Những ngày đầu năm mới 2022, từ sớm tinh mơ, khi thủy triều rút, người dân làng chài Nam Ô (Đà Nẵng) lại í ới gọi nhau men theo các gành đá ở chân núi Hải Vân để hái mứt biển. Họ gọi đây là "lộc trời" bởi mỗi ngày đi hái rong mứt có thể kiếm được bạc triệu
Mùa rong mứt thường bắt đầu từ tháng 11 âm lịch và kéo dài cho đến hết tháng Giêng năm sau thì chấm dứt
Theo người dân làng này, nhiều vùng biển trên cả nước cũng có món mứt biển. Tuy nhiên, ở Nam Ô mứt biển được cho là ngon nhất bởi từng được dùng là món ăn tiến vua
Rau mứt có màu nâu sậm, thân sụn mềm, tạo thành chùm ở phần ngọn; có thể dùng khi còn tươi hoặc phơi khô đều ngon, thường để nấu canh, xào cùng các loại cá, thịt, tôm,... Ngày nay, loại rong này còn trở thành đặc sản được nhiều du khách chọn làm quà biếu cho người thân, bạn bè khi có dịp đến Đà Nẵng
Mứt biển thường mọc trên những gành đá cheo leo. Để hái mứt biển, người dân phải leo trèo trên vách đá dựng đứng và rất trơn trượt
Bà Phạm Thị Cứ (62 tuổi) cho biết, bà làm nghề này từ khi còn là cô bé 14 tuổi theo cha mẹ đi hái rong. Để hái được rong phải biết lựa con nước, có khi phải dậy từ 1h sáng hái đến 10h trưa. Nước rút sớm thì đi sớm, còn rút trễ đi trễ
Dụng cụ để đi hái rong mứt cũng khá đơn giản, miếng cào bằng nhôm, sắt cán mỏng để cào mứt ra khỏi mỏm đá, túi lưới đựng rong
Một kg mứt biển hiện có giá khoảng 200 - 300 nghìn đồng. Nếu mang phơi khô 1 nắng thì thương lái sẽ mua với giá 1,3 triệu đồng/kg. Khoảng 10 kg mứt biển tươi thì sẽ được 1 kg mứt biển khô
Để có những lá rong biển ngon nhất, người dân bắt đầu hái mứt biển ngay từ lúc vừa mọc, chứ không để mứt phát triển lâu, lá già sẽ mất ngon
Mưa, sóng lớn phủ nước biển lên các gành đá cùng với thời tiết se lạnh là điều kiện thuận lợi để rau mứt phát triển. Để hái được rong, họ phải đối mặt với hiểm nguy khi leo qua những mỏm đá góc cạnh, trơn trượt hay ngâm mình dưới nước lạnh nhiều giờ liền
Khi trèo lên các vách đá để hái mứt biển thì các chị phải mặc áo quần bó chặt cơ thể, đầu đội mũ trùm kín chống lại với giá rét, sương sớm của biển. Đá trơn trượt và sóng biển xô đập dữ dội khiến người hái có thể rơi xuống biển bất cứ lúc nào
Theo người dân địa phương, đã không ít người làm nghề này bị gãy chân, gãy tay hay phải mang thương tật cả đời bởi trượt chân té ghềnh hoặc sóng quật vào đá gây bể đầu
Hơn 10 năm gắn bó với nghề, anh Trần Văn Chung (SN 1997) không nhớ nổi bao nhiêu lần đã bị sóng đánh ngã dúi dụi, đá cắt để lại sẹo đầy trên lưng. Trong những lần như thế, anh thấy mình thật may mắn khi không phải bỏ mạng nơi vách đá chênh vênh. "Người làm nghề như tôi thì sinh - tử chỉ cách nhau 1 bước chân sai lầm. Nhưng vì miếng cơm, manh áo nên đành phải liều thôi", anh Chung trải lòng
Theo người dân, mọi năm rong biển khá nhiều nên 1 buổi có thể hái được tầm 10 - 15kg, nhưng năm nay không được mùa nên lượng mứt hái được ít hơn
"Những người giỏi có thể kiếm từ 1 -2 triệu đồng chỉ sau vài tiếng khai thác rong mứt. Cao điểm có người một tháng có thể 'trúng' từ 30 - 40 triệu. Còn như tôi ngày hái cũng được khoảng 4 - 10 kg, thu nhập cũng giao động từ 500 - 1 triệu đồng", bà Phạm Thị Cứ chia sẻ
Dù công việc vất vả, phải chịu cái rét căm căm của sóng biển, nhưng những ngư dân làng chài Nam Ô vẫn gắn bó với nghề hái "lộc biển". Họ dầm mình nhiều giờ trong nước chỉ vì mong muốn đem về một cái Tết đủ đầy, no ấm cho gia đình