Có biểu hiện lợi ích nhóm trong xây dựng văn bản pháp luật
Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, qua các vụ án tham nhũng, kinh tế, có biểu hiện của lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong xây dựng văn bản pháp luật.
Chiều 21/8, chất vấn đối với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, ĐB Nguyễn Thị Hồng Hạnh (Đoàn TP. Hồ Chí Minh) cho biết, công tác xây dựng pháp luật liên quan đến trách nhiệm của tất cả các bộ, ngành và địa phương. Ngày 27/6/2024, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 178-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật. “Với trách nhiệm là Bộ quản lý ngành trong xây dựng thể chế, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết thời gian qua, có tình trạng lợi ích nhóm, lợi cục bộ trong xây dựng pháp luật hay không?”-bà Hạnh chất vấn.
Trả lời, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, qua các vụ án tham nhũng kinh tế, kết luận của các vụ việc có vi phạm do cơ quan điều tra, cơ quan thanh tra, qua báo chí thì có biểu hiện đó. Một số các quy định soạn thảo, ban hành cần có sự quan tâm. Mức độ đến đâu thì không dám khẳng định.
Theo Phó Thủ tướng, vừa rồi Bộ Chính trị đã ban hành Quy định 178-QĐ/TW quy định về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật. Trong số các quy định mà Bộ Chính trị ban hành trong thời gian vừa qua liên quan đến các lĩnh vực khác nhau: kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, xây dựng pháp luật thì Quy định 178 để kiểm soát quyền lực trong lĩnh vưc xây dựng pháp luật là khó hơn cả. Xuất phát từ đặc thù trong công tác xây dựng pháp luật, xây dựng thể chế đây là một công trình tập thể, và kinh qua các giai đoạn khác nhau, từng ngành cụ thể, rồi lên đến Chính phủ, các Ủy ban của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đặc thù trong công tác xây dựng pháp luật vì là công trình tập thể nên để xác định lỗi của ai thì phải cá thể hóa. Làm sao gắn quan hệ nhân quả, đặc biệt chứng minh được yếu tố vụ lợi trong quá trình làm luật. Đây là vấn đề không phải mắt thường có thể phát hiện được.
Vừa rồi Bộ Tư pháp đã tham mưu cho Chính phủ quán triệt rất kỹ về công tác xây dựng pháp luật, nâng cao nhận thức rõ trong các lĩnh vực dễ bị. Ví dụ như tổ chức bộ máy, tổ chức hành chính, hoặc quy định một cách cố tình để không rõ ràng. Chúng tôi sẽ tiếp tục quán triệt, đồng thời hiện thực hóa vấn đề này trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật mà Bộ đề nghị sửa đổi, bổ sung sắp tới.
Trả lời chất vấn của các đại biểu về việc ban hành văn bản quy định chi tiết, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, tổng số các văn bản Chính phủ và các Bộ cần xây dựng và ban hành là 261 văn bản quy định chi tiết. Đối với 128 văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, nghị quyết đã có hiệu lực. Đến thời điểm này ban hành được 106 văn bản, còn nợ 22 văn bản. So với những năm trước, tiến độ ban hành văn bản tốt hơn.
Về nguyên nhân của việc chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, theo Phó Thủ tướng có những văn bản nội dung khó, mặc dù đã được bàn thảo nhiều lần nhưng chưa có giải pháp.
Do đó đưa ra giải pháp, Phó Thủ tướng nhìn nhận, một trong những giải pháp đặt ra là sửa đổi, bổ sung Quy chế làm việc của Chính phủ theo hướng quy định sát sao hơn và đôn đốc thực hiện tốt hơn cơ quan trình và Văn phòng Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ. Bên cạnh đó, tăng cường các cuộc làm việc trực tiếp để đôn đốc các cấp, các ngành tích cực soạn thảo, ban hành văn bản quy định chi tiết.
Về án hành chính, Phó Thủ tướng thông tin số lượng tăng, tính từ trước đến nay có trên 1.700 bản án hành chính. Trong đó, trách nhiệm của Chính phủ và Bộ Tư pháp chỉ là theo dõi bản án đi vào tòa án nào. Sau khi có bản án, việc tổ chức thi hành ra sao. Một số tỉnh có án hành chính tồn đọng cao như Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Thuận, Đắk Lắk, TP. Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Kiên Giang, Hà Nội.
“Một trong những giải pháp thời gian tới là tăng cường kiểm tra, phối hợp với cơ quan tố tụng tổng kết đánh giá và đề xuất các giải pháp mới khi sửa đổi, bổ sung Luật Tố tụng hành chính”-Phó Thủ tướng cho hay.