Có 72 giờ ngừng bắn ở Sudan

Các phe tham chiến của Sudan đã đồng ý ngừng bắn trong 3 ngày tới, trong khi các quốc gia phương Tây, Ả Rập và châu Á chạy đua để đưa công dân của mình rời khỏi đất nước châu Phi này.

Mọi người nghỉ ngơi trong quá trình chạy trốn khỏi các cuộc đụng độ xảy ra ở thủ đô Khartoum, Sudan, ngày 24/4/2023. Ảnh: REUTERS

Mọi người nghỉ ngơi trong quá trình chạy trốn khỏi các cuộc đụng độ xảy ra ở thủ đô Khartoum, Sudan, ngày 24/4/2023. Ảnh: REUTERS

Lực lượng Vũ trang Sudan (SAF) cho biết, Mỹ và Ả Rập Saudi đã làm trung gian cho thỏa thuận ngừng bắn. Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken đã công bố thỏa thuận đầu tiên đạt được sau 2 ngày đàm phán căng thẳng. Hai bên không tuân thủ một số thỏa thuận đình chiến tạm thời trước đó.

Giao tranh nổ ra giữa SAF và nhóm bán quân sự Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) vào ngày 15/4, giết chết ít nhất 427 người cho đến nay, đồng thời đánh sập nhiều bệnh viện và các dịch vụ khác, biến các khu dân cư thành chiến trường.

"Trong giai đoạn này, Mỹ kêu gọi SAF và RSF ngay lập tức và hoàn toàn duy trì lệnh ngừng bắn" - ông Blinken cho biết trong một tuyên bố đưa ra vào ngày 24/4.

Ông cho biết Mỹ sẽ phối hợp với các nhóm lợi ích dân sự trong khu vực, quốc tế và Sudan để thành lập một ủy ban giám sát về một lệnh ngừng bắn vĩnh viễn cũng như các thỏa thuận nhân đạo.

RSF xác nhận tại thủ đô Khartoum rằng họ đã đồng ý ngừng bắn, bắt đầu từ nửa đêm qua, để tạo điều kiện cho các nỗ lực nhân đạo. RSF cho biết: "Chúng tôi khẳng định cam kết ngừng bắn hoàn toàn trong thời gian đình chiến".

SAF cho biết trên Facebook rằng họ cũng đồng ý với thỏa thuận ngừng bắn. Một liên minh gồm các nhóm xã hội dân sự Sudan, từng là một phần của các cuộc đàm phán về quá trình chuyển đổi sang nền dân chủ, đã hoan nghênh tin tức này.

Một phóng viên của Reuters cho biết, trước thông báo ngừng bắn vào buổi tối, các cuộc không kích và giao tranh trên bộ đã làm rung chuyển Omdurman - một trong ba thành phố lân cận ở khu vực thủ đô, và cũng xảy ra đụng độ ở Khartoum.

Khói đen bao trùm bầu trời gần sân bay quốc tế ở trung tâm Khartoum liền kề với trụ sở quân đội, và tiếng pháo nổ làm rung chuyển khu vực xung quanh.

Tổng thư ký Liên Hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres nói rằng bạo lực ở một quốc gia nằm bên Biển Đỏ, vùng Sừng châu Phi và vùng Sahel "có nguy cơ dẫn đến một đám cháy thảm khốc... có thể nhấn chìm toàn bộ khu vực và xa hơn nữa". Hội đồng Bảo an LHQ đã lên kế hoạch cho một cuộc họp về Sudan vào hôm nay (25/4).

Hàng chục nghìn người, bao gồm cả người Sudan và công dân các nước láng giềng, đã phải bỏ chạy khỏi quốc gia này trong vài ngày qua, để tới Ai Cập, Chad hoặc Nam Sudan. Các chính phủ nước ngoài cũng đã chạy đua để đưa công dân của họ đến nơi an toàn.

Một đoàn xe gồm 65 chiếc đã chở hàng chục trẻ em, cùng hàng trăm nhà ngoại giao và nhân viên cứu trợ, trên hành trình dài 800km, kéo dài 35 giờ trong cái nóng như thiêu như đốt từ Khartoum đến Cảng Sudan trên Biển Đỏ.

Ước tính tại Sudan - quốc gia lớn thứ 3 châu Phi - 1/3 trong số 46 triệu người sinh sống vốn đã cần viện trợ ngay cả trước khi bạo lực xảy ra. Phó phát ngôn viên LHQ Farhan Haq cho biết, tình trạng thiếu lương thực, nước sạch, thuốc men và nhiên liệu tại Sudan đang trở nên trầm trọng, đồng thời là các hạn chế về thông tin liên lạc và điện, cùng với giá cả tăng chóng mặt.

Ông Farhan trích dẫn các báo cáo về nạn cướp bóc nguồn cung cấp nhân đạo và lưu ý, "giao tranh dữ dội" ở Khartoum cũng như ở các bang Northern, Blue Nile, North Kordofan và Darfur đang cản trở các hoạt động cứu trợ. Đối mặt với các cuộc tấn công, các tổ chức viện trợ và Chương trình Lương thực Thế giới đã phải tạm ngừng phân phối lương thực - một trong những nhiệm vụ lớn nhất trên thế giới.

Một số quốc gia, bao gồm Canada, Pháp, Ba Lan, Thụy Sĩ và Mỹ, cũng đã tạm dừng hoạt động của đại sứ quán tại Sundan cho đến khi có thông báo mới.

Giao tranh đã lắng dịu vào cuối tuần qua, được cho là để Mỹ và Anh đưa nhân viên đại sứ quán rời đi, tạo ra làn sóng sơ tán khẩn cấp của hàng trăm công dân nước ngoài ở các nước khác nhau, từ các quốc gia Ả Rập vùng Vịnh đến Nga, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Tổng thư ký LHQ hôm 24/4 cũng kêu gọi 15 thành viên của Hội đồng Bảo an sử dụng ảnh hưởng của mình để đưa Sudan trở lại con đường chuyển đổi dân chủ.

Nhà độc tài Hồi giáo Omar al-Bashir - đã bị lật đổ trong một cuộc nổi dậy của quần chúng vào năm 2019, cùng quân đội và RSF cùng nhau tổ chức một cuộc đảo chính quân sự vào năm 2021. Nhưng 2 năm sau, họ đã bất hòa trong các cuộc đàm phán để hợp nhất và thành lập một chính phủ dân sự.

Nam Trung

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/co-72-gio-ngung-ban-o-sudan.html