Cờ bay trên đỉnh Cô Tiên

Giữa một vùng bạt ngàn núi đá, ngọn cờ đỏ sao vàng lấp lánh tung bay trên đỉnh cao vợi, giây phút đứng dưới thung lũng mênh mông đất trời nơi xứ Mường ngước nhìn lên đỉnh núi thiêng liêng ấy, ai cũng bồi hồi, xúc động.

Chúng tôi về thôn Nhân Giống, thị trấn Mường Khương (huyện Mường Khương) trong một buổi sớm mùa xuân. Ánh nắng nhẹ trải dài khắp lòng thung, những nhành đào, nhành mận nở hoa khoe sắc thắm. Bên ấm trà Bát tiên mới pha thơm hương núi rừng, anh Tráng Văn Thành, Bí thư Chi bộ thôn kể cho chúng tôi nghe bao điều về quê mình.

Anh Thành bảo, ngay cả các cụ cao niên nhất trong làng cũng không biết cha ông về đây lập xóm, dựng làng từ bao giờ, chỉ biết rằng đây là khu đất lành, nên người Pa Dí, người Mông cứ lớp cha trước, lớp con sau sinh ra, lớn lên rồi học cách làm nhà, cách làm nương trồng lúa, trồng ngô để an cư. Thôn có thế “tựa sơn”, phía sau làng là ngọn núi cao tựa chiếc “cột chống trời” có tên là Cô Tiên.

Mẹ anh Thành là bà Pờ Si Dín năm nay gần 80 tuổi. Nãy giờ bà vẫn ngồi bên bếp lửa, cần mẫn vá lại mấy chiếc áo đi rừng bị rách cho con trai, góp vui: Núi Cô Tiên được đặt theo một huyền tích cháu ạ. Tương truyền, xưa kia, đất và trời gần nhau lắm. Những ngày nhiều mây, đất trời như hòa làm một. Đỉnh núi đá cao chót vót phía sau thôn Nhân Giống ngày nay, trước là một quả núi to, muôn hoa tốt tươi. Tương truyền có một nàng tiên xinh đẹp tuyệt trần vì “phải lòng” chốn trần gian nên hạ giới du xuân. Thấy nơi đây sơn thủy hữu tình, nàng lưu luyến chẳng muốn rời. Gắn bó lâu ngày thành yêu thương, nàng dạy bà con cách làm nhà tránh gió bão, mưa rừng, cách trồng lúa, trồng rau trên những sườn đất dốc…

Nằm trên khu vực vành đai biên giới, nên nơi đây và các vùng xung quanh thường bị các bộ tộc bên kia biên giới sang xâm lấn, cướp bóc. Nàng tiên lại dạy cho dân cách làm chông, đặt bẫy chống trả. Được nàng giúp đỡ, sức dân như được nhân đôi khiến quân thù khiếp sợ. Cuộc sống dưới chân núi vì thế được yên ổn, thanh bình. Trên đỉnh núi cao, nàng làm một ngôi nhà nhỏ của riêng mình, đêm ngày làm bạn với muông thú…

Anh Tráng Văn Thành, Bí thư Chi bộ thôn Nhân Giống, thị trấn Mường Khương cùng người dân lên thăm Cụ Rùa.

Anh Tráng Văn Thành, Bí thư Chi bộ thôn Nhân Giống, thị trấn Mường Khương cùng người dân lên thăm Cụ Rùa.

Dừng tay khâu áo, bà Dín đưa mắt nhìn xa xăm: Cuộc sống cứ thế êm đềm trôi đi. Cho đến khi Ngọc Hoàng phát hiện cô con gái trốn đi chơi. Vua cha tức giận nên trách phạt, biến mảnh đất tốt tươi nơi đây thành vùng đá sỏi cằn khô. Những ngọn núi quanh vùng đều bị lún sụt, nhưng riêng ngọn núi nơi nàng tiên ở thì cứ cao mãi, cao mãi như muốn chạm đỉnh trời. Nhiều người còn bảo, những ngày trời trong xanh, nhìn về phía đỉnh núi, khi chín tầng mây rẽ ngang, họ thấy thấp thoáng bóng dáng nàng tiên từ trên trời xanh nhìn xuống với khuôn mặt nhớ thương. Nước mắt nàng rơi xuống khiến đá sỏi cũng tan chảy, cho nên mới có cảnh đất đá xen kẽ như bây giờ. Những muông thú từng bầu bạn với nàng vì quá nhớ thương mà hóa đá. Hiện trên đỉnh vẫn còn một phiến đá khổng lồ hình con rùa mà dân làng vẫn kính gọi là Cụ Rùa.

