Cô bé 9 tuổi vấp ngã trước thần tượng giờ là NSND, tiến sĩ nổi danh

Từ cô bé 9 tuổi mê đàn tranh, Phạm Trà My đã trở thành NSND, Tiến sĩ Âm nhạc học đàn tranh đầu tiên với 40 năm gìn giữ, phát triển âm nhạc dân tộc.

Cô bé 9 tuổi và động lực từ người cha làm thợ tiện

9 tuổi, qua màn hình tivi, Trà My bị mê hoặc bởi hình ảnh nghệ sĩ nữ chơi đàn tranh với dáng nghiêng rất đẹp mà sau này chị mới biết đó là NSND Phương Bảo.

Dù chỉ còn 2 tháng nữa đến kỳ thi tuyển vào Nhạc viện Hà Nội và cô giáo bảo "không thể kịp", bố mẹ vẫn để Trà My thử sức. Khi bước vào phòng thi, gặp đúng thần tượng đang ngồi ở ghế giám khảo, Trà My run đến mức ôm đàn vấp suýt ngã. Thế nhưng, tiếng đàn của cô bé không chỉ chinh phục được hội đồng giám khảo mà còn giúp Trà My giành được học bổng.

Nguồn cảm hứng từ thời thơ ấu:

Xuất thân từ gia đình không ai theo nghệ thuật - bố làm thợ tiện, mẹ làm giáo viên tiểu học - Trà My phải nỗ lực gấp bội. Gia đình sống trong căn nhà cổ nên mỗi lần chơi đàn là tầng dưới sẽ nghe thấy rõ. "Tôi phải chờ lúc bố mẹ đi ngủ mới tập đàn mà còn không dám đeo móng đàn vì sợ âm thanh kêu to ảnh hưởng tới mọi người", chị kể.

Chính người bố truyền cho Trà My động lực mạnh mẽ. "Bố có nói với tôi: Nếu con không làm thì thôi, làm phải làm đến cùng. Bố chỉ là một thợ tiện nhưng ca nào khó nhất, bạn bè đều tìm đến bố", chị kể. Câu nói đã ám ảnh và thôi thúc Trà My trong suốt hành trình sau này.

Bố hàng ngày đạp xe đưa đón con gái tới Nhạc viện luyện đàn. "Chỉ tiếc bố mất đã 20 năm, ông không được tận mắt chứng kiến những niềm vui tôi có được ngày hôm nay. Nhưng tôi tin, ở nơi xa hẳn bố tôi đã rất tự hào", chị nói.

Hành trình học tập và dấu ấn quốc tế

Trà My hoàn thành chương trình từ sơ cấp lên đại học chỉ mất 10 năm (trong khi lẽ ra phải học 13 năm), là sinh viên có thành tích học tập tốt nhất trong khối nghệ thuật cả nước. Năm 1992, khi còn là sinh viên năm nhất, chị xuất sắc đạt giải huy chương Bạc Hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc (năm đó không có giải Vàng dành cho đàn tranh).

Buổi biểu diễn quốc tế đầu tiên diễn ra khi chị 19 tuổi tại Festival âm nhạc thế giới ở Nam Ninh, Trung Quốc. "Khi âm thanh từ nhạc cụ tre nứa Việt Nam vang lên trong không gian biểu diễn rất lớn ở sân vận động, tất cả khán giả đứng lên vỗ tay. Với một cô bé 19 tuổi, đó như một sự phấn khích", chị kể.

Tháng 3 và tháng 10/2024, chị có cơ hội biểu diễn chung với hơn 120 nghệ sĩ của dàn nhạc Thái Lan và đứng chung sân khấu với Công chúa Thái Lan.

Con đường nghiên cứu và lưu giữ tinh hoa đàn tranh

Cuối năm 2023, Phạm Trà My bảo vệ thành công luận án tiến sĩ với đề tài Nghệ thuật diễn tấu đàn tranh từ 1956 đến năm 2020. Quá trình nghiên cứu gặp nhiều khó khăn khi tìm kiếm tài liệu về kỹ thuật đàn tranh trước năm 1956.

"Tôi suốt ngày lang thang ở Thư viện quốc gia nhưng không thể tìm thấy tài liệu nào nói riêng về đàn tranh", chị kể. May mắn, chị kết nối được với nghệ nhân Vĩnh Tuấn - người lưu giữ 15 biến tấu kỹ thuật biểu diễn từ trước năm 1956, học được từ cung đình Huế. Luận án của chị không chỉ ghi lại kỹ thuật diễn tấu mà còn lưu giữ những tác phẩm để lại dấu ấn đàn tranh từ 1956 đến 2020.

Những năm 2000, nhiều người yêu điện ảnh thích âm nhạc trong phim Chuyện của Pao đã ấn tượng với đoạn nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Thiên Đạo được mở đầu bằng mấy nhịp lướt đàn tranh do NSND Phạm Trà My thể hiện.

Kể từ đó, NSND Phạm Trà My nhận ra đàn dân tộc muốn sống được cũng phải có cách tư duy mới, phải kết hợp âm nhạc đương đại có chọn lọc. Sau đó, chị chơi cùng ban nhạc với "phù thủy âm nhạc" - cố nhạc sĩ Vũ Nhật Tân, nhạc sĩ Trí Minh... đưa đàn tranh kết hợp âm nhạc điện tử. Tháng 11/2024, tại Festival Biểu diễn các nhạc cụ dân tộc thế giới ở Nam Ninh, chị và các nghệ sĩ Việt Nam kết hợp DJ Trí Minh với đàn tranh, đàn bầu và đàn T'rưng.

Là giảng viên, Phạm Trà My không áp đặt học trò chỉ chơi nhạc truyền thống. Chị khuyến khích học trò mở rộng khả năng biểu diễn. Ngoài chương trình học ở trường, các bạn đủ kỹ thuật có thể tìm hiểu biểu diễn thêm những ca khúc đang hot trên mạng.

Với các bạn trẻ theo đuổi ước mơ, chị nhắn nhủ: "Nếu có đam mê luôn phải cống hiến và rèn luyện hết mình. Tôi cứ thật sự đam mê sống hết mình với tuổi trẻ để một khi nhìn lại, không hối hận và không tiếc nuối về những gì đã lựa chọn".

Đầu năm 2024, nghệ sĩ Phạm Trà My chính thức được Nhà nước trao tặng danh hiệu NSND. Nữ nghệ sĩ đồng thời là Tiến sĩ Âm nhạc học đàn tranh đầu tiên tại Việt Nam.

Đầu năm 2024, nghệ sĩ Phạm Trà My chính thức được Nhà nước trao tặng danh hiệu NSND. Nữ nghệ sĩ đồng thời là Tiến sĩ Âm nhạc học đàn tranh đầu tiên tại Việt Nam.

Nghệ sĩ Trà My nhận danh hiệu NSND và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ:

Ảnh, video: Tư liệu, VTV

Huy Minh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/co-be-9-tuoi-vap-nga-truoc-than-tuong-gio-la-nsnd-2386147.html