Làng mật mía vùng núi Hà Tĩnh rộn ràng vào vụ Tết
Những ngày này, 'thủ phủ' mật mía ở huyện miền núi Hà Tĩnh tất bật, ngày đêm đỏ lửa để cho ra sản phẩm thơm ngon phục vụ thực khách trong và ngoài tỉnh dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Những ngày cuối năm, ở xã Thọ Điền, huyện Vũ Quang, người dân tất bật đỏ lửa suốt ngày đêm để cho ra những sản phẩm thơm ngọt nhất phục vụ thị trường Tết Nguyên đán.
Thọ Điền hiện có gần 200 hộ dân trồng mía với diện tích gần 30ha. Nghề nấu mật mía ở xã này cũng đã tồn tại hơn 50 năm nay.
Nhiều năm về trước, người dân thường dùng sức trâu để ép mía, tuy nhiên khá mất vệ sinh nên chuyển sang làm bằng máy nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm. Việc ép mía bằng máy cũng nâng cao chất lượng của sản phẩm và tiết kiệm sức lực, thời gian.
Để có được những giọt mật thơm ngon, người nông dân phải thực hiện nhiều công đoạn như làm sạch thân mía, ép lấy nước, nấu mật, chắt mật và đóng chai. Mía được dùng để ép chủ yếu là mía xanh, cứng và nhiều nước.
Nước mía sau khi ép ra được làm sạch, loại bỏ các tạp chất, rồi cho vào những chiếc chảo lớn để nấu từ 4 - 5 tiếng. Trong thời gian đun mật, người nấu phải hết sức để ý đến độ lửa, lửa quá to sẽ bị cháy, nếu quá nhỏ sẽ cô đặc mật mía. Loại củi được dùng để nấu mật là những thân gỗ khô lâu năm.
Chị Nguyễn Thị Dân (chủ cơ sở sản xuất mật mía ở thôn 6, xã Thọ Điền) cho biết, năm nay gia đình chị thu mua khoảng 600 - 700 tấn nguyên liệu, cho sản phẩm khoảng 60 - 70 tấn mật mía cung ứng ra thị trường.
Về quy trình nấu mật, chị Dân chia sẻ, sau khi ép mía xong cho nước vào chảo để nấu. Quá trình này phải túc trực thường xuyên để vớt hết bọt đất đổ đi. Khi nước mía sôi, cho vào thùng lắng cặn, khoảng 2 - 4 tiếng sau khi cặn lắng xuống thì xả lại chảo thông qua lớp lọc rồi nấu thành mật.
Với kinh nghiệm làm mật lâu năm, chị Dân cho biết, muốn mật ngon phải đứng “canh” chảo trong nhiều giờ, đảo liên tục và đều tay. Khi mật sôi vớt váng, nếu không chú ý mật sẽ bị cháy, có màu đen và không được thơm ngon. Khi nước mía bắt đầu sền sệt chuyển sang màu nâu vàng thì mới hoàn thành việc nấu mật.
Mật mía ở xã Thọ Điền được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao, giá bán dao động từ 50 - 60 nghìn đồng/lít, dịp cận Tết thường rất khan hiếm hàng đôi khi giá bán tăng lên 70 nghìn đồng/lít. Theo người dân nơi đây, nghề làm mật hiện nay không vất vả như ngày xưa mà thu nhập cao hơn nhiều so với làm các nghề khác. Những năm gần đây, nhu cầu tăng cao nên vào vụ Tết những gia đình nơi đây bình quân bán được hơn 2 tấn mật thương phẩm, đem về nguồn thu nhập khá.
Tại HTX Dịch vụ mật mía Sơn Thọ ở thôn 1 (xã Thọ Điền), không khí sản xuất đang rất khẩn trương. Anh Lương Sỹ Đức - đại diện HTX cho biết, thời điểm giáp Tết, bình quân mỗi ngày HTX ép được khoảng 5 tấn mía tươi, nấu được khoảng hơn 400 lít mật thương phẩm. "Nhờ xây dựng thành công sản phẩm OCOP 3 sao nên sản phẩm làm ra đến đâu được khách hàng và thương lái đặt mua hết đến đó", anh Đức nói.
Ông Phạm Quang Tùng, quyền Chủ tịch UBND xã Thọ Điền cho biết, mật mía của địa phương được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Hiện nay trên địa bàn xã có gần 30ha trồng mía. Năm nay sản lượng mật mía ở xã Thọ Điền đạt khoảng 200 tấn, trị giá hàng tỷ đồng.
"Địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, đồng thời tăng diện tích trồng mía để thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững. Cây mía giờ đây đã trở thành cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới của địa phương", lãnh đạo UBND xã Thọ Điền cho hay.
Truyền thống của làng nghề cộng với sự cần cù chịu khó, không ngừng đổi mới phương thức sản xuất, người dân Thọ Điền đang tạo ra sản phẩm mật mía chất lượng tốt, vừa đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, vừa tăng nguồn thu nhập cho bà con.
Những ngày Tết cổ truyền, người Việt thường dùng mật mía để chấm bánh chưng, nấu chè, nấu bánh trôi, bánh gai… Các xưởng bánh kẹo thì cần nguồn mật lớn để làm nguyên liệu. Bởi thế, đến hẹn lại lên, cứ vào dịp cuối năm "thủ phủ" mật mía Thọ Điền lại rộn ràng hơn bao giờ hết, không khí Tết như đến sớm hơn với người dân nơi đây...