Có cần thiết cấp căn cước công dân cho trẻ mới sinh?
Trong hồ sơ dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) gửi tới Bộ Tư pháp thẩm định, Bộ Công an đã tiếp thu và chỉnh lý bổ sung một số nội dung.
Mới đây, Bộ Công an đã gửi hồ sơ dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) tới Bộ Tư pháp thẩm định.
Bổ sung quy định về việc tích hợp một số thông tin khác của công dân vào thẻ căn cước công dân
Theo Bộ Công an, công dân có nhiều loại giấy tờ khác nhau do cơ quan, tổ chức cấp như thẻ căn cước công dân, thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, đăng ký phương tiện, giấy phép lái xe, thẻ cán bộ, công chức, viên chức, thẻ học sinh, sinh viên, thẻ hành nghề, văn bằng, chứng chỉ... Việc có quá nhiều loại giấy tờ khác nhau được cơ quan, tổ chức cấp cho công dân gây ra khó khăn nhất định cho công dân trong bảo quản, sử dụng, nhất là trong thực hiện các thủ tục hành chính, sử dụng các tiện ích, dịch vụ công; không phù hợp với xu hướng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý Nhà nước, hoạt động xã hội đang ngày càng phát triển ở nước ta.
Trong khi đó, Luật Căn cước công dân không có các quy định về việc tích hợp, khai thác, sử dụng thông tin trên thẻ căn cước công dân (bao gồm thông tin về căn cước công dân và các thông tin trên giấy tờ khác của công dân được tích hợp vào thẻ Căn cước công dân qua chíp điện tử và mã QR code) nên việc phát triển các ứng dụng, dịch vụ tiện ích của thẻ căn cước công dân vào giao dịch dân sự, thực hiện chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính còn gặp nhiều khó khăn, thiếu đồng bộ, thống nhất; nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương chưa tham gia triển khai hoạt động chuyển đổi số, giảm thiểu giấy tờ cho công dân vì đây không phải là nội dung được quy định trong luật.
Bổ sung quy định về việc tích hợp các thông tin có tính ổn định, được sử dụng thường xuyên của công dân (ngoài thông tin về căn cước công dân) vào thẻ Căn cước công dân (qua chíp điện tử trên thẻ Căn cước công dân và mã QR code) để giúp giảm giấy tờ cho công dân, tạo thuận lợi cho công dân trong thực hiện giao dịch dân sự, thực hiện chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính như: thông tin về thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, văn bằng, chứng chỉ, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn hoặc giấy tờ khác thuộc lĩnh vực quản lý của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
Những thông tin được tích hợp vào thẻ Căn cước công dân có giá trị sử dụng tương đương với việc xuất trình các giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp có thông tin được tích hợp.
Gửi ý kiến góp ý cho dự án luật, Bộ Tư pháp đề nghị cơ quan lập đề nghị cân nhắc không xác định đây là một chính sách vì việc bổ sung một số thông tin khác của công dân vào thẻ Căn cước công dân là phù hợp với xu hướng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý Nhà nước hiện nay.
Tuy nhiên, các thông tin được bổ sung cần phải bảo đảm nguyên tắc “Căn cước công dân là thông tin cơ bản về lai lịch, nhân dạng của công dân; nhân dạng là đặc điểm cá biệt và ổn định bên ngoài của một người để phân biệt người này với người khác” (Điều 3 Luật Căn cước công dân).
Việc quy định bổ sung những thông tin như: đăng ký phương tiện hoặc các giấy tờ liên quan đến sở hữu tài sản… là không phù hợp với nguyên tắc nêu trên. Bên cạnh đó, việc lựa chọn giải pháp “các thông tin được tích hợp sẽ thay thế việc sử dụng một số loại giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp chứa thông tin đã được tích hợp” mà cơ quan lập đề nghị lựa chọn sẽ không bảo đảm được tính ổn định của hệ thống pháp luật (phải sửa đổi nhiều văn bản ở tầm luật như Luật Giao thông đường bộ, Luật Đất đai…), phát sinh nhiều tác động tiêu cực về mặt kinh tế cả với cơ quan Nhà nước cũng như tổ chức, doanh nghiệp, cũng như không tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong thực hiện giao dịch dân sự, quan hệ pháp luật hành chính Nhà nước (ví dụ như thông tin đăng ký phương tiện không thể thay thế được đăng ký xe khi có yêu cầu kiểm tra (Điều 58 Luật Giao thông đường bộ).
