CNN: Ông Trump bước lùi sau cuộc điện đàm với ông Putin?

Hai giờ đồng hồ trao đổi qua điện thoại giữa ông Vladimir Putin và ông Donald Trump ngày 19/5 không mang lại bước tiến đáng kể cho hòa bình tại Ukraine – nhưng đã cho thấy nhà lãnh đạo Nga dường như không còn quá cần tới sự chấp thuận hay ủng hộ từ phía ông Trump.

Tổng thống Nga Vladimir Putin nói về kết quả cuộc điện đàm với ông Trump. Ảnh: CNN.

“Nguyên nhân gốc rễ của cuộc xung đột”

Đó là cụm từ đáng chú ý mà ông Vladimir Putin nhấn mạnh trong cuộc điện đàm với ông Trump – thể hiện rõ quan điểm rằng hòa bình chỉ có thể đạt được khi phương Tây giải quyết điều mà Nga coi là “cốt lõi” của cuộc chiến. Đó là sự mở rộng của NATO về phía đông và quyền lợi của cộng đồng người nói tiếng Nga ở Ukraine, theo CNN.

CNN nhận định, bất chấp áp lực ngày càng lớn từ phương Tây về việc phải chấp nhận ngừng bắn vô điều kiện trong 30 ngày, ông Putin vẫn tỏ ra điềm tĩnh. Có mặt tại một trường âm nhạc bên bờ biển ở Sochi khi nhận được cuộc gọi quan trọng từ ông Trump, ông Putin tiếp tục lặp lại quan điểm lâu nay của Nga rằng cuộc chiến là hệ quả tất yếu từ chính sách của phương Tây, chứ không phải lựa chọn gây hấn từ Điện Kremlin.

Washington sắp rút lui?

Chỉ vài giờ trước cuộc gọi, Phó Tổng thống Mỹ J.D. Vance tuyên bố: “Đây không phải là cuộc chiến của chúng ta". Phát ngôn này không chỉ gây chú ý mà còn như báo hiệu khả năng Mỹ rút khỏi cuộc xung đột – cả về ngoại giao lẫn viện trợ – nếu Nga không có bước đi nào hướng đến hòa bình.

Ngay sau cuộc điện đàm với ông Putin, ông Trump cũng có dấu hiệu "lùi bước". Từ vai trò người trung gian nhiệt tình đề xuất tổ chức cuộc gặp giữa Tổng thống Nga và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Thổ Nhĩ Kỳ, ông Trump giờ đây chỉ nói ngắn gọn rằng hai bên “phải tự đối thoại với nhau”, CNN nhận định.

Dù Mỹ chưa hoàn toàn rút khỏi tiến trình, phát ngôn của ông Trump cho thấy Washington sẵn sàng để người khác đứng ra dẫn dắt.

Nga không cần sự phê chuẩn của Mỹ

Diễn biến trong 10 ngày qua cho thấy ông Putin không còn cần đến sự hậu thuẫn hay đồng thuận từ Tổng thống Mỹ. Truyền thông nhà nước Nga từ lâu đã khẳng định với công chúng rằng họ đang không chỉ đối đầu với Ukraine, mà là với cả NATO – trong đó có Mỹ, theo CNN.

Nhiệm kỳ hai của ông Trump ở Nhà Trắng được Moscow xem là cơ hội hiếm hoi để cải thiện vị thế, thậm chí tìm cách nới lỏng các lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, cốt lõi lập luận của Nga vẫn không thay đổi: đây là cuộc chiến sinh tồn để tái khẳng định ảnh hưởng của họ tại khu vực lân cận.

Với thiệt hại nhân mạng lớn mà nước Nga đã phải gánh chịu trong xung đột, việc không đạt được bất kỳ kết quả rõ ràng nào có thể đe dọa trực tiếp tới tương lai của chính quyền hiện tại. Đây không phải là cuộc cạnh tranh mà Điện Kremlin có thể để thua trước phương Tây, CNN nhận định.

Những giới hạn của Mỹ

Theo CNN, không gian mà Mỹ có thể tạo ra sức ép đối với Nga hiện giờ là rất hạn chế. Ông Trump từng đề xuất áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt thứ cấp nhằm vào những quốc gia tiếp tục mua dầu Nga như Ấn Độ hay Trung Quốc. Nhưng điều đó đến nay vẫn chỉ dừng lại ở việc cân nhắc.

Ngược lại, nếu nới lỏng trừng phạt để khuyến khích Nga nhượng bộ, Mỹ có thể làm mất lòng các đồng minh phương Tây – và khả năng đạt được kết quả thực tế cũng không cao nếu không có sự đồng thuận từ phía châu Âu.

Nếu lựa chọn tiếp tục leo thang, ông Trump có thể đi xa hơn người tiền nhiệm Joe Biden trong việc trừng phạt Nga – điều đi ngược lại định hướng chính sách đối ngoại "nước Mỹ trên hết" mà ông xây dựng.

Không còn chỗ cho “thỏa thuận”

Theo CNN, quan điểm của ông Trump cho thấy ông có thể đang tìm cách giảm mức độ can dự của Mỹ. Với góc nhìn của một doanh nhân, ông không thấy lợi ích trong việc đầu tư lâu dài vào một cuộc xung đột mà cả Nga và Ukraine chưa cho thấy sự thỏa hiệp.

“Không có gì để bán”, bài toán đơn giản là ông Trump không thể đưa ra điều gì có thể khiến ông Putin thay đổi. Trái lại, nhà lãnh đạo Nga cũng không vội vàng tìm kiếm sự đồng thuận với phương Tây.

Trong khi đó, tầm ảnh hưởng toàn cầu của Mỹ suốt nhiều thập kỷ qua không dựa trên các “thỏa thuận nhỏ tốt” mà ông Trump thường theo đuổi. Chính vị thế lãnh đạo, quyền lực mềm và ưu thế quân sự mới giúp Mỹ giữ được vai trò siêu cường.

Nhưng ông Trump lại muốn thu hẹp vai trò đó. Cuộc điện đàm lần này có thể là lúc ông Trump nhận ra rằng ông Putin không cần sự chấp thuận hay ủng hộ từ mình – và ông đã chọn bước lùi, CNN nhận định.

Nếu vậy, không chỉ cá nhân ông Trump mà cả nước Mỹ cũng đang lùi lại, thừa nhận giới hạn của mình và để lại thỏa thuận hòa bình quan trọng nhất kể từ sau Thế chiến II cho một bên khác, rất có thể là Vatican, CNN kết luận.

Đăng Nguyễn - CNN

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/cnn-ong-trump-buoc-lui-sau-cuoc-dien-dam-voi-ong-putin-204252005145203109.htm