Có cần điều chỉnh giá xăng dầu 2 ngày 1 lần? Thuế xăng dầu có giảm được hơn nữa không?
Trong trường hợp xăng dầu có biến động bất thường ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế xã hội và đời sống của người dân thì Bộ Công Thương và Bộ Tài chính sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải: Trong trường hợp xăng dầu có biến động bất thường ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế xã hội và đời sống của người dân thì Bộ Công Thương và Bộ Tài chính sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định. Ảnh VGP/Nhật Bắc
Nguồn cung xăng dầu ở một số nơi cục bộ có khan hiếm
Tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2/2022, báo chí nêu vấn đề: Hiện nay, thị trường xăng dầu có nhiều biến động như mức giá tăng mạnh, bất ổn nguồn cung. Bộ Công Thương đã họp và thống nhất trong trường hợp là nếu giá xăng tăng mạnh sẽ 2 ngày 1 lần báo cáo Chính phủ để xin ý kiến.
Báo chí đặt câu hỏi: Căn cứ nào để Bộ Công Thương có thể đưa ra vấn đề điều chỉnh giá xăng dầu, liệu có cần điều chỉnh 2 ngày 1 lần không? Hiện nay, nguồn cung xăng dầu trên thị trường đã được đảm bảo chưa? Những lo ngại về bất ổn nguồn cung sẽ được tính toán như thế nào?
Trả lời báo chí, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết: Hiện nay, nguồn cung sản xuất trong nước đáp ứng được từ 70% đến 75%, thậm chí có thời gian lên tới 80%. Chủ yếu nguồn cung từ hai nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn (chiếm 35% đến 40%) Bình Sơn (khoảng 35%).
Trong thời gian vừa qua, theo báo cáo, nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn gặp khó khăn về tài chính và một số khó khăn nội tại. Ngay từ đầu tháng 1/2022, nhà máy Nghi Sơn đã phải giảm công suất. Đầu tiên là 90%, sau đó xuống còn 80 %, hiện nay chỉ còn 55% đến 60% công suất thực hiện. Vì vậy, việc giao hàng cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu (các hợp đồng đã được ký kết) giảm so với thỏa thuận giữa 2 bên.
Đặc biệt, tháng 2/2022, nguồn cung từ nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn giảm 43%, theo kế hoạch giao 680.000 m3, nhưng thực tế chỉ giao được 390.000m3. Tương tự như vậy, tháng 3/2022, theo kế hoạch giao 680.000m3 nhưng thực tế giao hàng chỉ có 540.000 m3 (giao được 80%, giảm 20%).
Trong khi đó, nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn dù có chỉ đạo tăng công suất (ở mức cho phép) để bù vào sự thiếu hụt của nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn: Từ 100% lên 103%, từ ngày 7/2 lên tới 105%. Tuy nhiên, mức tăng của nhà máy Bình Sơn là khoảng 5% tương đương 28.000 m3, chưa đủ bù lượng thiếu hụt do nhà máy Nghi Sơn giảm công suất. Vì vậy, nguồn cung xăng dầu ở một số nơi cục bộ có khan hiếm chứ chưa nói là thiếu.
Tăng cường nhập khẩu để bù đắp lượng thiếu hụt
Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết: Hệ thống xăng dầu của chúng ta có nhiều doanh nghiệp đầu mối, đảm bảo đủ, bất cứ một doanh nghiệp, một người dân đến đều mua được xăng dầu. Tuy nhiên, ở toàn miền Bắc, miền Trung là không thiếu, và chỉ có vài tỉnh phía Nam gần biên giới, cá biệt ở Thành phố Hồ Chí Minh thiếu hụt cục bộ.
Ngay từ đầu tháng 1/2022, Bộ Công Thương và Bộ Tài Chính chỉ đạo cho doanh nghiệp đầu mối tăng cường nhập khẩu để bù đắp vào lượng thiếu hụt, cộng với lượng dự trữ thì trong tháng 3/2022 cơ bản đáp ứng được.
Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn cam kết đầu tháng 4/2022 hoạt động 100% công suất. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có thông báo chính thức. Bộ Công Thương đã họp và giao 10 công ty đầu mối kinh doanh xăng dầu có thị phần lớn nhất nhập khẩu để đáp ứng đủ cho thị trường nội địa.
