Có 1 kiểu ăn uống khiến 'tuổi thọ ngắn' và gây bệnh tim mạch mà người Nhật tránh xa nhưng người Việt lại dễ phạm phải
Thật ra, bí quyết sống thọ, phòng bệnh tim mạch của người Nhật chỉ bao gồm 2 từ đơn giản đó là: Ăn nhạt.
Nhật Bản là quốc gia có tỷ lệ sống thọ cao nhất, tỷ lệ mắc bệnh tim mạch thấp nhất thế giới. Trong báo cáo "UN Chronicle: Atlats of Heart Disease and Stroke" của Liên Hợp Quốc, tỷ lệ mắc bệnh tim mạch vành của người dân Nhật Bản chỉ là 0,41%. Đồng thời, tỉ lệ đột quỵ ở quốc gia này cũng tương đối thấp.
Nhiều người đặt ra câu hỏi: Tại sao người Nhật lại có thể phòng tránh bệnh tật tốt đến như vậy, trong khi tim mạch là căn bệnh phổ biến nhất, đồng thời đây cũng là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu do WHO báo cáo?
Người Nhật có tuổi thọ cao trên thế giới, phòng bệnh tim mạch chỉ nhờ 2 "từ" trong bữa ăn
2 "từ" đó chính là: Ăn nhạt.
Trong khi hầu hết các gia đình Việt đều yêu thích món chiên, rán, xào... được nấu cùng nhiều loại gia vị khác nhau thì người Nhật lại thường ăn đồ nhạt, chế biến bằng cách hấp, luộc hoặc đồ sống... để giữ lại đầy đủ cellulose, vitamin, khoáng chất... từ thực phẩm.
Điều đó cũng góp phần giúp người Nhật phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh tim mạch vì đồ mặn có thể làm tăng huyết áp, khiến nguy cơ tổn thương mạch máu và tim cao hơn. Ngoài ra, ăn nhạt giúp giảm bệnh dạ dày, béo phì... từ đó giảm tỷ lệ mắc bệnh mãn tính và giúp gia tăng tuổi thọ.
Chế độ ăn thừa muối làm tăng nguy cơ mắc cao huyết áp và các bệnh tim mạch có liên quan, đặc biệt là đột quỵ, nhồi máu cơ tim. Ăn mặn sẽ làm tăng cường độ làm việc của hệ thống tim mạch, thận và tiết niệu. Về lâu dài tăng nguy cơ dẫn tới suy giảm chức năng hoạt động của các hệ cơ quan này.
Theo Viện Dinh dưỡng, hiện nay lượng natri ăn vào trong chế độ ăn của người Việt Nam trưởng thành trung bình là 3,7g/ngày hay tương đương với lượng muối là 9,4g/ngày, gần gấp đôi mức khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.
Chấm thực phẩm, ướp đồ ăn trước khi nấu: Thói quen gây dư thừa muối mà BS cảnh báo
ThS BS Đặng Ngọc Hùng (Viện nghiên cứu và tư vấn dinh dưỡng) chia sẻ, thói quen ướp đồ ăn bằng muối của nhiều gia đình mang đến nhiều tác hại... Bởi muối ngấm vào thực phẩm, trong quá trình nấu các bà nội trợ vẫn tiếp tục nêm thêm mắm, muối, đường... dẫn đến món ăn có quá nhiều gia vị, nguy cơ nạp nhiều muối cũng gia tăng.
Ngoài ra, nhiều gia đình cũng có thói quen, đặt một bát gia vị mặn như nước mắm, bột canh... giữa mâm cơm. Thói quen chấm thực phẩm góp phần làm gia tăng đáng kể lượng muối mà chúng ta ăn vào hàng ngày. Từ đó, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như cao huyết áp, đột quỵ, tai biến mạch máu não...
Cách để giảm tiêu thụ muối:
- Tập thói quen không để bát nước chấm, gia vị trên mâm cơm.
- Từ bỏ thói quen chấm trái cây vào các loại muối.
- Hạn chế thói quen chan nước mắm, nước kho thịt, kho cá vào cơm khi ăn vì các loại nước này cũng chứa một lượng muối đáng kể.
- Sử dụng các nguyên liệu thiên nhiên như tỏi, gừng, quế, chanh, dứa... để tạo vị ngon cho món ăn mà không cần dùng gia vị.
- Ăn chậm, nhai kỹ để cảm nhận vị ngon của thực phẩm.
- Ưu tiên sử dụng thực phẩm tươi sống thay vì đồ đông lạnh, ướp muối, đồ chế biến sẵn.