Có Bác mãi trong tim
Được chính tay nhân dân xây dựng và kiên quyết gìn giữ dù phải đổi bằng xương máu từ những năm tháng chiến tranh ác liệt, Đền thờ Bác Hồ (tọa lạc ấp Bà Chăng A, xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi) hơn nửa thế kỷ qua đã trở thành một địa chỉ đỏ, niềm tự hào to lớn của người dân Bạc Liêu.
Ngôi đền bất tử
Một ngày nắng tháng 5, chúng tôi trở lại viếng đền thờ Bác Hồ, thắp nén nhang thành kính dâng Người, được những người giữ Đền chia sẻ nhiều câu chuyện và mốc thời gian của ngôi Đền.
Đền thờ Bác uy nghiêm, bên trong cực kỳ mát mẻ và yên tĩnh. Hơn 50 năm kể từ ngày Xã ủy, nhân dân Châu Thới xây dựng, giữ gìn nhưng dường như câu chuyện chỉ mới hôm nào.
Suốt cuộc đời, Bác Hồ đã phấn đấu, hy sinh cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, cho nhân dân. Đồng bào miền Nam, trong đó có đồng bào Bạc Liêu luôn đau đáu một lần được đón Bác vào thăm. Vậy nên, khi hay tin Người mất, Đảng bộ và nhân dân xã Châu Thới đã biến đau thương thành hành động thiết thực, việc lập đền thờ được khởi xướng, xây dựng với tấm lòng biết ơn và thương nhớ vô hạn. Đúng vào sáng ngày 19/5/1970, lễ khánh thành Đền diễn ra trong không khí trang nghiêm, với sự tham gia của hàng ngàn người dân địa phương cùng các chiến sĩ huyện Vĩnh Lợi.
Dù điều kiện ngày ấy, Đền chỉ được dựng bằng vật liệu tre lá đơn sơ, nhưng đó không chỉ là nơi quân dân Châu Thới ngày đêm hương khói tưởng nhớ Bác, mà còn là tượng đài bất khuất củng cố niềm tin vào con đường cách mạng mà Đảng và Bác đã lựa chọn đồng thời quyết tâm đánh đuổi giặc, thống nhất nước nhà.
Xây dựng Đền đã khó, giữ được Đền lại khó gấp trăm lần. Xung quanh Đền thờ là sáu đồn giặc đóng theo thế gọng kìm. Các đồn chi khu Vĩnh Hưng, đồn Bình Thới, đồn Bàu Sen, đồn Dù Phịch, đồn Giồng Bốm, đồn Xã Sín thi nhau đốt phá, ngăn cản việc nhân dân hương khói, tôn thờ Bác. Chúng đốt Đền, du kích và địa phương quân xông lên phá ấp chiến lược, lấy sắt đem về xây dựng Đền thờ kiên cố hơn. Khi sườn nhà được làm xong thì địch hay tin, cho lính từ Vĩnh Hưng đến phá hoại. Chúng bắt phụ nữ trong ấp chở vật liệu về Vĩnh Hưng. Nhân lúc địch sơ hở, chị em chở vật liệu quay lại cất giấu, chờ thời cơ xây dựng Đền thờ Bác Hồ. Có lần, giặc đem bốn máy bay trực thăng bay tầm thấp hỗ trợ bộ binh tiêu diệt Đền, Đội bảo vệ Đền đã phân công đội viên chạy ra đồng trống chia thành nhiều hướng, dẫn dụ hỏa lực địch về phía mình. Nhờ tinh thần dũng cảm, mưu trí ấy, Đền thờ Bác được bảo vệ an toàn. Có lần máy bay Đầm Già lại từ trên cao nả pháo, nhưng chỉ làm một bên cửa sổ hỏng nhẹ, ngôi Đền sừng sững đến ngày độc lập.
Hơn 50 năm canh giữ Đền thờ
Chiến tranh đã lùi xa, những người trong cuộc chiến năm xưa giờ người còn, người mất, nhưng ông Nguyễn Văn Khoa (Bảy Khoa) – Đội trưởng Đội bảo vệ Đền thờ năm ấy vẫn một lòng bên Bác. Từ năm 1972 đến nay, ngoài những hôm đau ốm, còn lại, ông Khoa đều ở Đền. Chiến tranh, ông cầm súng giữ đền, hòa bình ông phụ trách việc chăm sóc, nhang khói cho Bác, thỉnh thoảng kể chuyện cho du khách nghe. Nhiều đoàn khách đến viếng Bác, dù đã được thuyết minh viên chuyên nghiệp thuyết minh đầy đủ, song vẫn mong được nghe ông - nhân chứng lịch sử kể về những cuộc chiến nơi đồng đất năm xưa.
Ông Bảy Khoa sinh ra trong một gia đình bần nông, với bảy anh em. Sớm giác ngộ cách mạng, năm 14 tuổi ông giả vờ giữ trâu để đưa thư, dẫn đường cho cán bộ, rồi tham gia du kích ấp, thoát ly gia đình vào Đội phòng thủ của Ban Tuyên huấn tỉnh, năm 1972 nhận nhiệm vụ Đội trưởng đội bảo vệ Đền thờ. Năm tháng chiến tranh, một người anh của ông hy sinh, ông cùng 2 người khác trở thành thương binh.
