CNH, HĐH trên nền tảng tiến bộ KH&CN và đổi mới sáng tạo

(Tiếp theo kỳ trước)

*NGUYỄN HỒNG TRÀ, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy

BPO - Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, công nghiệp công nghệ cao ngày càng có vai trò quan trọng, giúp đẩy nhanh quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng dựa trên tăng năng suất; tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) sẽ là nhân tố quan trọng thực hiện những nội dung cơ bản về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) trên nền tảng tiến bộ KH&CN và đổi mới sáng tạo, bảo đảm phát triển kinh tế nhanh, bền vững.

Nông - lâm nghiệp kết hợp với phát triển công nghiệp

So với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ, Bình Phước vẫn là tỉnh còn nhiều hạn chế về tiềm lực kinh tế, xã hội, trình độ dân trí và tốc độ phát triển của các ngành kinh tế mũi nhọn. Nghị quyết số 01-NQ/ĐH ngày 22-10-2020 của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Phước lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025) đã xác định tập trung lãnh đạo phát triển nông - lâm - ngư nghiệp, đặc biệt quan tâm 3 nhóm sản phẩm xuất khẩu mũi nhọn của tỉnh chủ yếu “Chế biến hạt điều, chế biến gỗ và chế biến thực phẩm” trở thành chủ lực của tỉnh, với 3 nhiệm vụ tạo vùng nguyên liệu, chế biến sâu và hình thành liên kết chuỗi trên địa bàn định hướng xuất khẩu. Tỉnh ủy đặt ra mục tiêu đến năm 2030, tỷ trọng hạt điều chế biến sâu đạt 25%; giá trị sản xuất nhân hạt điều, các sản phẩm từ hạt điều và dầu vỏ hạt điều đạt 69.000 tỷ đồng/năm. Giá trị sản xuất ngành chế biến gỗ đạt 29.571 tỷ đồng/năm. Giá trị sản xuất ngành chế biến thực phẩm đạt 27.929 tỷ đồng/năm.

Để đạt được mục tiêu nêu trên đòi hỏi các cấp chính quyền, cơ quan, đơn vị, địa phương phải quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo gắn phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế, cụm công nghiệp với chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư, các hoạt động xúc tiến đầu tư, phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, tạo lợi thế so sánh để thu hút những dự án đầu tư có quy mô và chất lượng, góp phần đẩy mạnh và nâng cao chất lượng phát triển công nghiệp của tỉnh trong giai đoạn tới. Từng bước hình thành một số cơ sở sản xuất thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh như sản xuất phần mềm, tích hợp hệ thống, sản xuất các thiết bị công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh. Thúc đẩy phát triển và ứng dụng công nghệ cao thuộc một số lĩnh vực vào hoạt động sản xuất như công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới.

Để thực hiện phương hướng, mục tiêu và nội dung chủ yếu của chương trình sản xuất hàng tiêu dùng và sản xuất hàng xuất khẩu, Tỉnh ủy thống nhất đề ra các giải pháp cụ thể về phát triển thị trường, trước hết chỉ đạo các DN nhà nước hỗ trợ DN thuộc các thành phần kinh tế khác, xây dựng và thực hiện chiến lược thị trường cho từng ngành hàng, mặt hàng... Khai thác và sử dụng hợp lý tối đa nguồn tài nguyên khoáng sản và các nguồn nguyên liệu công nghiệp khác; tập trung các giải pháp phát triển năng lực sản xuất gồm các vấn đề vốn, chính sách KH&CN, mặt bằng sản xuất và thuế; khuyến khích mọi tầng lớp nhân dân, mọi thành phần kinh tế, các nhà đầu tư trong và ngoài nước bỏ vốn đầu tư phát triển hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu. Khuyến khích các DN đầu tư mới có quy mô vừa và nhỏ nhưng có công nghệ tiên tiến hiện đại, phù hợp với yêu cầu của thị trường, áp dụng nhanh các thành tựu khoa học - kỹ thuật. Triển khai thực hiện quy hoạch sử dụng đất công nghiệp, tiếp tục đầu tư giai đoạn 2 xây dựng cơ sở hạ tầng các Khu công nghiệp Minh Hưng, Bắc Đồng Phú; từng bước xây dựng cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Nam Đồng Phú, Lộc Ninh… tiếp tục thực hiện chính sách ưu đãi về thuế theo luật và các văn bản dưới luật. Khuyến khích Trường Cao đẳng Bình Phước liên kết đào tạo phát triển nguồn nhân lực bằng các kế hoạch đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ công nhân kỹ thuật đủ năng lực, trình độ để tiếp thu công nghệ, vận hành có hiệu quả các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất. Có chính sách thu hút chuyên gia giỏi, nghệ nhân, công nhân kỹ thuật bậc cao đến làm việc tại tỉnh và các giải pháp về cải cách hành chính trong cấp đăng ký, cấp phép, tạo môi trường đầu tư thuận lợi…