Bên cạnh đó, hiện nay, liên quan đến quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan Nhà nước đã được quy định cụ thể tại Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ quy định quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước. Như đã nêu ở tiểu mục a mục 3.2 Công văn, nội dung chính sách mới chỉ thể hiện theo hướng là biện pháp kỹ thuật đã được xác định cụ thể tại Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”.
Chung quan điểm, Bộ Ngoại giao cho rằng, thông tin tích hợp không hiển thị trên thẻ, cần phải có thiết bị đọc, có kết nối với cơ sở dữ liệu nên đề nghị chỉ nên xem xét bổ sung các dữ liệu thông tin mang tính ổn định, lâu dài, ít thay đổi. Đồng thời, làm rõ việc tích hợp các thông tin khác vào thẻ Căn cước công dân có đồng nghĩa với việc bổ sung các thông tin đó vào Cơ sở dữ liệu căn cước công dân và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư không; việc thay thế một số loại giấy tờ sau khi đã tích hợp có cần thiết không? Vì hiện nay trong một số giao dịch vẫn cần có bản chính của một số giấy tờ.
Giải đáp các thắc mắc trên, Bộ Công an cho biết đã tiếp thu và chỉnh lý tại chính sách 1 của Báo cáo đánh giá tác động theo hướng chỉ tích hợp những thông tin có tính ổn định lâu dài và được thực hiện khi công dân làm thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân và có đề nghị tích hợp thông tin.
Đề xuất thu thập ADN, giọng nói làm cơ sở dữ liệu căn cước công dân
Trong hồ sơ gửi tới Bộ Tư pháp thẩm định, Bộ Công an đề xuất 23 nhóm thông tin sẽ được thu thập trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư gồm: Họ, chữ đệm và tên khai sinh; số định danh cá nhân; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; nơi đăng ký khai sinh; quê quán; dân tộc; tôn giáo; quốc tịch (Việt Nam); tình trạng hôn nhân; nơi thường trú; nơi tạm trú; tình trạng khai báo tạm vắng; nơi ở hiện tại; quan hệ với chủ hộ; nhóm máu; số chứng minh nhân dân/căn cước công dân, ngày cấp, nơi cấp, thời hạn có giá trị sử dụng;
Họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân hoặc số chứng minh nhân dân, quốc tịch của cha, mẹ, vợ, chồng hoặc người đại diện hợp pháp; họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân hoặc số chứng minh nhân dân của chủ hộ và các thành viên hộ gia đình; ngày, tháng, năm chết hoặc mất tích; người giám hộ, người được giám hộ; thông tin về diện chính sách (như lao động, thương binh, xã hội; giáo dục, y tế, bảo hiểm); thông tin khác của công dân được chia sẻ từ cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác.
Đối với Cơ sở dữ liệu căn cước công dân thì ngoài những thông tin trên, Bộ Công an đề xuất thu thập thêm thông tin về đặc điểm nhân dạng; thông tin sinh trắc học (ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt, ADN, giọng nói); họ, tên gọi khác; nghề nghiệp, trừ quân nhân tại ngũ; trình độ học vấn; ngày, tháng, năm công dân thông báo mất chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân; thông tin tài khoản định danh điện tử (có hoặc không có).
Gửi ý kiến góp ý cho dự án luật, Bộ Quốc phòng đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc việc bổ sung các thông tin sinh trắc học vào Căn cước công dân.
Chung quan điểm, Bộ Tư pháp thấy rằng việc bổ sung các nhóm thông tin để bảo đảm quản lý được toàn bộ dân cư sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác hoạch định chính sách, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội là thực sự cần thiết.
Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi của giải pháp, Bộ Tư pháp đề nghị Bộ Công an có đánh giá đầy đủ tác động, chi phí và lộ trình thực hiện đối với nội dung đề xuất bổ sung một số nhóm thông tin vào cơ sở dữ liệu căn cước gồm thông tin sinh trắc học.
Bộ Tư pháp đề nghị giải trình và cân nhắc kỹ việc lựa chọn các yếu tố thuộc thông tin sinh trắc học để thu thập cho phù hợp với yêu cầu, mục đích của căn cước công dân. Việc bổ sung thông tin về ADN là cần cân nhắc kỹ tính khả thi trong việc lấy mẫu, xác định nội dung với việc bảo mật các thông tin này do liên quan trực tiếp tới các quyền nhân thân của con người.
