với những người bán rong vỉa hè. Họ sẵn sàng để những người bán hàng rong bày bán ở lối vào cửa hàng.

“Đó là mối quan hệ thân thiện. Gánh hàng rong là một phần đời sống của người Thái và chúng tôi không muốn một thương hiệu đến từ nước ngoài làm ảnh hưởng đến điều này”, Trợ lý Phó Tổng giám đốc CP All, ông Banyat Kamnoonwatana chia sẻ với báo giới.

 Cửa hàng 7-Eleven ở khu vực trung tâm Bangkok (Thái Lan)

Cửa hàng 7-Eleven ở khu vực trung tâm Bangkok (Thái Lan)

Theo nghiên cứu của các nhà phân tích, 7-Eleven tại Thái có được hiệu quả hoạt động nội bộ khá tốt, với hệ thống trung tâm phân phối và quản lý hậu cần hiệu quả . Hoạt động giao hàng phải diễn ra gần như liên tục, bởi mỗi cửa hàng có khá ít không gian để trữ hàng tồn kho. Thêm vào đó, khi 7-Eleven tập trung vào mảng ẩm thực thì việc giữ thức ăn tươi ngon là yếu tố quan trọng hàng đầu. Thương hiệu luôn chủ động hợp tác với các nhà sản xuất để phát triển và thử nghiệm sản phẩm mới, thành lập các công ty con như CPRAM hay Kudsan để có nguồn hàng ổn định của riêng mình. Có thể nói, thành công của 7-Eleven Thái Lan phần lớn nhờ vào khả năng thích nghi với thói quen và sở thích tiêu dùng địa phương.

Còn ở Đài Loan, 7-Eleven lại được ca ngợi là một điểm đến du lịch không nên bỏ qua. Bởi lẽ, hệ thống ở Đài Loan có những nét độc đáo riêng mà chưa nơi nào có: đó là 100 cửa hàng theo chủ đề hoạt hình vô cùng đáng yêu.

Cửa hàng 7-Eleven đầu tiên ở Đài Loan mở cửa vào năm 1979 tại quận Zhongshan, Đài Bắc. Đến năm 2024, với hơn 7.000 cửa hàng, 7-Eleven trở thành chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn nhất tại vùng lãnh thổ này. Đài Loan cũng là nơi có mật độ cửa hàng tiện lợi cao nhất thế giới, với một cửa hàng cho mỗi 1.582 người, theo một nghiên cứu năm 2021 của công ty nghiên cứu tiêu dùng Nhật Bản.

 Một cửa hàng 7-Eleven Đài Loan theo chủ đề Hello Kitty

Một cửa hàng 7-Eleven Đài Loan theo chủ đề Hello Kitty

Tại bất kỳ 7-Eleven nào, khách hàng đều có thể thanh toán hóa đơn (thậm chí là đóng thuế), gửi - nhận bưu kiện, giặt ủi, kiểm tra huyết áp, trả sách thư viện, gửi fax, mua vé tàu hỏa và máy bay, truy cập internet hay còn dùng hóa đơn để chơi xổ số. Có thời điểm, 30% đăng ký gia hạn bằng lái xe ở Đài Loan được triển khai tại 7-Eleven, báo cáo năm 2011 của Đại học Quốc gia Chengchi ghi nhận.

Đài Loan cũng là nơi duy nhất trên thế giới có các cửa hàng 7-Eleven theo chủ đề hoạt hình, lấy cảm hứng từ những nhân vật nổi tiếng như Snoopy, Sanrio/Hello Kitty, Bugcat Capoo, Pokemon và Sumikko Gurashi. Một số cửa hàng 7-Eleven ở Đài Loan còn có cả quầy bar để khách hàng có thể uống bia Buckskin của Đài Loan hoặc bia Sapporo từ Nhật Bản ngay tại cửa hàng.

Trong số tất cả các quốc gia nơi 7-Eleven hiện diện, các cửa hàng ở Đài Loan dường như có nhiều quán cà phê và khu vực ngồi nhất, khuyến khích và mang đến không khí cộng đồng thân thiết.

7-Eleven Đài Loan đã xây dựng mô hình cửa hàng tiện lợi sáng tạo, phù hợp với đà phát triển nhanh chóng của nền kinh tế và trở thành một phần thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày của người dân.

Mỹ Hân

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/circle-k-7-eleven-39-ty-usd-va-niem-kieu-hanh-cua-bau-vat-nuoc-nhat-post554539.html