Có bao nhiêu tiền trong tài khoản mới tự tin xin nghỉ việc?
Nghỉ việc không phải quyết định dễ dàng, nhất là với những ai có số dư tài khoản ngân hàng ít ỏi.
Ảnh minh họa
Là người trẻ, ai cũng trải qua đôi ba lần muốn nộp đơn xin nghỉ việc nhưng vẫn còn chần chừ vì nhiều lý do. Chẳng hạn như đã thân thiết với đồng nghiệp, chưa tìm được công việc mới có mức lương ổn hơn...
Nghỉ việc không phải là quyết định dễ dàng, nhất là với người trẻ có số dư trong tài khoản ngân hàng ít ỏi.
"Rơi vào cảnh thất nghiệp thì lấy tiền đâu để tiêu xài mỗi tháng?" là nỗi băn khoăn chung của nhiều người. Hãy cùng lắng nghe tâm sự của những bạn trẻ dưới đây để xem tài khoản của họ có bao nhiêu tiền thì mới dám "mạnh dạn" xin nghỉ việc!
Không sợ thất nghiệp vì trong tài khoản tiết kiệm có 300 triệu đồng
Cuối năm ngoái, Thu Trang (24 tuổi, Hà Nội) đã nghỉ việc tại một công ty sau gần 3 năm gắn bó. Suy nghĩ muốn chuyển sang môi trường công sở mới đã xuất hiện trong đầu Thu Trang 1 năm trước đó. Nhưng để chính thức nói lời xin nghỉ việc với sếp thì Thu Trang chỉ làm cách thời điểm rời công ty cũ khoảng 3 tháng.
"Mình tự tin nghỉ việc bản thân vẫn sống tốt vì có tài khoản tiết kiệm 300 triệu đồng. Tuy nhiên, khi nghỉ công việc cũ mình khá chần chừ khi đưa ra lựa chọn. Bởi mình còn cân nhắc giữa hai yếu tố ở môi trường cũ là sự gắn bó lâu dài với đồng nghiệp và cơ hội thăng tiến, học hỏi.
Gần thời điểm muốn xin nghỉ việc, bản thân thấy kiệt sức về cả thể chất và tinh thần. Đó là lúc mình nghĩ cần bước ra khỏi vùng an toàn, ít nhất cho bản thân cơ hội nghỉ ngơi", Trang nói.
Vì biết mức thu nhập giảm mạnh khi rơi vào tình trạng thất nghiệp, Trang đã quyết định về quê sinh sống một thời gian. Cô cũng coi đây là thời gian dành cho gia đình sau nhiều năm làm việc ở thành phố.
"Khi nghỉ việc, mình không có áp lực lắm vì thu nhập không còn. Thứ nhất, do mình về quê nên tiết kiệm được tiền thuê nhà và chi phí sinh hoạt. Thứ hai, khoản dư trong tài khoản ngân hàng đủ để mình sống đầy đủ trong thời gian khá dài".
Dù có khoản tiền tiết kiệm, song Thu Trang không có ý định tiêu xài hoang phí trong thời điểm thất nghiệp. Mỗi tháng cô chỉ tiêu 6 triệu đồng. Ngoài ra, cô cũng không có kế hoạch dành tiền cho các chuyến du lịch dài ngày - vốn là khoản chi tiêu lớn của người trẻ sau khi nộp đơn xin nghỉ việc.
"Sau khi nghỉ việc, mình ở nhà 4 tháng. Trong thời gian đó, mình chi 1 triệu mua mỹ phẩm, 1 triệu tiền mua sách và 3 triệu tiền gửi bố mẹ trả chi phí sinh hoạt. Còn lại 1 triệu mình dành khi bạn bè rủ đi ăn uống ở quê, hoặc tự dưng nổi hứng muốn mua món đồ nào đó. Nhiều người nói mình chi quá tay để mua sách. Nhưng với mình, đọc sách là 1 phương pháp 'chữa lành' tâm lý khá tốt mà còn có mức giá phải chăng hơn so với các chuyến du lịch".