Bộ Ngoại giao cũng đề nghị cơ quan soạn thảo dự án luật rà soát bổ sung một số nhóm thông tin trong cơ sở dữ liệu căn cước công dân và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm bảo đảm quyền con người, quyền bảo đảm bí mật cá nhân trong Hiến pháp, các quy định pháp luật khác của Việt Nam cũng như các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Đồng thời, đánh giá kỹ năng lực bảo vệ thông tin của người dân trong hệ thống cơ sở dữ liệu nêu trên trong trường hợp bị tin tặc tấn công, tránh trường hợp bị lộ lọt thông tin cá nhân.
Giải đáp các thắc mắc trên, Bộ Công an cho biết đã tiếp thu một số ý kiến của Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao và chỉnh lý theo hướng bổ sung một số nhóm thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư gồm: Thông tin về số chứng minh nhân dân của công dân, ngày cấp, nơi cấp; người giám hộ, người được giám hộ; thông tin về diện chính sách; thông tin về Người gốc Việt Nam.
Chỉnh lý Cơ sở dữ liệu căn cước công dân thành Cơ sở dữ liệu căn cước.
Bổ sung một số nhóm thông tin vào Cơ sở dữ liệu căn cước gồm: Thông tin sinh trắc học (mống mắt, ADN, giọng nói). Việc thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt, ADN, giọng nói chỉ áp dụng đối với một số người có tiền án, tiền sự phục vụ công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật (quy định này tương đồng với quy định của nhiều nước trên thế giới như Trung Quốc, Mỹ, Anh, Pháp, Singapore, Hàn Quốc…); những thông tin này do các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan quản lý người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính (đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện bắt buộc…) thu thập trong quá trình xử lý vi phạm pháp luật và được chuyển cho cơ quan quản lý Căn cước công dân để cập nhật vào Cơ sở dữ liệu căn cước công dân.
Bổ sung thông tin về Người gốc Việt Nam; tài khoản định danh điện tử của công dân Việt Nam (có hoặc không có).
Nhiều ý kiến trái chiều về đề xuất cấp Căn cước công dân cho trẻ dưới 14 tuổi
Cũng trong hồ sơ dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi), Bộ Công an đề xuất bổ sung quy định về quản lý, cấp thẻ Căn cước công dân cho công dân Việt Nam dưới 14 tuổi.
Đối với trẻ em mới sinh, việc cấp thẻ Căn cước công dân được thực hiện đồng thời trong thủ tục liên thông khi đăng ký khai sinh. Người dưới 14 tuổi cấp thẻ Căn cước công dân theo nhu cầu (không bắt buộc). Thẻ Căn cước công dân phải được đổi khi công dân đủ 6 tuổi, 14 tuổi, 25 tuổi, 40 tuổi và đủ 60 tuổi.
Bộ Công an cho rằng việc cấp thẻ Căn cước công dân cho công dân dưới 14 tuổi bảo đảm tính khả thi khi hiện nay đã có sự thay đổi về công nghệ thu nhận sinh trắc học của cá nhân. Trong đó, đối với vân tay thì sử dụng bộ thu nhận vân tay điện tử thay thế cho sử dụng mực lăn tay, chỉ bản nên có thể thực hiện thu nhận được vân tay của người từ đủ 5 tuổi trở lên vẫn bảo đảm yêu cầu về đối sánh dữ liệu sinh trắc học và yêu cầu quản lý Nhà nước.
Đối với việc thu nhận thông tin sinh trắc học về ảnh khuôn mặt thì có thể thu nhận được đối với tất cả cá nhân (bao gồm cả người dưới 14 tuổi). Thực tế việc thu nhận ảnh khuôn mặt đã được áp dụng và quy định trong việc cấp thị thực cho cả trẻ em dưới 14 tuổi tại khoản 2 Điều 7 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Như vậy, đối với công dân dưới 6 tuổi thì được cấp thẻ Căn cước công dân bao gồm: Các thông tin về số thẻ Căn cước công dân, họ, chữ đệm và tên khai sinh, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, quê quán, nơi thường trú; ngày, tháng, năm hết hạn; ngày, tháng, năm cấp thẻ; họ, chữ đệm và tên, chức danh, chữ ký của người cấp thẻ; chíp, mã QR code chứa thông tin của công dân (không có thông tin về ảnh khuôn mặt và vân tay).
Đối với công dân từ đủ 6 tuổi trở lên (độ tuổi bắt đầu nhập học tiểu học) được cấp thẻ Căn cước công dân bao gồm đầy đủ thông tin theo quy định chung của luật, bao gồm cả ảnh khuôn mặt và vân tay.