Nước nhà thống nhất, ông lần lượt tham gia Xã đoàn, làm Trưởng Công an xã, sau về Hội Cựu chiến binh và là Phó Chủ nhiệm CLB thắp hương Đền thờ Bác Hồ. Một đời theo Đảng, theo Bác, theo cách mạng, ông Khoa từng được chọn là đại biểu Cựu chiến binh được tuyên dương tại Hà Nội. Những việc làm bình dị mà cao cả của ông được nhiều cán bộ, nhân dân trong ngoài tỉnh biết đến và yếu mến, quý trọng.
Chúng tôi đến khi ông đang lau dọn bàn thờ Bác, đây là công việc hàng ngày của ông, ông Bảy cho biết nếu không làm công việc này mỗi ngày, sẽ bứt rứt, không yên. Vợ ông mất cách nay vài tháng vì bệnh tai biến, các con đều đã có gia đình, đều đặn mỗi sáng ông đến Đền, tận chiều tối mới về.
Ông chỉ chúng tôi xem cửa sổ nơi pháo giặc đánh vào Đền và chiến lợi phẩm đánh đồn được nhân dân gom về dựng đền thờ Bác. Nửa thế kỷ trôi qua nhưng người thương binh Nguyễn Văn Khoa vẫn nhớ vanh vách tháng năm gian khổ cùng đồng đội nhặt pháo lép, lấy trộm lựu đạn của địch chế tạo làm chướng ngại vật ngăn giặc phá Đền. Chính những trận đánh không cân sức nhưng oanh liệt và sẳn sàng hy sinh đó, địa phương đã dấy lên phong trào noi gương ông Khoa và đồng đội, quyết tử bảo vệ Đền thờ Bác Hồ.
Có Bác mãi trong tim
Với ý nghĩa lịch sử, giá trị nhân văn, tấm lòng của Đảng bộ và quân dân xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi cũng như tỉnh Bạc Liêu đối với Bác, năm 1998, Bộ Văn hóa, Thông tin đã xếp hạng Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh là di tích lịch sử cấp quốc gia. Nơi đây vừa là di sản văn hóa tinh thần, vừa là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng của ông cha ta cho thế hệ sau. Riêng người thương binh 50 năm canh giữ Đền thờ Bác thì luôn tâm niệm: “Từ thời niên thiếu tôi đã kiên định đi theo Đảng, Bác Hồ với tất cả niềm tin, sự kính yêu và may mắn được sống trong hòa bình độc lập. Chỉ mong, trọn cuộc đời vẫn được ở bên Người, đó là một vinh dự lớn”.
Rất nhiều vị nguyên thủ quốc gia khi về thăm Đền thờ Bác đã không khỏi bùi ngùi xúc động! Nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh từng khẳng định: “Việc lập đền thờ, gần gũi, bảo vệ Đền thờ Bác qua năm tháng ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, nhân dân xã Châu Thới nói riêng, đồng bào miền Nam nói chung là thể hiện lòng kính yêu và tiếc thương vô hạn với Bác, là niềm tin sắt đá vào Đảng và sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc của nhân dân ta”.
Theo lời kể của ông Nguyễn Văn Khoa, năm 2004, sau khi viếng và thắp hương cho Bác, nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã dành thời gian trò chuyện với các thành viên Đội bảo vệ đền thờ để tìm hiểu rõ về chuyện quyết sống chết xây dựng và bảo vệ Đền trong kháng chiến. Sau chuyến thăm, nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh ngỏ ý đón mọi người ra Hà Nội gặp gỡ, tham quan. Khi đoàn có mặt ở hội trường Chính phủ, nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh ân cần hỏi thăm sức khỏe từng người. Nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh nói, chuyện về đền thờ Bác Hồ ở Châu Thới – một trong những ngôi đền có mặt sớm nhất ở ĐBSCL và lòng dân Bạc Liêu dành cho Bác đã biết, song khi cặn kẽ về quá trình xây dựng, đấu tranh kiên cường thì càng trân trọng hơn bội phần.
Cách nay vài năm, về thăm Đền, ông Nguyễn Thiện Nhân (Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ) lấy ra một chiếc hộp đựng 5 chân nhang được thỉnh từ Đền thờ Bác ở Hà Nội về, trao cho ông Khoa với lời dặn giữ gìn cẩn thận. 5 cây chân nhang được ông Khoa mỗi ngày nâng niu, gìn giữ. Sợ kỷ vật bị cháy, ông chế ra một ống thép nhỏ, cắm các chân nhang vào bên trong. “Chân nhang được mang từ Đền thờ Bác ở Thủ đô về mảnh đất cực nam Tổ quốc như thể có hương linh Bác về với miền Nam” – ông Khoa đinh ninh như vậy.
Từ khi có Đền thờ Bác ở Châu Thới, không đếm xiết bao lượt đồng bào 3 miền miền bắc, trung, nam và nhiều du khách nước ngoài cũng đến viếng Bác. Từ đây, có nhiều câu chuyện cảm động. Gia đình cô Nhạn ở huyện Phước Long, mặc dù nhà có bàn thờ Bác, song mỗi năm gia đình cô có khi đến vài chục người vẫn đến Đền thờ hương khói cho Bác. Hay như cô Nga (tỉnh Hải Dương) nếu năm nào không vào được cũng nhờ người mua hoa quả nhang đèn đến thắp nhang. Không chỉ có ban ngày, những người dân lao động ở xa khi đến viếng Bác thì trời đã tối, lại gặp hôm cúp điện, vậy là họ tìm đủ mọi cách, kể cả sử dụng ánh sáng từ nhiều xe máy cộng lại để dâng lễ vật lên Người…
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/co-bac-mai-trong-tim-5718151.html