CLB Bóng đá cộng đồng Hồng Lạc với sân chơi cúp bóng đá 7 người toàn quốc

Trong vài năm gần đây, Hồng Lạc - một Câu lạc bộ Bóng đá cộng đồng tại Đà Lạt thông qua nguồn vận động tài trợ xã hội hóa đã từng bước tham gia sân chơi Giải Bóng đá 7 người vô địch toàn quốc.

CLB Bóng đá cộng đồng Hồng Lạc trong một buổi tập

CLB Bóng đá cộng đồng Hồng Lạc trong một buổi tập

Được hình thành cách đây trên 30 năm, Câu lạc bộ (CLB) Bóng đá cộng đồng Hồng Lạc là nơi tập hợp của những người yêu thích bóng đá trên địa bàn thành phố Đà Lạt thành một đội để chơi bóng với nhau. Cái tên Hồng Lạc xuất phát từ địa danh nơi CLB thành lập (xóm Hồng Lạc), nằm trên đường Phạm Hồng Thái gần nhà ga xe lửa, nay thuộc Phường 10, Đà Lạt.

Là một CLB bóng đá cộng đồng, hoạt động trên tinh thần tự nguyện của các thành viên, Hồng Lạc từ ngày thành lập đến nay trải qua bao thăng trầm vẫn duy trì được nếp sinh hoạt đều đặn và ngày càng phát triển. Hiện CLB có chừng 50 thành viên, trong đó khoảng 30 người sinh hoạt thường xuyên. Các thành viên đủ mọi ngành nghề, có người là nông dân, có người mua bán nhỏ, có người là công chức, có các cựu cầu thủ xa rời sân cỏ đã lâu..., điểm chung của tất cả mọi người ở đây là tình yêu bóng đá. Cứ ngày rảnh hay dịp cuối tuần, các thành viên lại tập hợp nhau, góp tiền thuê các sân cỏ nhân tạo trong thành phố để chơi. Chủ nhiệm CLB trong nhiều năm nay là ông Lê Thanh Phương - buôn bán hàng thủ công mỹ nghệ nhưng cũng cực kỳ yêu bóng đá.

Điểm đáng nói của các thành viên nơi đây chính là sự đa dạng về nhóm tuổi. Có người đến nay đã gần 60 tuổi, như ông Chủ nhiệm CLB chẳng hạn, nhưng vẫn thích xỏ giày ra sân vận động; rồi có những cựu cầu thủ trên 50 tuổi nhưng cũng có không ít các thành viên trong độ tuổi 20 - 30. Gần đây CLB còn đứng ra đào tạo bóng đá trẻ, hiện có chừng 60 học viên trong lứa tuổi từ U9 đến U15 đang tập luyện tại các lớp đào tạo bóng đá trẻ của CLB trong hè này.

Đặc biệt, trong 3 năm gần đây CLB Bóng đá cộng đồng Hồng Lạc thông qua các nguồn vận động tài trợ đã tham gia Giải Cúp Bóng đá 7 người vô địch toàn quốc. Đây là một giải đấu lớn, hình thành đã lâu theo hình thức xã hội hóa với sự tài trợ của các doanh nghiệp lớn trong nước, bắt đầu từ bóng đá đường phố ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc rồi lan dần vào Nam và hiện nay số đội trong nước đăng ký tham gia giải hằng năm rất lớn nên giải phải tổ chức vòng loại theo từng khu vực sau đó chọn các đội đứng đầu vào vòng chung kết toàn quốc.

Chuẩn bị vào một trận đấu tại thành phố Buôn Ma Thuột

Chuẩn bị vào một trận đấu tại thành phố Buôn Ma Thuột

Theo HLV Nguyễn Trí Ngọc Khoa, Hồng Lạc lần đầu tiên tham dự giải đấu này vào năm 2019. “Cũng là dịp thử sức mình trên sân chơi cả nước theo đề nghị của nhiều thành viên trong CLB, chứ lâu nay chỉ quẩn quanh trong sân chơi địa phương tại Đà Lạt và của tỉnh. Khi mình ra ngoài thì cũng là dịp mở rộng tầm mắt, học hỏi về cách thức hoạt động của các CLB bóng đá cộng đồng khác trong nước để có hướng phát triển cho CLB mình trong tương lai tốt hơn”.

Trong năm 2019, khu vực phía Bắc giải có 12 đội tham dự, miền Trung có 8 đội và khu vực phía Nam có 12 đội tranh tài; Hồng Lạc phải đưa quân đến tận Phú Yên để thi đấu, chủ yếu để học hỏi, không đặt nặng thành tích. Năm 2020 do đại dịch COVID-19 giải không tổ chức được, sang năm 2021 khi giải trở lại, Hồng Lạc đã đại diện Tây Nguyên thi đấu trong khu vực miền Trung, chơi 3 trận hòa 1 thua 2 “Vì gặp toàn đội mạnh” - ông Khoa cho biết.

Trong năm 2022 này, Hồng Lạc tiếp tục tham gia giải đấu. Khu vực Tây Nguyên có 8 đội, chia làm 2 bảng, mỗi bảng có 4 đội, đấu vòng tròn, các trận đấu diễn ra cuối tuần, bắt đầu từ ngày 9/7 đến ngày 10/8. Sau khi kết thúc vòng bảng, 2 đội dẫn đầu bảng sẽ gặp nhau để tranh 1 suất duy nhất của Tây Nguyên đi thi đấu vòng chung kết toàn quốc.

