Clip phản cảm trên mạng xã hội và mối lo trẻ bị đánh tráo niềm tin
Vài ngày qua, cư dân mạng xôn xao, phản đối thậm chí kêu gọi tẩy chay Youtuber Thơ Nguyễn vì liên quan đến Clip cho búp bê uống coca để xin vía học giỏi. Hãy cùng các chuyên gia phân tích nút thắt của vấn đề.
Ở clip đăng ngày 27/2 lên mạng xã hội TikTok, Thơ Nguyễn thực hiện video dùng búp bê Kumanthong để "xin vía học giỏi" do "nhận được nhiều yêu cầu của các em nhỏ". Các clip này sau đó tiếp tục được đăng tải trên kênh YouTube của Thơ Nguyễn và nhận phải nhiều phản ứng lên án từ phía cộng đồng mạng. Cục PTTH&TTĐT đã yêu cầu TikTok và YouTube gỡ bỏ các clip vi phạm liên quan đến Thơ Nguyễn.
Thơ Nguyễn được biết đến là một YouTuber nổi tiếng tại Việt Nam. Cô hiện sở hữu kênh YouTube Thơ Nguyễn với hơn 8,7 triệu người theo dõi. Sản phẩm của kênh YouTube này là các video có nội dung dành cho trẻ nhỏ.
Mối lo trẻ bị đánh tráo niềm tin
Nhạc sĩ Lê Xuân Đức – một Facebooker nổi tiếng (FB: Bố Con Sâu), chuyên làm nội dung cho trẻ em chia sẻ góc nhìn từ chuyện video búp bê của Thơ Nguyễn. Theo anh Xuân Đức, mạng xã hội là “thượng vàng hạ cám”, nếu không có Thơ Nguyễn, thì sẽ còn có Thơ Bùi, Thơ Trần… Bản chất vấn đề nằm ở chính vai trò của phụ huynh.
Ai cũng muốn bảo vệ con mình trước những nội dung không lành mạnh. Nhưng chúng ta không thể block hết được, thậm chí nhiều người chẳng để ý con mình xem gì. Nếu phát hiện cũng chỉ la rầy rồi bắt chuyển kênh chứ không có những cách xử lý quyết liệt.
Cũng theo anh Đức, mọi người hay thắc mắc “Không hiểu sao trẻ con lại mê Thơ Nguyễn thế”. Ở góc nhìn của mình, anh Lê Xuân Đức lý giải: Trẻ em không phân biệt được tính giáo dục hay không giáo dục. Chúng thường thích những thứ ngược đời, màu mè, thứ bố mẹ không đồng ý cho làm ở nhà… Và chị Thơ Nguyễn đã đánh trúng tâm lý tò mò của trẻ.
Vì vậy, trách nhiệm của bố mẹ là tìm cách kiểm soát nội dung cho con xem, nghiêm cấm xem các kênh không được phép. Người lớn phải có trách nhiệm dẫn dắt, định hướng cho trẻ, đừng để người trên mạng làm việc đó thay chúng ta.
Còn chuyên gia trị liệu tâm lý trẻ em Trần Thị Mạnh Linh (Công ty tham vấn, tư vấn trị liệu tâm lý: Mạnh Linh School psychology) chia sẻ: Xem clip xin vía học giỏi từ búp bê của Youtuber Thơ Nguyễn, tôi thấy cô ấy có nói đến việc các em phải cố gắng học. Cô ấy có dùng bảng điểm của cá nhân để minh họa.
Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ, cô ấy dùng phương thức truyền đạt ma mãnh, thần thánh. Điều này thật nguy hại cho người xem nhất là đối tượng theo dõi Thơ Nguyễn chủ yếu là trẻ nhỏ.
“Trẻ em thường có thần tượng và làm theo thần tượng của mình. Hơn nữa, các em chưa có đủ nhận thức để lọc thông tin nên bắt chước y nguyên việc làm của thần tượng. Niềm tin chi phối cách nghĩ và cách làm của trẻ. Khi trẻ bị đánh tráo niềm tin, thay vì dựa vào khả năng bản thân, tri thức khoa học lại tin vào bùa ngải, hành động theo đức tin lệch lạc đó”, chuyên gia Trần Thị Mạnh Linh lo ngại.
Loại Clip bẩn: Vai trò quan trọng của phụ huynh
Nhạc sĩ Lê Xuân Đức cho rằng, để hạn chế trẻ tiếp cận các clip thiếu lành mạnh nhan nhản trên mạng xã hội, bố mẹ cần kiểm soát chặt chẽ nội dung cho con xem: Cài đặt chế độ lọc nội dung; Vô hiệu hóa tính năng gợi ý các video; Dùng ứng dụng Youtube Kids; Tắt tính năng tìm kiếm; Tạo danh mục phát video.
Bạn có thể tự tạo lập danh sách 50 hoặc lớn hơn các video mà bạn muốn cho con xem. Để tạo một danh sách phát video, hãy bấm vào dấu "+" bên dưới một video cho phần "Add to". Sau đó bấm chọn Creat new playlist, đặt tên, sau đó bắt đầu chọn thêm nội dung cho danh sách phát này.
Ở góc độ của một người làm nội dung cho trẻ em, nhạc sĩ Lê Xuân Đức nêu quan điểm: Với một kênh Youtube 8,7 triệu người theo dõi không phải dễ dàng, là một tài nguyên rất quý. Nếu có những video giáo dục tuyệt vời sẽ vô cùng có lợi với cá nhân Thơ Nguyễn và cả cộng đồng. Mong Thơ Nguyễn hãy dũng cảm chịu trách nhiệm và tích cực thay đổi để sớm có một Thơ Nguyễn hoàn toàn mới sau sự việc đáng tiếc lần này.
Chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh cho rằng: Trước tiên, cha mẹ đọc thông tin hàng ngày và cùng trao đổi để con nhận thức về sự phát triển đa dạng của công nghệ thông tin và các rủi ro có thể gặp phải. Hãy dạy con kĩ năng dùng công nghệ, khi nào dùng, dùng trong bao lâu, các kênh có thể xem. Khi con thuần thục kĩ năng thì cho dùng và có giám sát hợp lý (xem cùng con, cài một số trang được dùng trong máy...). Cùng với đó, hãy xây dựng nội quy và hệ thống thưởng phạt rõ ràng khi con dùng Internet.
Cha mẹ không nên hoang mang khi đọc các thông tin, cũng tránh bị ảnh hưởng đám đông mà cấm đoán con mình không cho dùng công nghệ. Thời đại 4.0, đừng vì sợ rủi ro mà cấm, xóa, khóa. Khi bố mẹ quan tâm, kiểm soát đúng mức, mạng xã hội sẽ mang đến nhiều điều bổ ích cho con cái.
Chuyên gia Trần Thị Mạnh Linh