Không rõ thực hư ra sao, nhưng hàng nghìn năm nay, ở mảnh đất xứ Mường, lớp lớp thế hệ vẫn truyền tai nhau câu chuyện về đỉnh núi thiêng nằm ngay giữa thị trấn và mến gọi là núi Cô Tiên. Dù không cao nhất trong hệ thống núi đá cùng khu vực, nhưng chính dáng vẻ như một cây chống khổng lồ bằng đá và huyền tích về nàng tiên xinh đẹp mà người dân nơi đây coi đó như vật báu.

Tranh thủ ngày nắng đẹp, tôi cùng anh Thành và một số chị em trong thôn Nhân Giống ngược ngọn núi thần tiên. Quả thực không hổ danh là “cột chống trời”, bởi vách núi cao, nên cung đường cũng cheo leo nơi lưng đá dựng, mặc dù đã được tạo bậc, nhưng người leo núi cũng không khỏi “thở ra đằng tai”.

Núi Cô Tiên có độ cao hơn 1.000 m so với mặt nước biển. Trước đây, khi cột cờ chưa được xây dựng, trên núi có cột sóng viba của nhà mạng Vinaphone. Tuy nhiên, do ít người qua lại, nên cây dại mọc hoang ra cả lối đi. Với mong muốn tạo biểu trưng về sự trường tồn của dân tộc nơi biên cương Tổ quốc, công trình cột cờ Tổ quốc trên đỉnh núi nghìn năm đã được khởi công ngày 4/9/2022.

Sau 2 tháng thi công, ngày 4/11, huyện Mường Khương tổ chức Lễ khánh thành công trình cột cờ Tổ quốc trên đỉnh núi Cô Tiên. Đây là công trình chào mừng 72 năm ngày giải phóng Mường Khương. Cột cờ cao 18 m, lá cờ rộng 24 m2 được dựng trên “cột chống trời”.

Cuộc sống trù phú dưới chân núi Cô Tiên.

Cuộc sống trù phú dưới chân núi Cô Tiên.

Nhớ trước khi leo núi, tôi có dịp trò chuyện cùng đồng chí Giàng Quốc Hưng, Bí thư Huyện ủy Mường Khương. Vẫn đôi mắt đầy niềm vui, sự tin tưởng, lạc quan trong từng lời nói, anh Hưng cho biết: Công trình là biểu tượng của độc lập, tự do, hòa bình, khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Đó cũng là tình yêu quê hương, đất nước của Nhân dân các dân tộc huyện Mường Khương.

Cùng với ý nghĩa về biểu trưng cao quý, việc xây dựng cột cờ trên đỉnh thiêng còn tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch. Với những người thích phiêu lưu, yêu leo núi thì đây là lựa chọn không thể bỏ qua khi đến với vùng cao núi nhọn, bởi sau chặng chinh phục con đường “lên giời”, bạn sẽ được chiêm ngưỡng cảnh vật xinh đẹp mà nàng tiên đã từng say đắm đến quên lối về.

Bắt nhịp với xu hướng phục vụ du lịch, ngay lưng chừng núi, người dân đã dựng những chòi ngắm nhỏ xinh lợp mái cỏ, trồng hoa hai bên đường để du khách nghỉ chân và check-in. Người dân cũng chắt chiu cải tạo đất hoang để trồng rau, trồng quýt, khiến đường lên núi đá phủ một màu xanh mát…

Đứng dưới bóng cờ tung bay trên bầu trời lộng gió, nhìn ra bát ngát mênh mông là một vùng biên cương Tổ quốc, trong tôi trào dâng bao cảm xúc. Tôi dám chắc, đó cũng là xúc cảm của bao người - tự hào, hãnh diện và đầy quyết tâm sẽ đi mãi trên con đường dưới bóng cờ Tổ quốc thân yêu.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/364110-co-bay-tren-dinh-co-tien