Cô bé 11 tuổi mong muốn hòa giải hai siêu cường trong thời kỳ 'Chiến tranh Lạnh'

Tháng 7-1983, cả thế giới đã chứng kiến sự kiện đặc biệt: Một bé gái 11 tuổi người Mỹ được mời đến Liên Xô sau khi cô bé viết thư gửi tới Điện Kremlin. Tên cô bé ấy là Samantha Smith-người sau này trở thành Đại sứ thiện chí trẻ nhất của Mỹ.

Theo tờ Russia Beyond, Samantha Smith không thể một mình hòa giải hai siêu cường Liên Xô-Mỹ trong "Chiến tranh Lạnh", nhưng chắc chắn cô bé đã đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn ngày tận thế hạt nhân.

Đầu những năm 1980, Samantha sống cùng bố mẹ tại thị trấn nhỏ Manchester, bang Maine (Mỹ). Vào thời điểm đó, Mỹ và Liên Xô đang đứng trước bờ vực xung đột hạt nhân. Trong khi các chính trị gia chơi trò mèo vờn chuột thì người dân hai nước sống trong bầu không khí sợ hãi.

 Samantha giới thiệu bức thư của cô viết gửi nhà lãnh đạo Liên Xô Yuri Andropov. Ảnh: AP.

Samantha giới thiệu bức thư của cô viết gửi nhà lãnh đạo Liên Xô Yuri Andropov. Ảnh: AP.

Một ngày nọ, trên bìa tạp chí, Samantha nhìn thấy bức ảnh của nhà lãnh đạo Liên Xô Yuri Andropov, người được truyền thông Mỹ cáo buộc phải chịu trách nhiệm về tình hình địa chính trị căng thẳng này. Samantha hỏi mẹ: "Nếu mọi người sợ ông Yuri Andropov, tại sao không ai viết thư hỏi xem ông ý có muốn chiến tranh hay không?". "Vậy tại sao con không làm điều đó?", bà mẹ nói đùa khi đặt câu hỏi ngược lại.

Trong khi bà mẹ nhanh chóng quên cuộc trò chuyện, còn Samantha thì không. Cô nghiêm túc nhận lời khuyên của mẹ và sau đó vài ngày cô viết thư gửi tới nhà lãnh đạo Liên Xô Yuri Andropov hỏi xem ông thực sự muốn khởi động chiến tranh và chinh phục cả thế giới hay ít nhất là Mỹ.

Nội dung bức thư viết:

“Thưa ngài Andropov,

Tên cháu là Samantha Smith, 10 tuổi. Chúc mừng Ngài được bầu vào cương vị mới. Cháu đang rất lo rằng liệu có một cuộc chiến tranh hạt nhân giữa Liên Xô và Mỹ hay không. Liệu Ngài có muốn một cuộc chiến hay không? Nếu không, Ngài hãy nói cho cháu biết Ngài sẽ làm gì để ngăn chiến tranh xảy ra? Ngài đương nhiên không phải trả lời câu hỏi của cháu nhưng cháu muốn biết vì sao Ngài lại muốn chiếm cả thế giới hay ít nhất là đất nước của cháu. Chúa tạo ra thế giới để chúng ta chung sống chứ không phải để gây chiến với nhau.

Kính thư”.

Đáng ngạc nhiên, Pravda - tờ báo chính thống của Liên Xô sau đó đã đăng đoạn trích của bức thư này. Tuy nhiên, không ai để ý đến bức thư này. Samantha không hiểu tại sao không nhận được thư phúc đáp, vì thế cô bé viết lá thư thứ hai.

 Samantha Smith chụp ảnh lưu niệm với nữ du hành vũ trụ Liên Xô Valentina Tereshkova. Ảnh: soviet-art.ru.

Samantha Smith chụp ảnh lưu niệm với nữ du hành vũ trụ Liên Xô Valentina Tereshkova. Ảnh: soviet-art.ru.

Lần này, chính nhà lãnh đạo Yuri Andropov đích thân trả lời thư. “Tôi đã nhận được lá thư của cháu cũng như nhiều lá thư khác mà tôi nhận được những ngày gần đây từ đất nước của cháu và những nước khác. Tôi thấy cháu là một cô bé can đảm và thật thà, giống như Becky - người bạn của Tom Sawyer trong cuốn sách nổi tiếng của Mark Twain. Các cô cậu bé ở đất nước của tôi đều rất thích đọc cuốn sách này”, ông Andropov viết.

