Cô bé lớp 2 viết bài văn tả mẹ cực chân thật, còn kèm theo ảnh minh họa cho sinh động
Một bài văn tả mẹ của cô bé lớp 2 khiến cộng đồng mạng thích thú vì quá đỗi chân thật và dễ thương. Dưới góc nhìn ngây thơ, hồn nhiên của trẻ nhỏ, hình ảnh người mẹ hiện lên vừa 'đời thường', vừa đầy cảm xúc khiến người lớn phải bật cười rồi lặng lẽ suy ngẫm.
Môn Tập làm văn ở bậc tiểu học luôn mang đến những điều bất ngờ thú vị. Trong những dòng văn mộc mạc, đôi khi còn sai chính tả hay vụng về về ngữ pháp, lại ẩn chứa biết bao cảm xúc chân thành, những quan sát ngây thơ nhưng sâu sắc đến không ngờ. Đó là thế giới nhìn qua lăng kính của trẻ thơ – vừa hồn nhiên, vừa đáng yêu.
Bài văn dưới đây là một điển hình như thế: giản dị nhưng khiến người đọc phải mỉm cười, đôi khi còn phải lặng lại để suy ngẫm.
Theo đó, khi nhận được đề bài "tả mẹ em", cô bé lớp 2 đã viết một mạch bài văn dài. Những chi tiết mà bạn nhỏ viết ra vừa chân thật, vừa ngây ngô, phản ánh đúng sự non nớt của lứa tuổi.

Trong mắt của các bạn nhỏ tiểu học, mẹ luôn là người các em yêu quý. Ảnh minh họa
Nguyên văn bài văn tả mẹ của cô bé lớp 2 này như sau:
"Nhà em có nuôi một bà mẹ. Tên là Nga. Mẹ em năm nay 38 tuổi nhưng nhìn mẹ giống như bà ngoại 60 tuổi. Mỗi sáng mẹ thường gọi em dậy để đi học. Nhưng đấy là mẹ người ta. Còn mẹ em thì sáng nào cũng không chịu dậy.
Mỗi lần em nhờ mẹ buộc tóc là mẹ em cứ kêu: "Mẹ nhức tay quá, nhức chân quá". Mẹ có thân hình mũm mĩm như một chú lợn. Bụng mẹ rất mềm y như là slime.
Da mẹ đen do bẩm sinh. Lúc nào cũng cầm trên tay chiếc điện thoại. Mẹ em nấu ăn lúc nào cũng nhạt. Mẹ lại còn rất lùn, chỉ cao 1m55.
Em rất yêu mẹ vì mẹ có một chiếc bụng mỡ đáng yêu".

Bài văn tả mẹ vừa chân thực, vừa hài hước lại còn kèm theo hình ảnh minh họa sinh động. Ảnh: Dân Việt
Đặc biệt, để mọi người dễ hình dung về mẹ, cô bé còn tâm huyết vẽ hình minh họa mẹ bên dưới bài văn. Nét vẽ hồn nhiên và khi đối chiếu với lời văn bên trên thì ai nấy cũng phải gật gù công nhận "quả thật trùng khớp".
Bài văn ngay khi được chia sẻ đã khiến cộng đồng mạng “dậy sóng” vì quá đỗi dễ thương và chân thật. Không cần văn hoa, cô bé chỉ đơn giản ghi lại hình ảnh người mẹ trong mắt mình – một người “mũm mĩm như chú lợn”, “bụng mềm như slime” và “lúc nào cũng cầm điện thoại”. Những chi tiết tưởng như “tố cáo” mẹ lại khiến người đọc bật cười vì quá giống… đời thực.
Đáng nói là, dù lời văn có phần “thẳng thắn đến phũ phàng”, nhưng ẩn sau đó vẫn là tình yêu thương ngây ngô, trong sáng mà cô bé dành cho mẹ. Câu kết “Em rất yêu mẹ vì mẹ có một chiếc bụng mỡ đáng yêu” vừa ngô nghê, vừa cảm động, minh chứng cho thứ tình cảm không cần tô vẽ, không màu mè nhưng lại thật đến tận tim. Qua lăng kính của trẻ nhỏ, mẹ không cần hoàn hảo, chỉ cần gần gũi, ấm áp và có một… “chiếc bụng mỡ” để ôm là đủ.
Và có lẽ, khi tiếng cười qua đi, người mẹ trong câu chuyện cũng sẽ có phần trầm tư hơn, nghiêm túc nghĩ lại về những dòng chữ ngây ngô mà con viết ra. Có thể chị sẽ chợt giật mình nhận ra: trong nhịp sống tất bật mỗi ngày, vì công việc, vì lo toan đủ thứ, đôi khi chị đã để lại trong mắt con những hình ảnh chưa thật đẹp – một người mẹ luôn kêu mệt, thường xuyên ôm điện thoại, hay nấu ăn “nhạt”.
Nhưng chính sự ngây thơ ấy lại là tấm gương phản chiếu chân thật nhất, giúp người lớn nhìn lại bản thân một cách nhẹ nhàng mà thấm thía. Có lẽ từ hôm nay, người mẹ ấy sẽ thay đổi một chút – dậy sớm hơn, buộc tóc cho con nhiều hơn, và… cất điện thoại đi khi ngồi bên mâm cơm gia đình.
Vì đâu đó trong sự “tả thật đến đau lòng” kia, vẫn hiện lên tình yêu đầy trong veo của một đứa trẻ dành cho mẹ – người phụ nữ quan trọng nhất đời mình, dù cao chỉ 1m55 và bụng có hơi nhiều mỡ một chút.