Giải năm nay theo ông Khoa, số lượng các đội trong nước tham dự rất đông. Cùng với khu vực Tây Nguyên, tất cả các khu vực trong nước cũng bắt đầu vòng loại trong dịp này. Sau khi kết thúc vòng loại, giải sẽ chọn các đội dẫn đầu khu vực để vào vòng chung kết, trong đó khu vực miền Bắc chọn 3 đội, khu vực miền Trung chọn 2 đội, khu vực Tây Nguyên chọn 1 đội, khu vực miền Nam và Đông Nam bộ chọn 3 đội, khu vực miền Tây chọn 1 đội.

Về thực lực của Hồng Lạc năm nay, bên cạnh HLV Nguyễn Trí Ngọc Khoa lâu nay, đội còn mới tăng cường thêm HLV phó Lê Quốc Dũng và trợ lý Bùi Văn Đông. HLV Nguyễn Trí Ngọc Khoa trưởng thành từ năng khiếu bóng đá Lâm Đồng, từng chơi bóng cho đội tuyển Lâm Đồng, là một doanh nhân nhưng vẫn yêu bóng đá, dành thời gian để hoàn tất chương trình đào tạo HLV bóng đá, làm HLV cho CLB và huấn luyện bóng đá cho trẻ em. HLV Lê Quốc Dũng cũng là người Đà Lạt, từng chơi trong đội tuyển bóng đá Lâm Đồng sau đó xuống TP Hồ Chí Minh sinh sống, có nhiều năm làm bóng đá đường phố; còn Trợ lý Bùi Văn Đông cũng là người từng nhiều năm có kinh nghiệm chơi bóng đá trong nước.

Theo HLV Lê Quốc Dũng, trong đội hình 15 cầu thủ tham gia giải năm nay có khá nhiều các cựu cầu thủ có người từng chơi cho Bóng đá Lâm Đồng, có người từng chơi V-League, chơi hạng Nhất hay hạng Nhì bóng đá quốc gia, có những cầu thủ từng trong năng khiếu Bóng đá Lâm Đồng nhưng sau đó không theo nghiệp bóng đá vì nhiều lý do, nay dành thời gian tham gia bóng đá phong trào, người nhiều tuổi nhất trong đội cũng 35 - 36, người ít tuổi nhất cũng 19 - 20.

“Đội hình với các thành viên nhiều kinh nghiệm như vậy cũng chẳng lo lắm, vấn đề là làm sao gắn kết tốt với nhau, vì mỗi người mỗi việc, bận rộn với công việc làm ăn, mưu sinh nên thời gian tập luyện với nhau còn ít. Với lại bóng đá 7 người cũng có nét khác biệt với bóng đá 11 người, thời gian thi đấu chỉ 60 phút kiểu bóng đá đường phố rất nhanh. Mùa này đã là mùa thứ ba tham dự nên hy vọng kết quả của đội có thể được cải thiện hơn nhiều” - HLV Lê Quốc Dũng nói.

Một vấn đề quan trọng khác mà một CLB bóng đá cộng đồng như Hồng Lạc đối mặt khi muốn chơi cho các giải đấu lớn trong nước như giải bóng đá 7 người vô địch quốc gia này chính là khả năng về mặt tài chính. Theo HLV Nguyễn Trí Ngọc Khoa, không phải dễ khi phải đưa cả một đội hình 20 thành viên gồm cầu thủ và Ban Huấn luyện ra tỉnh ngoài thi đấu. Vì đây là một giải xã hội hóa, mỗi đội khi tham gia giải đều phải tự túc hoàn toàn, giải lại kéo dài ngày. Trước nhất toàn đội cần phải đồng lòng, có quyết tâm, các thành viên sắp xếp công việc để dự giải, cùng đó toàn CLB tìm các nguồn vận động tài trợ để có tiền thuê xe, lo chi phí đi lại, ăn ở cho toàn đội.

“Niềm vui là chúng tôi trong 3 năm dự giải đã được nhiều nhà hảo tâm yêu bóng đá tài trợ. Như năm nay đội thi đấu tại Buôn Ma Thuột, chỉ 3 trận cho vòng loại này di chuyển cả đội khoảng 20 người từ Đà Lạt qua cũng có chi phí khá lớn. CLB trước khi vào giải đội đã tìm được nhà tài trợ cho áo đấu cũng như tài trợ cho các chi phí tham gia vòng loại, cứ vượt qua được vòng loại rồi tính tiếp” - ông Khoa tươi cười.

Cho đến thời điểm bài viết này lên khuôn, CLB Hồng Lạc đã thi đấu được 2 trận trong chuỗi 3 trận tại vòng loại ở thành phố Buôn Ma Thuột, trong đó thắng 1, thua 1. Cả 4 đội trong bảng này thi đấu vòng tròn trong bảng đến nay đều có 1 trận thắng 1 trận hòa, trận cuối cùng vòng bảng vào cuối tuần này mang yếu tố quyết định cho đội nào sẽ được đi tiếp. “Cứ cố gắng hết mình, chơi bóng ở một giải lớn như thế chính là niềm vui rồi” - ông Khoa mỉm cười.

VIẾT TRỌNG

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/thethao/202207/clb-bong-da-cong-dong-hong-lac-voi-san-choi-cup-bong-da-7-nguoi-toan-quoc-3126300/