Clip đập bể 2 gương chiếu hậu và kính ô tô đỗ trước cửa nhà: Người đàn ông có nguy cơ đi tù
Nóng mắt vì thấy ô tô đỗ trước cửa nhà mình, người đàn ông có hành động thiếu kiềm chế dẫn đến nguy cơ phải đền bù thiệt hại lớn, bị phạt tiền, thậm chí đi tù.
Hiện nay, không hiếm trường hợp tài xế thiếu ý thức đỗ ô tô phía trước hoặc chắn trước cửa ra vào nhà người khác. Thế nhưng, người trong nhà cần bình tĩnh khi rơi vào tình huống này.
Dân mạng đang xôn xao vì clip người đàn ông mặc quần short, áo vàng cầm gậy đập phá ô tô màu đen đỗ trước nhà mình.
Không chỉ đập tan nát kính phía sau ô tô, ông ta còn phang vào đuôi đuôi xe.
Chưa dừng lại ở đó, người đàn ông tiếp tục cầm gậy đập bể hai gương chiếu hậu ô tô.
Thay vì nhắc nhở tài xế điều khiển ô tô ra khỏi khu vực phía trước nhà mình, người đàn ông thực hiện hành vi Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác để rồi có nguy cơ phải đền bù thiệt hại không nhỏ, bị phạt tiền, thậm chí đi tù.
Các hành vi như sơn, vẽ, cạo sơn ô tô hoặc đập kính, phá gương, chọc lốp... nếu làm hư hỏng xe thì không chỉ phải bồi thường thiệt hại mà còn bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng do thực hiện hành vi Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Nếu thiệt hại nặng, người thực hiện hành vi còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 20 năm khi gây thiệt hại từ 2.000.000 đồng trở lên hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc bị kết án về hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo quy định tại Điều 178 Bộ luật Hình sự.
Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác có 4 mức khung hình phạt tương ứng với 4 khoản (từ khoản 1 đến khoản 4) tại Điều 178 Bộ luật Hình sự được sửa đổi, bổ sung năm 2017.
- Khung 1: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm;
- Khung 2: Phạt tù từ 2 năm đến 7 năm;
- Khung 3: Phạt tù từ 5 năm đến 10 năm;
- Khung 4: Phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.
Ngoài hình phạt chính ở trên, người phạm tội còn có thể phải chịu hình phạt bổ sung với mức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Đỗ ô tô trước cửa nhà người khác có bị xử phạt?
Hiện nay, tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, không quy định về việc xử phạt với hành vi đỗ xe chắn trước cửa nhà người khác. Tuy nhiên, người điều khiển phương tiện vẫn cần đảm bảo các quy định về đỗ xe trên đường tại Điều 18 và Điều 19 Luật Giao thông đường bộ 2008:
– Phải đảm bảo an toàn trước khi rời khỏi xe như: Có tín hiệu báo; cho xe dừng, đỗ ở nơi có lề đường rộng; xe đỗ chiếm một phần đường xe chạy phải đặt ngay biển báo hiệu nguy hiểm; xe đỗ trên đoạn đường dốc phải được chèn bánh,…
– Không được đỗ xe tại các vị trí sau: Bên trái đường một chiều; trước cổng trong phạm vi 5 mét hai bên cổng trụ sở cơ quan, tổ chức; tại nơi phần đường có bề rộng chỉ đủ cho một làn xe; trên miệng cống thoát nước, miệng hầm của đường điện thoại, điện cao thế; không được để phương tiện ở lòng đường, hè phố trái quy định;…
– Đỗ xe trên đường phố phải đỗ sát theo lề đường, hè phố phía bên phải theo chiều đi; bánh xe gần nhất không được cách xa lề đường, hè phố quá 0,25 mét và không gây cản trở, nguy hiểm cho giao thông. Trường hợp đường phố hẹp, phải đỗ xe ở vị trí cách xe ô tô đang đỗ bên kia đường tối thiểu 20 mét.
Như vậy, nếu tài xế đã đỗ xe đúng quy định thì đương nhiên không bị xử phạt kể cả khi đỗ ô tô chắn trước cửa nhà người khác.