Nếu xăng dầu có biến động bất thường, liên bộ sẽ báo cáo cấp thẩm quyền xem xét, quyết định
Hiện nay tình hình xung đột vũ trang ở Ukraine đã ảnh hưởng đến toàn cầu và nước ta, các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, sắt thép và nhiều mặt hàng khác…
Mức giá dầu thô hiện nay tăng mạnh là chính xác, ngay ngày mùng 2/3 tăng 10 USD/thùng, trong ngày hôm nay (3/3) cũng có mức tăng tiếp. Theo Nghị định 83/NĐ-CP thì 15 ngày điều chỉnh giá xăng, dầu một lần, nhưng theo Nghị định 95/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 2/1/2022 thì 10 ngày điều chỉnh một lần.
Tuy nhiên, trong trường hợp xăng dầu có biến động bất thường ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế xã hội và đời sống của người dân thì Bộ Công Thương và Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.
Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước để hỗ trợ về nguồn vốn, thủ tục cho các doanh nghiệp được phép nhập khẩu xăng dầu được nhanh nhất và thuận lợi nhất.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi: Chính sách phải góp phần bảo đảm lợi ích hài hòa giữa người dân, doanh nghiệp và nhà nước
Bảo đảm lợi ích hài hòa giữa người dân, doanh nghiệp và nhà nước
Liên quan đến vấn đề giá xăng dầu, báo chí đặt câu hỏi: Hiện Bộ Tài chính đang lấy ý kiến các bộ ngành về việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu với mức giảm 1.000 đồng. Doanh nghiệp và người dân thì mong muốn mức giảm sâu hơn. Bộ Tài chính có ý kiến như thế nào về vấn đề này?
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết: Liên quan đến nội dung dự thảo Nghị quyết về điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn cho thời điểm từ nay đến hết năm 2022, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính cũng rất khẩn trương báo cáo Thủ tướng, báo cáo Chính phủ và xin sự chỉ đạo.
Đến ngày hôm nay 3/3, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Hiệp hội Xăng, dầu Việt Nam lấy ý kiến về nội dung dự thảo Nghị quyết.
Những điểm chính như sau: Thứ nhất, về mức thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu, mỡ nhờn thì chúng tôi dự kiến từ ngày Nghị quyết có hiệu lực đến ngày 31/12/2022 như sau: Xăng Ethanol sẽ giảm 1.000 đồng/lít, từ 4.000 đồng xuống 3.000 đồng/lít; Dầu diezen, dầu mazut, dầu nhờn giảm 500 đồng/ lít từ 2.000 đồng xuống 1.500 đồng/lít. Dầu hỏa giảm 500 đồng/lít từ 1.000 đồng xuống 500 đồng/lít. Mỡ nhờn giảm 500 đồng/1kg từ 2.000 đồng xuống 1.500 đồng/1 kg.
Nhiên liệu bay vẫn giữu vì đã được giảm theo Nghị quyết số 13/2021 ngày 31/12/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn sẽ thực hiện từ ngày Nghị quyết có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2022. Từ ngày 01/01/2023, sẽ quy về thực hiện theo quy định tại Nghị quyết 579/2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Về đánh giá tác động của dự thảo Đề án đến ngân sách Nhà nước, sản lượng tiêu thụ xăng, dầu, mỡ nhờn năm 2022 giả định tương đương với năm 2019 thì dự kiến số thu bảo vệ xăng, dầu, thu thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu, mỡ nhờn sẽ giảm một năm khoảng 14.524 tỷ đồng, từ đó sẽ tác động giảm thu ngân sách nhà nước, bao gồm cả thuế giá trị gia tăng vào khoảng 15.976 tỷ đồng và như vậy thu ngân sách Nhà nước bình quân một tháng sẽ giảm 1.331 tỷ đồng.
Nếu tính riêng mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn giảm từ ngày 1/4/ 2022 thì mức giảm thu ngân sách sẽ vào khoảng 11.992 tỷ đồng.
Bộ Tài chính tính toán Nghị quyết này sẽ tác động tới giá bán lẻ xăng, dầu, mỡ nhờn thì đối với xăng, với việc giảm thuế 1.000 đồng thì giá bán lẻ sẽ giảm tương ứng là 1.110 đồng, đối với dầu diezen, mazut, dầu nhờn với mức giảm 500 đồng/lít thì giá bán lẻ tương ứng sẽ giảm 550 đồng/lít, đối với dầu hỏa, việc giảm 500 đồng/ lít thì giá bán lẻ sẽ giảm 550/lít, đối với mỡ nhờn việc giảm 500 đồng/1kg mức giá bán lẻ sẽ giảm tương ứng 550 đồng/1kg.