Công việc cũ của Thu Trang là hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, nhận lương 20 - 25 triệu đồng/tháng. Gắn bó một công ty suốt thời gian dài từ thời sinh viên nên Thu Trang chưa bao giờ trải nghiệm cảm giác thất nghiệp khi bản thân "rỗng túi".
Cô cũng không ủng hộ các bạn trẻ nộp đơn nghỉ việc khi tài chính không đủ. Bởi quãng thời gian dài ở nhà có thể khiến bạn dễ rơi vào tình trạng không tin tưởng vào bản thân và con đường sự nghiệp sau này. Nếu bạn còn gặp khó khăn tài chính thì suy nghĩ tiêu cực sẽ càng dễ nhân lên gấp bội.
Nghỉ việc dù tài khoản còn đúng 1 tháng lương
Ngược lại với Thu Trang, Việt Hằng (23 tuổi, Hà Nội) nghỉ việc khi bản thân chỉ còn... vỏn vẹn 10 triệu đồng - một số tiền tích lũy không nhiều, bằng đúng một tháng lương. "Mình nghỉ việc vì lương thấp, công việc nhàn. Ở đây, mình không tìm thấy cơ hội phát triển bản thân", Hằng nói.
Việt Hằng nghĩ bản thân là người ra quyết định nghỉ việc khá nhanh chóng. Song, cô cũng đã tính toán trước các rủi ro về mặt tài chính khi không còn nguồn thu nhập trong những tháng sau.
"Trước khi nghỉ việc, mình nghĩ bản thân có nhà ở quê. Trong trường hợp sau này mãi không tìm được việc mới thì mình có thể chuyển về nhà ở tạm một thời gian. Nhưng mình không ưu ái lựa chọn này lắm vì không thích cảm giác sống dựa dẫm vào bố mẹ.
Còn lại, mình ước tính một tháng nghỉ việc bản thân chỉ cần tiêu chưa đến 5 triệu đồng/tháng. Trong đó có 2 triệu đồng tiền nhà, 2 triệu tiền mua thức ăn, 1 triệu tiền đi chơi và cafe với bạn bè. Tính ra với 10 triệu đồng tiền tiết kiệm, mình đủ sống trong 2 tháng dù phải chắt bóp chi tiêu".
Ngoài ra, một nguyên nhân khiến Việt Hằng dứt khoát nộp đơn nghỉ việc vì đã tìm thấy một công việc freelancer bên ngoài. Với công việc làm thêm là viết kịch bản, Việt Hằng kiếm được khoảng 3 triệu đồng/tháng.
"Khoản tiền dự phòng hàng tháng này không nhiều, nhất là so với mức chi phí tốn kém ở Hà Nội. Nhưng thực tế khi thất nghiệp, mình và nhiều bạn khác không chi tiêu nhiều. 3 triệu không đảm bảo cuộc sống dư dả thêm nhưng đủ để mình sống. Mình không cần chi quá nhiều tiền mua thêm đồ mỹ phẩm mới, trang phục, ăn ngoài hay xăng xe đi lại", Việt Hằng chia sẻ.
Thời điểm xin nghỉ việc, Việt Hằng nghĩ bản thân sẽ ở nhà nhiều nhất trong 3 tháng. Thời gian này, cô cũng chăm chỉ đi tìm việc mới. Với Việt Hằng, thất nghiệp không phải quãng thời gian "chữa lành" mà là thời điểm cô tính toán lại con đường sự nghiệp sau này.
"Mình nghĩ bản thân ra quyết định nghỉ việc nhanh chóng vì lương thấp (cười). Nhưng một phần nữa cũng là do mình không ngại mức sống giảm nếu rơi vào cảnh thất nghiệp. Kiếm được bao nhiêu tiêu bấy nhiêu là quan điểm của mình".