Về mục tiêu xã hội, cần đáp ứng được nhu cầu hàng tiêu dùng cho nhân dân. Khôi phục và phát triển một số làng nghề truyền thống ở nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm thu hút lao động, giải quyết việc làm, góp phần đào tạo nghề cho người lao động. Ưu tiên phát triển các vùng nguyên liệu chuyên canh, chuyển nền nông nghiệp sang sản xuất hàng hóa; xác định một số ngành hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu mũi nhọn; quy hoạch các ngành, sản phẩm chủ yếu như chế biến nông sản, chế biến lâm sản và sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, ngành khai thác và chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, ngành dệt may, phụ liệu may, giày dép, ngành sản xuất dụng cụ gia đình, ngành cơ khí, điện, điện tử xuất khẩu…

Một số mục tiêu chủ yếu

Trong những năm qua, tỉnh đã quan tâm đầu tư ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, nhất là các tiến bộ về giống vào sản xuất nông - lâm nghiệp; góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông - lâm nghiệp, giúp nông dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, từng bước xây dựng và phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng CNH, HĐH. Tuy nhiên, các loại giống cây trồng, vật nuôi trong tỉnh chủ yếu vẫn là các loại truyền thống, năng suất và chất lượng thấp, chưa hình thành được hệ thống sản xuất giống đáp ứng yêu cầu đa dạng của nông dân.

Để khắc phục tình trạng nêu trên và xây dựng hệ thống sản xuất, cung ứng giống cây trồng, vật nuôi thích hợp với cơ chế thị trường, có khả năng tiếp cận và triển khai các tiến bộ về giống nhằm nâng cao chất lượng, năng suất và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cơ cấu sản xuất nông nghiệp, tạo cơ sở cho nông - lâm nghiệp kết hợp với phát triển công nghiệp phát triển bền vững, cấp ủy các cấp thuộc Đảng bộ tỉnh cần tập trung chỉ đạo thực hiện tốt một số mục tiêu chủ yếu sau:

Xác định nông nghiệp, nông dân và nông thôn là một vấn đề lớn của quá trình công nghiệp hóa đối với quá trình thu hẹp khu vực nông nghiệp, nông thôn và gia tăng khu vực công nghiệp, xây dựng dịch vụ và đô thị. Nông nghiệp là nơi cung cấp lương thực, nguyên liệu, lao động cho công nghiệp và thành thị, là thị trường rộng lớn của công nghiệp và dịch vụ. Nông thôn chiếm đa số dân cư ở thời điểm khi bắt đầu công nghiệp hóa, vì vậy quan tâm đến nông nghiệp, nông dân và nông thôn là một vấn đề có tầm quan trọng hàng đầu của quá trình CNH, HĐH trên địa bàn tỉnh và các địa phương.

