Cô bé khiếm thị mưu sinh, trang trải việc học hành bằng nghề tẩm quất
Để tiếp tục con đường học tập của mình, Thúy Lợi quyết tâm xin vào một cơ sơ tẩm quất dành cho khiếm thị. Em muốn kiếm thêm thu nhập để đỡ cho gia đình và lo ăn học.
Không may sinh ra trong một gia đình có bệnh di truyền về mắt, ông; bố và bác đều có vấn đề về giác mạc. Nguyễn Thị Thúy Lợi (sinh năm 2007, quê ở Tòng Bạt, huyện Ba Vì, Hà Nội), từ nhỏ đã không nhìn được rõ như 2 người chị của mình. Ánh sáng trước mắt em lúc đó chỉ là những khoảng mờ mờ, lúc đen lúc trắng.
Tuổi thơ của cô bé khiếm thị
Không muốn con mới sinh ra đời đã chịu đựng căn bệnh éo le thoái hóa giác mạc, bố mẹ Lợi tích góp rồi vay mượn khắp nơi đưa em đi chữa bệnh ở Viện Mắt Trung ương. Năm cô bé lên 2 tuổi, mắt đã có phần nào đỡ hơn và em đã có thể nhìn thấy rõ các vật xung quanh. Nhưng tất cả chỉ có vậy, như ngọn đèn sáng lên rồi vụt tắt…
Cả gia đình lặng người khi bác sĩ chuẩn đoán bệnh của Lợi đã bị biến thể. Mắt phải dần dần không nhìn thấy gì, còn mắt trái nhìn được một chút nhưng phải sử dụng thuốc thường xuyên để duy trì những hy vọng cuối cùng.
Dù không thể nhìn thấy ánh sáng và mọi vật xung quanh nhưng Lợi rất ham học. Hàng ngày theo bạn bè đến trường làng, cô bé đều chăm chú lắng nghe và cố gắng ghi nhớ thật kỹ những lời cô giáo giảng. Quên chỗ nào, về nhà em lại nhờ bố mẹ thay nhau đọc lại sách giáo khoa cho mình có thể hiểu hơn.
Với Lợi, những lời trêu trọc của lũ trẻ cùng làng nhiều khi khiến em tủi thân và muốn bỏ học. Cô bé có lúc không muốn đến trường, nhưng khi được thầy cô giải thích với các bạn và động viên, em đã không còn xem đó là chuyện xấu hổ nữa.
"Hồi cấp 1 học với các bạn mắt bình thường nên em thường bị trêu chọc, mấy câu như kiểu mắt nổ mắt xịt làm em buồn lắm nhưng bên cạnh đó cũng có những bạn giúp đỡ em nên sau này em thấy bình thường, số phận mình không may bị như vậy nên đành chấp nhận thôi".
Thời gian cứ lặng lẽ trôi, đến năm cấp 2 thì Lợi được gia đình đưa xuống Hà Nội học trường dành cho người khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu. Mới đầu ra Hà Nội, xa nhà xa gia đình khiến cô bé ấy không thể nào hòa nhập được với môi trường sống xô bồ và náo nhiệt. Rồi từng ngày cố gắng, Lợi nhận thấy bên mình cũng toàn là những người hoàn cảnh giống nhau, từ đó em càng vui vẻ và hòa đồng hơn.
Mưu sinh để bước tiếp trong cuộc sống
Trải qua những nỗ lực không ngừng, năm nay cô bé đã bắt đầu vào cấp 3, Thúy Lợi đã quyết định theo học trường Nguyễn Quang Tố - một trường học nghề dành cho người khiếm thị ở Hà Nội.
Dù xa nhà và không ở cùng bố mẹ, em vẫn cảm nhận được tình thương và quan tâm từ gia đình. Bố mẹ luôn lo lắng và chăm sóc cô bằng cách gửi tiền, mọi người hỏi thăm đều cho em. Lợi cũng cảm thấy hạnh phúc và tự hào về việc có thể tự mình kiếm sống bằng công việc tẩm quất mà cô đang học tập.
"Bố mẹ cũng quan tâm, lo lắng sợ ở ngoài này ăn uống không đủ chất nên cũng cố gắng tiết kiệm gửi cho em, mỗi lần 100 -200 nghìn đồng. Giờ ở ngoài này thì mỗi tháng cho tầm 1 triệu đồng".
Với tinh thần lạc quan và kiên nhẫn, Thúy Lợi quyết tâm xin vào một tiệm tẩm quất dành cho người mù để kiếm thêm thu nhập. Dù chưa có nhiều kinh nghiệm nhưng Lợi luôn cố gắng học hỏi và cống hiến trong công việc. Điều này giúp cô có thể kiếm ra tiền nuôi bản thân và giúp đỡ bố mẹ trong việc giảm bớt lo lắng.
"Khi học thấy khó nhất là kỹ thuật và lực vì em sợ lực em không đủ để massage. Tháng 9 trở lại trường, vừa học vừa làm. Mong muốn của em sau này kiếm ra tiền nuôi được bản thân và bố mẹ không lo lắng", cô bé chia sẻ.
Nơi Lợi làm là cơ sở Xoa bóp cho người khiếm thị Linh Đan do bạn Phùng Văn Minh, (29 tuổi) làm chủ, mở cửa vào năm 2020. Minh cũng là một người khiếm thị, đồng cảm và quyết tâm mở cơ sở này để những người như mình hay Lợi có chỗ làm thu nhập thêm.
Phùng Văn Minh cho biết khách đa dạng, người lao động chân tay cũng có mà nhân viên văn phòng cũng có, lái xe cũng có. "Vì chủ yếu làm về vật lý trị liệu, massage nên lượng khách rộng. Trung bình hiện tại từ 7 – 10 khách/ngày, khách từ trưa đến tối, tối thì khách hay vào dồn hoặc người ta hay gọi về nhà làm".
Mặc dù công việc có thể mang lại thu nhập ổn định, nhưng cơ sở cũng phải đối mặt với những trường hợp khách hàng quấy rối hoặc không trả tiền. Đa phần những trường hợp này đều lợi dụng người khiếm thị không nhìn thấy rõ mà hành xử một cách thiếu văn minh.
"Có những trường hợp quấy rối nhưng không phải do bia rượu, chủ yếu xảy ra ở khách nam. Việc quấy rối xảy ra đối với cả nhân viên nam và nữ. Những lúc như vậy thì cơ sở không nhận tiếp khách đó nữa hoặc đổi cho người khác làm, nói chung phụ thuộc vào sự xử lý của nhân viên".
Đối với Lợi - nữ nhân viên tẩm quất duy nhất tại cơ sở, Lợi cũng hiểu rằng việc xử lý các tình huống nhạy cảm này đòi hỏi sự chủ động và kiên nhẫn. em và đội ngũ nhân viên luôn luôn đặt lợi ích và an toàn của mình lên hàng đầu và không chấp nhận việc bị quấy rối trong công việc. Tinh thần này giúp Lợi duy trì môi trường làm việc an toàn.
Với tình thần tích cực và tự lập, Thúy Lợi đang tiến bước mạnh mẽ trong cuộc sống. Dù đã trải qua nhiều khó khăn và thử thách, cô không từ bỏ ước mơ và hi vọng sẽ kiếm được nhiều tiền hơn để tự nuôi bản thân. Cuộc sống của Thúy Lợi chứng tỏ rằng với lòng quyết tâm và nghị lực, mọi khó khăn đều có thể vượt qua, và ngày mai sẽ luôn đẹp hơn với những cánh cửa mới mở ra.