Cơ bản bảo đảm số lượng vaccine tiêm mũi nhắc lại cho người dân
Đến nay, chúng ta đã cơ bản đảm bảo được số lượng vaccine COVID-19 tiêm đủ 2 mũi, mũi tiêm nhắc lại cho người từ 18 tuổi trở lên và tiêm cho trẻ em từ 12-17 tuổi. Bộ Y tế đang xây dựng kế hoạch tiếp cận nguồn vaccine COVID-19 để tiêm cho trẻ em từ 5-11 tuổi; tiếp cận các loại thuốc điều trị COVID-19 đang nghiên cứu và đã lưu hành trên thế giới nhằm đáp ứng nhu cầu điều trị của bệnh nhân nặng.
Cơ bản đủ vaccine tiêm 2 mũi và mũi nhắc lại cho người dân
Ngày 8/12, trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết sau khi tích cực tìm nhiều nguồn cung ứng vaccine phòng COVID-19 như đặt mua, kêu gọi hỗ trợ từ các nước khác và các nhà tài trợ…, đến nay, chúng ta đã cơ bản đảm bảo được số lượng vaccine tiêm đủ 2 mũi cho người từ 18 tuổi trở lên và tiêm cho trẻ em từ 12-17 tuổi. Đồng thời, chúng ta cũng đã đảm bảo đủ vaccine tiêm mũi nhắc lại cho người từ 18 tuổi trở lên.
Tính đến hôm nay (8/12), đối với người từ 18 tuổi trở lên, cả nước đã tiêm mũi 1 đạt 97%, mũi 2 khoảng 70%; đối với trẻ từ 12-17 tuổi đã tiêm cho khoảng 5 triệu trẻ. Các địa phương đang tiếp tục nhanh chóng triển khai tiêm mũi 2.
Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết đến cuối tháng 12, cả nước sẽ tiêm xong mũi 2 cho đối tượng từ 18 tuổi trở lên và bắt đầu triển khai tiêm mũi nhắc lại cho những đối tượng này, đồng thời tiếp tục triển khai tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi.
Trong năm 2022, Bộ Y tế đã có kế hoạch tiêm vaccine phòng COVID-19. Cụ thể, tập trung tiêm mũi nhắc lại cho người từ 18 tuổi trở lên; tiêm bổ sung, tiêm vét cho các đối tượng trong quá trình triển khai tiêm chủng vì lý do chống chỉ định, tạm hoãn hoặc lý do khác chưa được tiêm và tiếp tục tiêm cho trẻ 12-17 tuổi.
Bộ Y tế cũng đang xây dựng kế hoạch tiếp cận nguồn vaccine để tiêm cho trẻ em từ 5-11 tuổi sau khi có vaccine và hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới.
“Phấn đấu đến giữa năm 2022, cơ bản sẽ tiêm xong mũi nhắc lại (mũi 3) cho người từ 18 tuổi trở lên và tiêm cho trẻ em từ 12-17 tuổi”, Thứ trưởng Bộ Y tế thông tin.
Chiến lược giảm tỉ lệ tử vong
Trước thông tin, tỉ lệ tiêm vaccine mũi 1 cho người dân từ 18 tuổi trở lên đã đạt 97%, mũi 2 khoảng 70% nhưng số ca tử vong hiện ghi nhận vẫn còn cao, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết theo thống kê chung của thế giới và Việt Nam, tỉ lệ bệnh nhân tử vong do SASR-CoV-2 của Việt Nam vẫn thấp so với thế giới.
“Bộ Y tế cũng đang giao Cục Quản lý khám chữa bệnh và các sở y tế đánh giá nguyên nhân cụ thể các trường hợp tử vong. Bước đầu chúng tôi nhận định, các ca bệnh COVID-19 tử vong chủ yếu xuất hiện ở nhóm người mắc bệnh nền, bệnh mãn tính hoặc trường hợp người cao tuổi, sức khỏe suy giảm”, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết.
Để hạn chế tối đa người mắc COVID-19 tử vong, lãnh đạo Bộ Y tế cũng nêu chiến lược giảm tỷ lệ tử vong ở những bệnh nhân COVID-19. Đó là, tiếp cận các loại thuốc điều trị COVID-19 đang nghiên cứu và đã lưu hành trên thế giới để đưa lượng thuốc điều trị về Việt Nam với tỉ lệ cao nhất, đáp ứng nhu cầu điều trị của bệnh nhân nặng.
“Cùng với việc cơ bản hoàn thành tiêm vaccine mũi 1 cho người dân từ 18 tuổi trở lên, tất cả trường hợp F0 nhẹ đều được hướng dẫn điều trị ở nhà, trường hợp bệnh nhân nặng được đưa vào cơ sở điều trị, khi các loại thuốc điều trị COVID-19 được đưa về Việt Nam theo đúng hướng dẫn của cơ quan chuyên môn thế giới và trong nước, sẽ góp phần rất tốt trong điều trị, giảm thiểu bệnh nhân tử vong”, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.
Liên quan đến vấn đề đánh giá kháng thể sau tiêm vaccine để đánh giá hiệu quả bảo vệ của vaccine, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên khẳng định ngay từ đầu khi dịch COVID-19 bùng phát, Bộ Y tế đã giao các viện nghiên cứu đánh giá vấn đề này. Hiện các viện đang nghiên cứu và Bộ Y tế cũng đã đề nghị các viện sớm công bố nghiên cứu, báo cáo kết quả về các trường hợp đã tiêm vaccine hoặc nhiễm SARS-CoV-2.