Trong những năm tới, định hướng phát triển cho quá trình này là chuyển dịch mạnh cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn theo hướng tạo ra giá trị gia tăng ngày càng cao, gắn với công nghiệp chế biến và thị trường; đẩy nhanh tiến bộ khoa học - kỹ thuật và công nghệ sinh học vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa, phù hợp đặc điểm từng vùng, từng địa phương. Tập trung thực hiện một số giải pháp như xây dựng trung tâm giống nông - lâm nghiệp công nghệ cao, các vườn ươm để tạo thành mạng lưới sản xuất giống chất lượng cao; áp dụng công nghệ sinh học trong sản xuất giống; xây dựng hệ thống chính sách khuyến khích phát triển giống tốt; xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học - kỹ thuật chuyên về công tác phát triển giống và tăng cuờng công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực giống.

Khắc phục tình trạng quản lý bằng mệnh lệnh hành chính và các cơ quan hành chính can thiệp quá sâu vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) nhưng lại không chịu trách nhiệm về vật chất đối với các quyết định của mình; tuyệt đối nghiêm cấm cơ quan quản lý nhà nước làm thay chức năng quản lý sản xuất, kinh doanh của DN, vì như vậy DN vừa bị trói buộc, vì không có quyền tự chủ, vừa ỷ lại vào cấp trên, vì không bị ràng buộc trách nhiệm đối với kết quả sản xuất. Như vậy những thiệt hại vật chất do các quyết định không đúng gây ra thì ngân sách nhà nước phải gánh chịu dựa trên hệ thống chi tiêu pháp lệnh chi tiết từ trên xuống dưới.

Tập trung và kịp thời khắc phục một số khuyết điểm như thu hút đầu tư nước ngoài chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh; các ngành dịch vụ có giá trị cao phát triển chậm. Công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực về kinh tế - xã hội còn nhiều hạn chế; việc giải quyết các vấn đề xã hội phát sinh trong quá trình đô thị hóa như bồi thường, hỗ trợ tái định cư... chưa tốt, phát sinh nhiều đơn thư, khiếu nại của nhân dân nhưng chưa được giải quyết kịp thời; công tác giải quyết công việc liên quan tới các hoạt động kinh tế - xã hội, các vụ việc liên quan đến lợi ích của người dân... còn chậm. Việc áp dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực quản lý nhà nước chưa được triển khai rộng rãi và hiệu quả chưa cao. Cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, công tác xây dựng đội ngũ cán bộ chưa chuyển biến kịp với nhiệm vụ chính trị.

Bên cạnh đó, hỗ trợ phát triển DN khởi nghiệp sáng tạo, hỗ trợ DN vừa và nhỏ trong công tác nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, chuyển giao và ứng dụng công nghệ mới. Tập trung hỗ trợ các DN có dự án ứng dụng công nghệ cao để từng bước hình thành, phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao. Hình thành một số cơ sở nghiên cứu, thiết kế sản phẩm công nghiệp công nghệ cao mang thương hiệu của tỉnh. Tăng cường hợp tác và chuyển giao công nghệ với các đối tác trong và ngoài nước; nghiên cứu thành lập khu KH&CN và đổi mới sáng tạo với kết cấu hạ tầng đồng bộ để thu hút DN công nghệ cao, các cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu KH&CN, các hoạt động đổi mới sáng tạo.

Huy động tối đa các nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của tỉnh kết hợp với liên kết, hợp tác phát triển với các địa phương trong cả nước, chú trọng đến các tỉnh lân cận, với các vùng kinh tế động lực của cả nước; phát triển kinh tế đối ngoại. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ, du lịch - công nghiệp - nông nghiệp. Đảm bảo sự gắn kết giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế là trọng tâm, xây dựng, chỉnh đốn Đảng là then chốt với xây dựng văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội; không ngừng cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, đặc biệt đối với đồng bào dân tộc thiểu số; giải quyết tốt các vấn đề xã hội bức xúc; tạo bước chuyển biến cơ bản về chất lượng nguồn nhân lực và nâng cao dân trí; giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh…

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/32/138879/cnh-hdh-tren-nen-tang-tien-bo-kh-cn-va-doi-moi-sang-tao