Trong thư, nhà lãnh đạo Liên Xô còn nói rõ: “Chúng tôi muốn hòa bình cho chính mình và cho tất cả dân tộc trên hành tinh. Vì con cái chúng ta và vì cháu, Samantha”. Cuối thư, nhà lãnh đạo Yuri Andropov còn mời cô bé đến Liên Xô, đồng thời khẳng định rằng, ở quốc gia này, mọi người đều vì hòa bình và hữu nghị giữa các dân tộc.

Thư trả lời ngay lập tức được truyền thông Mỹ đăng tải. Chắc chắn rằng chưa từng có phát biểu nào của nhà lãnh đạo Liên Xô làm nước Mỹ hứng thú như vậy. Tất nhiên, gia đình Smith đã nhận lời mời và Samantha sẽ cùng bố mẹ tới Liên Xô.

Ngày 7-7, Samantha cùng cha mẹ đến Liên Xô trong chuyến thăm 2 tuần. Cô bé được đón tiếp nồng hậu, được dẫn đi thăm các địa điểm du lịch chính ở Moscow và Leningrad (Saint Petersburg ngày nay).

 Samantha cùng với các bạn thiếu niên Liên Xô. Ảnh: AP.

Samantha cùng với các bạn thiếu niên Liên Xô. Ảnh: AP.

Samantha đã dành nhiều ngày để tham dự trại hè “Tiên phong” ở Artek trên bán đảo Crimea. Tại đây, cô bé có cơ hội gặp gỡ những bạn trẻ từ khắp Liên Xô, tham gia lễ hội, chương trình và các hoạt động khác nhau. Cô bé thậm chí còn được cấp một bộ đồng phục Thiếu niên Tiền phong nhưng không có cà vạt đỏ thông thường để tránh những âm mưu chính trị.

Mỗi bước đi của Samantha đều được các nhà báo Mỹ và Liên Xô theo dõi chặt chẽ. Thông qua truyền thông, người dân hai nước cuối cùng đã có thể nhận ra rằng ở hai phía của bức màn sắt không khác nhau nhiều. Thật không may, Samantha đã không thể gặp trực tiếp Andropov bởi lúc đó ông đang bệnh nặng và qua đời chưa đầy một năm sau đó.

Trở về Mỹ, Samantha Smith nói: "Bây giờ tôi chắc chắn rằng người Nga, giống như người Mỹ, không muốn chiến tranh. Người Nga hoàn toàn thích chúng tôi".

Chuyến đi Liên Xô lần đó của Samantha khiến cô bé trở thành người nổi tiếng. Là một đại sứ thiện chí trẻ tuổi, cô được mời thăm Nhật Bản, tham gia các chương trình nói chuyện ở Mỹ và xuất hiện thường xuyên trên truyền hình. Thật không may, cuộc đời đầy hứa hẹn của cô bé đã kết thúc đột ngột.

 Cô bé Samantha trong cuộc họp báo năm 1983. Ảnh: soviet-art.ru.

Cô bé Samantha trong cuộc họp báo năm 1983. Ảnh: soviet-art.ru.

Ngày 25-8-1985, khi Samantha cùng bố trở về nhà sau khi đóng phim, họ đã gặp tai nạn. Cái chết của cô bé là một cú sốc thật sự. Ngay lập tức có những tin đồn cho rằng tai nạn này đã được sắp xếp. Ở Mỹ, người ta nghi ngờ đây là âm mưu của KGB, còn ở Liên Xô thì cho rằng việc này có liên quan tới Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA). Nhưng không có dấu hiệu cho thấy tai nạn này có liên quan tới cơ quan đặc biệt nào. Cuộc điều tra đã chỉ ra rằng, do thời tiết xấu nên phi công đã hạ cánh trượt đường băng.

Cái chết của cô đã gây chấn động thế giới và được thương tiếc ở cả Mỹ và Liên Xô. Nhiều người ở Liên Xô nói rằng, Samantha "giống như hàng triệu thanh niên nam nữ Liên Xô, mơ về hòa bình và về tình bạn giữa các dân tộc Mỹ và Liên Xô". Năm 1986, Liên Xô đã quyết định tổ chức một chuyến thăm tương tự đến Mỹ. Mặc dù chuyến thăm của cô bé Katia Lytcheva, 12 tuổi, được truyền thông Mỹ đưa tin rộng rãi, thậm chí cô bé còn được gặp Tổng thống Ronald Reagan, nhưng không có sức lôi cuốn và phổ biến như nhà hoạt động hòa bình trẻ tuổi người Mỹ Samantha Smith. Tên của cô đã được đặt cho tên phố, bảo tàng ở nhiều nơi trên thế giới...

HÒA AN (theo Russia Beyond)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/co-be-11-tuoi-mong-muon-hoa-giai-hai-sieu-cuong-trong-thoi-ky-chien-tranh-lanh-613876