Về tính toán đến tác động CPI và lạm phát và tăng trưởng kinh tế, thì với giả thuyết là thời gian có hiệu lực của biện pháp giảm thuế bảo vệ môi trường từ ngày 1/4/2022, giá bán lẻ xăng, dầu trong nước ổn định như mức hiện tại trong 9 tháng còn lại của năm 2022 thì tác động của biện pháp giảm thuế sẽ giúp giảm CPI bình quân của cả năm 2022, chúng tôi dự kiến là 0,67%. Tuy nhiên, ở đây việc giảm thuế là số tuyệt đối còn CPI là tương đối và phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác.
Về tác động đến người dân và doanh nghiệp, chính sách góp phần bảo đảm lợi ích hài hòa giữa người dân, doanh nghiệp và nhà nước khi mà giá dầu thô tăng cao, đồng thời góp phần giảm chi phí sản xuất của doanh nghiệp và tiết kiệm chi phí tiêu dùng cho người dân.
Đây chỉ mới là dự thảo đang lấy ý kiến của các bộ, ngành, cơ quan có liên quan. Bộ Tài chính mong các cơ quan báo chí truyền thông rộng rãi và nhận được nhiều ý kiến đóng góp xác đáng để Bộ tiếp tục tổng hợp và báo cáo Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, từ đó có quyết định cuối cùng, làm sao để chính xác và hiệu quả nhất.
Sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ điều tiết giá
Với sự biến động của giá cả, đặc biệt là mặt hàng xăng, ngày 25/2, Ban Chỉ đạo điều hành giá cũng đã họp bàn và thống nhất một số nhóm giải pháp để thực hiện kiềm chế lạm phát và đạt mục tiêu mà Kế hoạch phát triển kinh tế của năm đã được thông qua.
Theo đó, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm và có hiệu quả Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ; ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái về công tác điều hành giá năm 2022 tại Thông báo số 882 ngày 10/2/2022 và cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá. Trong đó có 3 nhóm giải pháp trọng tâm.
Trước tiên là nhóm giải pháp chỉ đạo điều hành, thực hiện giải pháp chủ động, linh hoạt, phối hợp với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, đồng thời góp phần hỗ trợ, tháo gõ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đời sống của người dân chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, tiếp tục kiểm soát lạm phát cơ bản trong năm 2022 để tạo cơ sở cho kiểm soát lạm phát chung.
Tiếp đó, là sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ điều tiết giá theo quy định của pháp luật để kiểm soát giá, bình ổn thị trường, tăng cường triển khai hiệu quả và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá, công khai thông tin về giá, tổ chức thanh tra, kiểm tra chấp hành pháp luật về giá và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháo luật về giá.
Đối với công tác quản lý giá các mặt hàng thiết yếu, các bộ, ngành chủ động theo dõi sát biến động giá cả, cung cầu thị trường thế giới và trong nước để kịp thời ứng phó trong điều hành sản xuất trong nước, cân đối cung cầu và điều hành bình ổn giá phù hợp.
Đối với một số mặt hàng thuộc danh mục Nhà nước định giá thì chưa xem xét điều chỉnh hết quý 2/2022, các bộ, ngành chủ động phối hợp với Bộ Tài chính, Tổng cục Thống kê trong rà soát, tính toán các phương án giá, đánh giá tác động đối với kinh tế-xã hội, mặt bằng giá; chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về chính sách và các văn bản quy phạm pháp luật để chủ động có phương pháp điều hành phù hợp khi có dư địa.
Đối với các mặt hàng thiết yếu, trong đó có xăng, dầu, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính điều hành linh hoạt, đảm bảo giá xăng, dầu trong nước, bám sát diễn biến giá xăng, dầu thành phẩm trên thế giới, sử dụng quỹ bình ổn giá thích hợp góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của người dân.
Đồng thời, liên bộ sẽ cập nhật thường xuyên giá xăng, dầu trong ngắn hạn và dài hạn để chủ động trong công tác điều hành, chủ động các biện pháp phù hợp để cung ứng xăng, dầu và đảm bảo nguồn cung.
Bộ Y tế theo dõi giám sát các mặt hàng trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch để có các biện pháp bình ổn giá theo quy định tại Luật Giá và Nghị định 198/NĐ-CP của Chính phủ, đồng thười Bộ Y tế triển khai Nghị quyết số 12/2021 ngày 30/12/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách lĩnh vực y tế để phục vụ phòng chống dịch đối với các loại test, kit, xét nghiệm…
Đối với các mặt hàng khác như điện, thực phẩm, phân bón, thức ăn chăn nuôi,... thực hiện theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.
Nhóm giải pháp nữa là thông tin, tuyên truyền, các bộ, ngành căn cứ vào nhiệm vụ, chức năng thực hiện thực hiện công khai thông tin liên quan đến bình ổn giá./.