CNBC: Vàng có giá nhưng Warren Buffet chẳng thèm mua chúng, còn bạn thì sao?
Câu trả lời nằm ở quan điểm của bạn về vàng cũng như mục đích của bản thân.
Nhắc đến vàng là hầu như tất cả mọi người liên tưởng đến trang sức, tài sản trú ẩn và một thứ có giá trị. Thứ kim loại quý này từ lâu nay luôn được ví như biểu tượng của sự giàu sang, hay những tài sản có giá trị.
Thế nhưng bạn có nên sở hữu vàng không, nhất là trong thời kỳ vàng đang có giá cao ngất ngưởng như hiện nay?
Theo hãng tin CNBC, việc bạn có nên mua vàng tùy thuộc vào quan điểm của bản thân. Bạn sẽ mua vàng để làm gì? Thỏa mãn hư vinh hay dùng làm trang sức? Liệu đó có phải là một khoản đầu tư tốt hay đơn giản chỉ là để đảm bảo tài sản không bị mất giá do lạm phát?
Trên thực tế cách đây vài năm, các cá nhân thường khó sở hữu vàng khi phải mua dưới dạng thực tế. Thị trường vàng kỳ hạn cũng khá phức tạp cho những nhà đầu tư nhỏ lẻ. Thế nhưng ngày này những quỹ ETF liên quan đến kinh doanh vàng khiến các nhà đầu tư dễ tiếp cận kim loại quý này hơn. Quỹ ETF liên quan đến kinh doanh vàng lớn nhất hiện nay là SPDR Gold Trust với khoảng 85 tỷ USD tài sản.
Quay trở lại câu chuyện, vậy bạn có nên mua vàng vào thời điểm này? Hãng tin CNBC không thể đưa ra câu trả lời cho từng người nhưng họ liệt kê ra một số lý do chính đáng mà mọi người thường dùng để mua hoặc không mua kim loại quý này.
Tại sao nên mua vàng?
- Tích trữ tài sản: Vàng là thứ tài sản thường được dùng để tích trữ. Khoảng 40% sản lượng vàng được sản xuất ra hiện nay dùng cho việc tích trữ dưới hầm của các ngân hàng trung ương dưới dạng thỏi hoặc đồng xu. Với khả năng chống chịu oxy hóa tốt cũng như giữ được vẻ đẹp trong thời gian dài, nhất là yếu tố giữ được giá trị trong tương lai khiến vàng trở thành thứ tài sản hay được dùng để tích trữ nhất trong thời kỳ khủng hoảng.
- Trang sức: Khoảng 50% sản lượng vàng được sản xuất ra hiện nay dùng cho thị trường trang sức. Tại nhiều quốc gia như Ấn Độ, vàng chủ yếu được dùng cho trang sức và các hộ gia đình cũng tích trữ kim loại quý này dưới dạng trang sức nhiều hơn là dạng thỏi hay đồng xu.
- Chống lạm phát: Với khả năng giữ giá trị trong dài hạn và chống lại sự mất giá của tài sản do lạm phát, vàng trở thành mặt hàng ưu tiên của nhà đầu tư trong thời kỳ khủng hoảng hay lạm phát phi mã.
- Chống bất ổn: Ngoài chống lạm phát, vàng còn là nơi trú ẩn an toàn của tài sản khi các bất ổn, biến động cả về kinh tế, chính trị, xã hội diễn ra. Điều này trở nên vô cùng chính xác trong thời kỳ chiến tranh hay đại dịch khi niềm tin vào chính phủ và tiền mặt của nhà đầu tư trở nên mong manh.
- Đa dạng hóa đầu tư: Vàng thường được coi là một kênh đầu tư bên cạnh cổ phiếu, trái phiếu hay các thị trường hàng hóa khác. Bởi vậy chúng cũng trở thành một kênh đầu tư hấp dẫn, qua đó đa dạng hóa danh mục và làm giảm thiểu tỷ lệ rủi ro khi bỏ hết tiền vào một kênh.
Tại sao không nên mua vàng?
Mặc dù vàng vô cùng hấp dẫn nhưng trên thực tế không phải ai cũng nên bỏ tiền vào đây. Tính theo thời gian vài chục năm trở lại đây, đầu tư vào vàng thường kém lợi nhuận hơn so với chứng khoán. Một nghiên cứu cho thấy trong khoảng 1972-2013, đầu tư vào cổ phiếu có lợi hơn vàng bất kể lãi suất ngân hàng tăng hay giảm.
Bên cạnh đó, chưa có một lý thuyết kinh tế nào chứng minh được vàng miễn dịch với lạm phát. Giáo sư tài chính quốc tế Brian Lucey của trường đại học Trinity College Dublin cho biết vào thập niên 1970, mối liên hệ giữa vàng với lạm phát vô cùng yếu dù cuộc khủng hoảng giá dầu đang khiến hàng loạt tài sản mất giá.
Đồng quan điểm, nghiên cứu của Chuyên gia David Heller thuộc trường Paris Business School cũng cho thấy vàng có khả năng chống lạm phát trong ngắn hạn ở Anh, Mỹ và Ấn Độ nhưng về dài hạn, kim loại quý này không khiến tài sản giữ được giá trị mãi mãi.
Một vấn đề nữa khiến nhiều người như tỷ phú Warren Buffett ghét vàng là nó chẳng sản xuất hay làm ra lợi nhuận gì. Không giống vởi cổ phiếu khi có cổ tức hoặc thúc đẩy lưu thông nguồn vốn cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh, vàng chỉ nằm yên trong kho và khiến nhà đầu tư tốn thêm tiền phí trông coi.
Vậy câu trả lời của bạn là gì? Mua hay không mua vàng?