Có cần đến lá thăm may mắn
Tôi giật mình khi nghe chuyện Trường Mầm non Hoàng Liệt (Q.Hoàng Mai, Hà Nội) vừa tổ chức để phụ huynh bốc thăm suất học cho trẻ 3 tuổi, năm học 2022 - 2023. Thật ra chuyện các trường công lập ở Hà Nội quá tải hay việc phụ huynh phải xếp hàng từ 0 giờ để nộp hồ sơ đã không còn xa lạ. Nhưng quả thật, nếu ai đó gọi sự kiện này là 'trượt mầm non' thì thật đáng suy ngẫm. Một chuyện bình thường như đi học bỗng khó vậy sao?
Nhìn vào nội dung của lá thăm, có lẽ có các cư dân mạng khó lòng chấp nhận được: "Rất tiếc bé không trúng tuyển vào trường". Hai chữ "trúng tuyển" có thể là thuật ngữ chính xác mà nhà trường đã cân nhắc lựa chọn thay vì các từ "được chọn", hay "được học", "đạt"… nhưng rõ ràng nó gợi lên một áp lực thi cử quá sớm ngay từ vạch xuất phát của một em bé.
Tôi đã từng hỏi một phụ huynh có con thi vào lớp 10 khi con trai anh cũng "rất tiếc" đã không trúng tuyển: "Điều anh sợ nhất lúc biết kết quả của cháu là gì?". Anh ta không cần suy nghĩ nhiều có thể trả lời tôi ngay lập tức: "Là sợ phải nhìn vào mắt con mình". Tôi hiểu cảm giác đó vì ngày xưa, khi không thi đỗ vào trường chuyên, cậu bé bên hàng xóm nhà tôi đã tự "cấm túc" suốt cả tháng trên tầng 3 vì không muốn ai hỏi đến kết quả.
Có lẽ, với các phụ huynh của Trường mầm non Hoàng Liệt hôm nay lại khác. Chỉ có đôi mắt của từng cặp vợ chồng nhìn nhau khi bắt phải hai chữ "Rất tiếc…". Có thể, chính các giáo viên của ngôi trường đó cũng không muốn nhìn vào đôi mắt của các bậc phụ huynh thiếu may mắn kia bởi họ cũng đâu muốn phải soạn một thông báo mà như lời xin lỗi ấy, thấy mình như người có lỗi. Chúng ta rất tiếc cho nhau, nhưng cũng không thể làm khác được. Điều ấy đã vượt ra ngoài khả năng của một nhà trường và biết đâu còn là bài toán khó cho cả ngành giáo dục.
Thực ra Việt Nam cũng đâu phải là nước đang có dân số trẻ. Còn nhớ theo một thống kê năm 2020: "Việt Nam sẽ trải qua giai đoạn dân số già từ 2026 - 2054 khi tỉ lệ người 65 tuổi trở lên chiếm từ 10 - 19,9%". Nhưng nếu nhìn ở các khu vực cụ thể thì mật độ dân số đang là bức tranh tương phản khi năm 2010 dân số phường Hoàng Liệt đã tăng lên đến khoảng 14.000 người thì đến nay đã là 8,5 vạn dân số. Thực ra, sự quá tải của một phường, sự đột ngột dùng đến lá thăm của một trường không thể đại diện cho bức tranh dân số và giáo dục của cả nước nhưng chắc chắn nó sẽ tác động không nhỏ đến dư luận xã hội. Trong các bữa cơm gia đình, ngoài quán nước và mạng xã hội… đang có những bàn thảo sôi nổi, đang có một áp lực khác, dẫu không phải con, cháu ai cũng vào học ngôi trường ấy.
Thực ra, với phụ huynh (nói riêng) và xã hội (nói chung), điều khiến mọi người cảm thấy lo âu chính lại là ám ảnh thua thiệt theo cách nhìn chủ quan của họ. Hội chứng "con nhà người ta" hay những so sánh về sự chênh lệch của chi phí học tập giữa các thế hệ học sinh kiểu "thời chúng tôi", "thời thằng lớn nhà tôi", "ngày trước…"…
Phụ huynh nào cũng thừa biết Trường Mầm non Hoàng Liệt không thể đón khoảng 2.000 em bé tựu trường nhưng tại sao họ đặt cược hên xui vào một lá thăm? Có thể, họ tin đó là giải pháp tình thế nhưng mang tính công bằng. Những ông bố, bà mẹ trẻ đã không còn lạ gì vấn nạn mang tên "chạy trường", "chạy lớp", bởi thế họ coi lá thăm là hy vọng, dù xác suất rất thấp nhưng dù hên - xui cũng vẫn công bằng?
