Cỏ bàng sợi nhớ, sợi thương…
Đã bao năm tha phương nay tôi tìm về chốn cũ, chốn xa xưa ấp ủ những niềm thương. Nơi có bóng cha dưới nắng chiều miền hạ, có dáng mẹ tảo tần chập choạng bóng hoàng hôn. Những bó cỏ bàng mang bao thương nhớ, bện vào lòng những sợi nhớ, sợi thương.
Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng miệt đồng bưng biền sông nước Cửu Long. Mảnh đất Long An anh hùng từng là vùng căn cứ cách mạng. Dẫu bao trận mưa bom bão đạn đêm ngày dội xuống cày phá vùng đất này thì những người nông dân chân chất giàu lòng yêu nước vẫn trung dũng, kiên cường đứng lên đấu tranh như những cây cỏ bàng vẫn vươn lên tốt tươi một màu xanh bất tận.
Tôi lớn lên qua bao năm tháng, đi dọc hành trình vạn nẻo quê hương, nơi xa xứ biết bao điều mới lạ vẫn u hoài một bóng hình xưa. Và nơi ấy khắc sâu vào tiềm thức, có cây cỏ bàng cùng cha mẹ sớm hôm. Tôi nhớ lần đầu tiên đi học, mẹ bao đêm thức trắng ngồi bên ngọn đèn dầu tỉ mỉ lựa từng cọng cỏ bàng để đan thành chiếc cặp nhỏ xinh thơm mùi cây cỏ quê nhà. Mẹ nói cũng không biết cây cỏ bàng có từ khi nào nhưng từ thuở mẹ về làm dâu đã có cây cỏ bàng ở xứ Mỹ Hạnh (huyện Đức Hòa) rồi.
Cây cũng như người, luôn có sức sống mãnh liệt để thích ứng với môi trường, cuộc sống. Những ngày mùa nắng nóng, cánh đồng cỏ bàng trơ một màu vàng khô rụi, những cành cây xanh mướt cao qua khỏi đầu người chỉ còn lại gốc nằm dưới lớp đất đặc quánh mùi bùn tanh lạ vị quê hương. Rồi những ngày mưa đầu mùa cũng đến, cây cỏ bàng được tắm những giọt mát tinh trong để bắt đầu từ sâu trong mạch ngầm bùn đất bưng biền nảy lên những mầm xanh của sự sống mới. Đó là sự bắt đầu chu kỳ sinh trưởng mới.
Tháng mười, khi mùa nước nổi tràn về, theo từng con nước lớn ròng, cây cỏ bàng như một dũng sĩ tiên phong vươn mình đón sự sống tự nhiên, phát triển đủ chiều cao hơn một mét, xanh mướt bạt ngàn cũng báo hiệu vụ mùa thu hoạch cỏ bàng đã đến. Không khí nhộn nhịp cắt cỏ bàng buổi sớm mai còn vươn những hạt sương đọng trên cây cỏ bàng rớt xuống vành nón lá che nghiêng ẩn hiện nụ cười hiền hòa của người mẹ quê tảo tần khấp khởi mừng thầm trúng vụ. Như một điều rất đỗi tự nhiên của cỏ cây hoa lá, vụ mùa vừa xong, cây cỏ bàng sẽ lại mọc lên nhiều lần sau đó. Qua đôi bàn tay khéo léo của các dì, các mẹ, cây cỏ bàng buộc thành từng bó, được các chú, các anh chất lên xe bò, xe đạp chở về nhà.
Nhớ thời thơ ấu của những đứa trẻ 7X, 8X như chúng tôi không phải là máy tính, điện thoại của thời buổi công nghệ hiện đại 4.0 mà là những tháng ngày theo chân cha mẹ đi cắt cỏ bàng. Tờ mờ sớm tinh sương, khi mặt trời còn chưa ló rạng, tiếng gà gáy sang canh, má trở mình thức giấc để thổi lửa nấu cơm cho kịp giờ đi cắt cỏ bàng. Lách tách tiếng củi tre hòa cùng tiếng lèo xèo từ nồi cơm sôi nơi chái bếp đã đánh thức tôi sau một đêm tròn giấc. Phía ngoài chuồng vọng vang tiếng cha đang ráp cổ xe bò con “dí”, con “thá” cũng là lúc trời đã hửng sáng, cả nhà cùng nhau đi cắt cỏ bàng.
