CNG Việt Nam (CNG): Sản lượng tiêu thụ quý 2 ước cao gấp đôi, hé lộ chiến lược kinh doanh LNG
Ban lãnh đạo Công ty Cổ phần CNG Việt Nam (mã cổ phiếu CNG) vừa chia sẻ một số thông tin về chiến lược phát triển kinh doanh mảng LNG mới với kỳ vọng mảng này sẽ trở thành động lực tăng trưởng chính, dần thay thế mảng CNG.
Kết thúc quý 1/2024, Công ty Cổ phần CNG Việt Nam (mã cổ phiếu CNG - sàn HoSE) ghi nhận doanh thu thuần đạt 631 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 1,3 tỷ đồng, lần lượt giảm 15% và 94% so với cùng kỳ năm trước. Qua đó, hoàn thành được 21% kế hoạch doanh thu và 1,5% kế hoạch lợi nhuận cả năm nay.
Theo chia sẻ của ban lãnh đạo CNG Việt Nam, do đặc tính mùa vụ và nhu cầu yếu cùng với nguồn cung thấp tại miền Bắc, sản lượng tiêu thụ khí CNG trong quý 1/2024 chỉ đạt 47 triệu Sm3 khí so với mức trung bình hơn 60 triệu Sm3 khí/quý trong năm 2023. Do đó, dù có lợi thế giảm khấu hao 14 tỷ đồng nhưng công ty không ghi nhận phần lợi nhuận đột biến như năm ngoái.
Tuy nhiên, ban lãnh đạo CNG Việt Nam nhận định kết quả kinh doanh từ quý 2/2024 trở đi sẽ khởi sắc hơn khi sản lượng khí được cải thiện nhờ chủ mỏ tăng sản lượng cung cấp khí cho công ty; đồng thời, hiệu quả kinh doanh ở khu vực miền Bắc được cải thiện. Theo đó, sản lượng CNG tại miền Bắc có thể đạt tới 60 triệu Sm3 khí, cao gấp đôi so với kế hoạch hiện tại. Bên cạnh đó, công ty cũng thay đổi cơ chế giá bán, kỳ vọng điều này sẽ thúc đẩy kết quả kinh doanh.
Ban lãnh đạo CNG Việt Nam cũng cho biết, công ty sẽ đẩy mạnh kinh doanh LNG từ quý 3/2024. Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 vừa qua, công ty đã trình cổ đông xem xét và thông qua các nội dung chính trong hợp đồng mua khí LNG với công ty mẹ - Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV Gas) với giá trị hợp đồng tạm tính là 10.000 tỷ đồng và thời hạn hợp đồng là 5 năm.
Giá khí và thời hạn thanh toán sẽ theo thông báo của PV Gas và chốt khi ký hợp đồng chính thức. Hiện CNG Việt Nam kỳ vọng sẽ chốt các hợp đồng LNG trong tháng này và bắt đầu triển khai kinh doanh trong quý 3 - quý 4/2024 với thị trường trọng điểm là miền Bắc.
Công ty đã lên kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng kinh doanh LNG tại miền Bắc với giá trị bán đầu 46 tỷ đồng, tập trung chủ yếu tại các khu công nghiệp thuộc tỉnh Bắc Ninh, Hải Phòng, và Hưng Yên. CNG Việt Nam đánh giá đây là thị trường tiềm năng khi dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tập trung ngày càng nhiều tại đây, giúp nhu cầu sử dụng khí ở các địa phương này tương đương với thị trường miền Nam.
Ước tính, nhu cầu khí tại thị trường miền Bắc là 1 tỷ m3 khí/năm và có tốc độ tăng trưởng cao hơn thị trường miền Nam. Hiện thị trường miền Nam có tốc độ tăng trưởng hàng năm đạt khoảng 5 - 6%, theo CNG Việt Nam.
Hiện CNG Việt Nam xác định LNG sẽ là sản phẩm kinh doanh chiến lược trong giai đoạn 2024 – 2029. Sau năm 2029, công ty dự kiến sẽ thay thế hoàn toàn CNG bằng LNG. Đồng thời, công ty cũng đặt mục tiêu sẽ chiếm lĩnh 60% thị phần phân phối LNG thông qua xe bồn trên toàn quốc.
Với cả dự án LNG Tây Nguyên - Bình Thuận và LNG Mỹ Phước 3 tại thị thị trường miền Nam, CNG Việt Nam cho biết đang tạm dừng đầu tư do các vướng mắc về nhu cầu suy yếu tạm thời của khách hàng cũng như thủ tục thuê đất tại các khu công nghiệp.