Nhân đây, người viết lại liên tưởng đến một câu chuyện khác: Có người nói với tôi rằng: Chẳng thể tin nổi tại sao một cô gái Việt Nam nhỏ bé như chị Vũ Phương Thanh lại giành chức vô địch thế giới ở một giải đấu khắc nghiệt như Swiss Ultra 2022. Người viết không có ý định cướp lời các chuyên gia thể thao nhưng tin chắc rằng, ngoài thể chất khỏe mạnh và sự rèn luyện thì Vũ Phương Thanh còn cần đến một ý chí kiên cường.
Ý chí ấy đâu chỉ có trong thể thao mà biết đâu cô đã học được nó ở chính môi trường làm việc với sự cạnh tranh khốc liệt nhất. Cô không phải là vận động viên tập luyện gắn bó với sự nghiệp từ đầu mà là một phụ nữ sớm thành đạt nhưng muốn đối đầu với những thử thách.
Điều mà Vũ Phương Thanh làm được không chỉ là một chức vô địch, một tấm huy chương Vàng mà là đạt tới một triết lý: "Động lực lớn nhất của tôi là mong muốn trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình. Tôi muốn truyền tải thông điệp không gì là không thể, để mỗi bạn trẻ có đủ can đảm bước tới. Việc trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình là điều mình luôn luôn giữ vững trong lòng. Tôi hy vọng từ câu chuyện của mình, các bạn trẻ Việt Nam có thể được truyền cảm hứng để vươn xa hơn, bay cao hơn... trở thành niềm tự hào của gia đình, của đất nước".
Chuyện đi tìm lá thăm may mắn của một trường mầm non và sự thành công của cô gái Vũ Phương Thanh hình như cùng mở ra một sự liên tưởng. Vậy "phiên bản tốt nhất của chính mình" là gì? Chiến thắng chính mình mới là điều quan trọng nhất thay vì "đổ xô" đi bon chen theo những xu thế của "nhà người ta". Khi chúng ta còn phải "đi nhờ" trên con đường đến thành công của người khác thì thật khó có thể đến đích.
Còn nhớ, trong "Bốn trụ cột của giáo dục" mà UNESCO nhắc đến (Học để chung sống; học để biết; học để làm và học để tồn tại) thì trụ cột thứ tư hình như không mấy ai chú ý. Với chúng ta, học đương nhiên để có việc làm mang lại thu nhập. Một con người trước hết cần tồn tại, đủ khả năng trang trải các chi phí. Vậy còn khi vật chất đã đảm bảo, thử hỏi có mấy ai còn muốn hướng đến mục tiêu tiếp theo hay bằng lòng dừng lại. Câu trả lời là sẽ rất ít người dám bước ra khỏi vùng an toàn đó để đối diện với thách thức khi đã có cuộc sống yên ấm như Vũ Phương Thanh.
Quay lại câu chuyện bốc thăm để xin cho con học ở Trường Mầm non Hoàng Liệt, có thể chính chúng ta cũng cần đến may mắn như lời kiến trúc sư, nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Phương đã phân tích: "Với sự chênh lệch chi phí đào tạo giữa hệ thống giáo dục công lập và tư thục hiện nay, tình trạng thiếu trường công lập ở các cấp học rõ ràng ảnh hưởng lớn đến quyền bình đẳng học tập của những đứa trẻ sinh ra trong các gia đình hạn hẹp về điều kiện tài chính". Trong những hoàn cảnh cụ thể, may mắn là cơ hội để đạt được điều bình thường nhất chứ đâu phải để hơn người khác. Nhưng rõ ràng, không phải lúc nào "trời sinh voi" tất yếu "trời sẽ sinh cỏ".
Để bám trụ ở đô thị lớn, để mua được một căn hộ chung cư không có nghĩa là bạn có được một combo các cơ hội khác. Khi bị kẹt cứng trên đường tan sở, bạn có bao giờ nghĩ đã từ lâu con đường đó không có chỗ cho bánh xe của mình, nhưng nghĩ đường không của riêng ai nên bạn cứ cố len lỏi. Khi phố xá ngập lụt, bạn chỉ nghĩ đến những người phụ trách tu sửa, xây dựng hệ thống thoát nước đã không hoàn thành nhiệm vụ mà không nghĩ đến sự quá tải. Để thay đổi, cải tạo cuộc sống dĩ nhiên cần đến sự vào cuộc quyết liệt bằng các giải pháp mà các cấp, các ngành đưa ra. Nhưng đồng thời mỗi người dân cũng cần cả những sự tính toán, chọn lựa để không bị rơi vào thế khó như kiểu phải bốc thăm cho con đi học. Hãy chủ động nắm bắt và quyết định cơ hội của mình thay vì phải cần đến lá thăm may mắn…
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/co-can-den-la-tham-may-man-i666618/