Khi ấy, hàng hàng lớp lớp cọng cỏ bàng cao vút qua khỏi đầu một đứa trẻ như tôi, như phủ khắp mặt đất bao la một màu xanh biêng biếc thân cây, màu vàng hực phía gốc cỏ bàng. Xen lẫn những mảng màu xanh, vàng ấy là hình ảnh chiếc áo nâu đã sờn theo năm tháng của cha mẹ dưới tàn nón lá thân quen bình dị cùng những giọt mồ hôi ướt đẫm trên lưng.
Mỗi mùa mưa nắng đi qua, cha lại bắc thang leo lên mái nhà kiểm tra nơi những cọng bàng khô căng mình hứng nắng chịu mưa qua bao tháng tháng ngày ngày. Cứ thế, hai mùa rồi ba mùa, tùy theo tiết trời mưa nắng từng năm, cha thay lá mái nhà tranh từ những cọng bàng nhứt mà má tỉ mỉ lựa mỗi khi xe bò chở cỏ bàng vừa về đến nhà. Từng cọng bàng khô được cha bện thành từng xấp rồi đan chéo qua hai sợi lát bằng tre trúc chừng mét hai để lợp nhà. Mùa nắng gắt, âm thanh cỏ bàng khô réo rắt. Mùa mưa về, nước cứ trôi theo từng cọng cỏ bàng lớp lớp mà rớt xuống mé hiên nơi có những chiếc lu mẹ kê sẵn để trữ nước.
Ở quê tôi, cây cỏ bàng hiện diện trong mỗi gốc sân, cạnh cửa, dưới sàn ván mỗi nhà nông. Qua bàn tay khéo léo của các bà, các mẹ, cây cỏ bàng không còn là cây cỏ mọc ven vùng đất bưng biền mà là nguồn sinh lợi, tạo việc làm có “đồng ra đồng vào” trang trải cuộc sống thường ngày mỗi khi vụ mùa cấy lúa hết vụ. Từng chiếc manh, tấm đệm, cái nón, giỏ xách đi chợ,… đều được đan bằng cỏ bàng. Ngày nay, cây cỏ bàng còn được các doanh nghiệp “xanh” tận dụng để làm ống hút thân thiện với môi trường, góp phần giảm thiểu rác thải nhựa.
“Lội bưng nhổ bàng” là những từ ngữ quá đỗi thân quen với người dân quê tôi. Để rồi trên con đường về nhà càng đẹp nên thơ hơn bao giờ hết bởi màu xanh mướt của cỏ bàng hòa vào ánh chiều hoàng hôn dần buông xuống. Dường như mọi vất vả đều tan đi khi âm thanh quen thuộc từ tiếng đánh xe bò “lộc cộc” cùng “câu dí”,“câu thá” của cha xen lẫn tiếng hò của mẹ: “Hò ơ… Trắng da vì bởi mẹ cưng, đen da vì bởi, hò ơ... đen da vì bởi lội bưng nhổ bàng…”.
Mỗi độ nắng hạ về, tôi tìm nhặt từng trái cỏ bàng khô để dựng lại một thời xa xưa của tuổi ấu thơ mà bấy lâu nay thương nhớ. Nhưng những trái cỏ bàng khô không dựng nổi mùa hạ mà thời gian cứ lần lựa qua mau để nổi nhớ nhung hằn lên trán mấy nếp nhăn như mấy lối mòn tìm về dĩ vãng. Cha mẹ tôi cũng đã già và cây cỏ bàng vẫn còn đó…
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/co-bang-soi-nho-soi-thuong--a188587.html