Cô bé Chim cánh cụt yêu đời
Không có tay, chân nhưng cô bé Nguyễn Hoài Thương chưa bao giờ cảm thấy mình khiếm khuyết, thậm chí em cảm nhận mình rất đặc biệt.
Không có tay, chân nhưng cô bé Nguyễn Hoài Thương chưa bao giờ cảm thấy mình khiếm khuyết, thậm chí em cảm nhận mình rất đặc biệt.
"Trong các môn học, con thích nhất là vẽ. Sau này, con ước mơ làm bác sĩ để chữa bệnh cho người nghèo"- cô bé "Chim cánh cụt" Nguyễn Hoài Thương (học sinh lớp 7 Trường THCS Thị trấn 2, huyện Củ Chi, TP HCM) bộc bạch. Hoài Thương là con gái út của anh Nguyễn Văn Lợi, công nhân Công ty TNHH I.S Việt Nam (KCN Tây Bắc Củ Chi, TP HCM).
Trong những ngày cuối tháng 9, chúng tôi tìm về nhà bé Hoài Thương tại ấp Cây Sộp, xã Tân An Hội, huyện Củ Chi. Nghe có khách, từ trong nhà, một cô bé không tay, không chân di chuyển nhanh nhẹn trên miếng gỗ ra cửa ngóng, rồi nhanh nhẹn: "Con chào cô, chú!". Không mặc cảm, không rụt rè, Hoài Thương kể chuyện ở trường, ở lớp rồi mấy chú thỏ, chuột hamster… nuôi sau nhà một cách say mê, lý thú.
Nguyễn Hoài Thương đang chơi đùa với thỏ
Chị Trần Thị Cẩm Giang, mẹ Hoài Thương, kể Thương là đứa con thứ 2 của vợ chồng chị. Cũng như lần mang thai đầu, chị cảm thấy rất bình thường và đi khám thai định kỳ, bác sĩ thông báo mẹ và con đều khỏe mạnh. Khi đến ngày sinh, thai quá to, y tá, bác sĩ động viên chị rất nhiều để cố gắng sinh thường. Sau khi sinh xong, vẫn còn mệt mỏi, nằm trên giường với đôi mắt nhắm nghiền, chị nghe y tá xì xào nên hỏi bác sĩ: "Con em có vấn đề gì không?". Vị bác sĩ đến bên chị nhẹ nhàng bảo: "Em giỏi lắm, con em rất khỏe mạnh". "Cố nhìn qua giường bệnh cạnh, tôi thấy một đứa bé bụ bẫm.
Hoài Thương mới sinh nặng đến 3,9 kg, quấn trong một chiếc khăn hồng. Đâu biết rằng khi thấy bé, chồng tôi gần như ngất xỉu. Riêng tôi khi khỏe lại mới đến gần bé, mở khăn ra xem và không tin vào mắt mình…" - chị Giang nghẹn ngào kể quá trình vượt cạn đầy nước mắt của mình.
Cô bé "chim cánh cụt" phụ mẹ làm việc nhà
Hoài Thương được chẩn đoán bị ảnh hưởng chất độc da cam do gia đình sống gần khu Đồng Dù, từng bị Mỹ rải chất độc da cam. Không chân tay nhưng Hoài Thương dễ ăn, dễ ngủ và đặc biệt có đôi mắt to tròn, gương mặt bụ bẫm, hay cười. Nỗi đau của vợ chồng chị Giang, anh Lợi cũng nguôi ngoai dần khi thấy con gái rất vui vẻ. Đang là công nhân may, chị Giang phải nghỉ làm để ở nhà chăm con. Bé Hoài Thương được vài tháng tuổi, hai mẹ con bắt đầu mưu sinh bằng nghề bán vé số. Sáng sớm, hai mẹ con đón xe buýt để vào trung tâm TP bán. Khi bán xong 150 tờ vé số, hai mẹ con lại bắt xe buýt về nhà. "Trộm vía, nhìn Hoài Thương bụ bẫm, vui vẻ, nhiều cô chú, anh chị ghé lại mua giúp nên hai mẹ con bán được nhanh"- chị Giang kể.
Khi Hoài Thương 6 tuổi, hai mẹ con nghỉ bán vé số để Hoài Thương vào lớp 1. Chị Giang lãnh quần áo về nhà may gia công để có thể đưa đón, chăm sóc con.
Vì từ nhỏ đã ra đường mưu sinh cùng mẹ, tiếp xúc nhiều người nên Hoài Thương rất lanh lợi, dạn dĩ. Trong suốt quá trình đi học, cô bé luôn được bạn bè yêu thương, giúp đỡ. Khi cần lên xe lăn, các bạn đến bên đỡ Hoài Thương. Khi em không chép bài kịp, nhiều bạn tình nguyện làm giúp. Ở nhà, Hoài Thương tự làm tất cả những việc của bản thân như vệ sinh, thay quần áo, chải tóc… Cô bé còn giúp mẹ quét nhà, nấu cơm, xếp quần áo.
Nửa tháng trước, mẹ Hoài Thương bị ngã phải nằm viện 15 tháng. Khi mẹ về nhà, chân bó bột di chuyển khó, trước khi đi học, Hoài Thương giúp mẹ lấy kem đánh răng, nấu mì gói để mẹ ăn. "Con bé rất hiếu thảo, tình cảm. Trong nhà, Hoài Thương luôn lo lắng cho ba mẹ và chị. Ăn gì cũng để phần người vắng mặt"- anh Lợi cho biết.
Anh Lợi kể mấy năm trước khi đang đi đường, Hoài Thương thấy người ta bán thỏ và nhất định đòi ba dừng xe lại mua. Anh đã mua 2 chú thỏ cho con gái vui và mỗi ngày Hoài Thương có nhiệm vụ cho Thỏ ăn, mang nước cho Thỏ uống và chơi đùa cùng chúng. Không ngờ, từ cặp thỏ này đã sinh ra bầy thỏ con, mở thêm hướng kinh tế phụ cho gia đình anh Lợi. Anh chị mở tiệm bán thỏ lấy tên là biệt danh của con gái: Tiệm thỏ "Chim cánh cụt".
Khi chúng tôi hỏi: "Lớn lên con thích làm gì?", Hoài Thương đáp ngay: "Bé Cụt muốn làm bác sĩ để chữa bệnh cho người nghèo". Chị gái Hoài Thương chọc: "Bác sĩ phải tiêm thuốc, Cụt có tay đâu mà tiêm?", "Cụt làm bác sĩ, khám bệnh thôi, còn chị hai làm y tá tiêm thuốc". Chị gái của Hoài Thương là Nguyễn Vũ Quỳnh Như đang học ngành y tá tại Trường ĐH Văn Lang (TP HCM), đúng như ý nguyện của em gái.
Hoài Thương đang xem lại ảnh của mình hồi nhỏ
Để có tiền lo cho 2 con ăn học, vợ chồng anh Lợi, chị Giang đã chật vật xoay sở. Anh Lợi kể: "Hiện vợ tôi bị ngã gãy chân, không may được nên kinh tế gia đình phụ thuộc vào lương công nhân 6 triệu đồng/tháng của tôi. Năm rồi, vợ chồng tôi phải vay tiền của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã để đóng học phí cho Quỳnh Như. Năm nay, tôi định vay Tổ chức Tài chính vi mô CEP rồi trừ dần vào lương".
Thực hiện:
Hồng Đào - Huỳnh Như - Lê Vĩnh - Lê Duy
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/cong-doan/emagazine-co-be-chim-canh-cut-yeu-doi-20200923164101948.htm