Bộ Công an khẳng định, việc cấp thẻ Căn cước công dân cho công dân dưới 14 tuổi phù hợp với quy định pháp luật về xuất nhập cảnh và các quy định pháp luật khác có liên quan. Việc này cũng phù hợp với pháp luật của nhiều nước trên thế giới quy định về việc cấp thẻ Căn cước cho cả công dân dưới 14 tuổi như: Algeria, Argentina, Bỉ, Bhutan, Brunei, Chile, Colombia, Síp, Equatorial Guinea, Đức, Guatemala, Kuwait, Malaysia, Bồ Đào Nha, Rwanda, Syria, Thái Lan…
Góp ý về chính sách này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đề nghị cân nhắc có cần thiết phải cấp thẻ Căn cước công dân cho người dưới 14 tuổi. Thẻ Căn cước công dân có nhiều thông tin cá nhân, tuy nhiên đối tượng trẻ em lại chưa đủ nhận thức để bảo mật thông tin, nên sẽ có nhiều rủi ro bị thất lạc thẻ, lộ lọt thông tin nhạy cảm.
UBND tỉnh Thái Bình và Công an tỉnh Thái Bình cũng đề nghị xem xét giữ nguyên quy định cấp Căn cước công dân cho công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên như hiện nay.
Chung quan điểm, Bộ Tư pháp phân tích, thông lệ quốc tế và pháp luật trong nước (Bộ luật dân sự, Luật Hộ tịch, Luật Trẻ em…) thì Giấy khai sinh luôn là văn bản hộ tịch gốc, quan trọng do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp cho công dân ngay thời điểm sinh ra, khẳng định sự ra đời, tồn tại của một cá nhân và có giá trị suốt đời. Trong đó đã có những thông tin cơ bản như họ, chữ đệm, tên; giới tính; ngày, tháng, năm sinh; họ, chữ đệm, tên, năm sinh của cha, mẹ…
Giấy khai sinh đã và đang làm cơ sở để thực hiện các quyền thiết yếu khác của trẻ em như đăng ký hộ khẩu thường trú, bảo hiểm y tế…
Đối với trẻ em dưới 14 tuổi khi nhân dạng (đặc điểm cá biệt để phân biệt cá nhân) chưa rõ ràng, ổn định thì Giấy khai sinh có giá trị như giấy tờ tùy thân được sử dụng trong nhiều hoạt động như: xác định mối quan hệ cha, mẹ, con, học hành, đi lại...
Hơn nữa, Điều 3 Luật Căn cước công dân quy định "Căn cước công dân là thông tin cơ bản về lai lịch, nhân dạng của công dân". "Nhân dạng là đặc điểm cá biệt và ổn định bên ngoài của một người", để phân biệt người này với người khác.
Như vậy, trẻ em từ khi sinh ra đến dưới 14 tuổi, là lứa tuổi phát triển mạnh, nhanh nên các đặc điểm nhân dạng chưa ổn định, trong khi trẻ em đã có Giấy khai sinh để sử dụng nên việc cấp thẻ Căn cước công dân cho trẻ em là không cần thiết, gây tốn kém, lãng phí cho cả Nhà nước và công dân, nhất là khi thẻ Căn cước công dân phải được đổi khi công dân đủ 6 tuổi, 14 tuổi. Do đó, đối với công dân dưới 14 tuổi, việc cấp Căn cước công dân là chưa bảo đảm phù hợp với tính chất và quy định nêu trên về căn cước công dân.
Qua nghiên cứu kinh nghiệm của các quốc gia quản lý dân cư thông qua phương thức cấp Căn cước công dân, Bộ Tư pháp cho biết, một số nước đều cấp thẻ cho những người đã phát triển ở độ tuổi nhất định. Ví dụ như ở các quốc gia Hà Lan, Bỉ thì độ tuổi cấp căn cước là 12 tuổi trở lên, khi đặc điểm nhân dạng đã khá ổn định, ít thay đổi.
Luật Hộ tịch năm 2014 quy định thẩm quyền đăng ký khai sinh và cấp Giấy khai sinh do UBND cấp xã/UBND cấp huyện thực hiện đăng ký khai sinh và cấp Giấy khai sinh cho trẻ em sinh ra ở trong nước; cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đăng ký khai sinh và cấp Giấy khai sinh cho trẻ em là công dân Việt Nam sinh ra tại nước ngoài. Còn theo quy định của Luật căn cước công dân thì thẩm quyền cấp thẻ Căn cước công dân thuộc cơ quan công an.
Hiện nay, trẻ em được sinh ra ở nước ngoài, có quốc tịch Việt Nam được đăng ký khai sinh nhưng chưa được cấp Số định danh cá nhân như trẻ em được đăng ký khai sinh ở trong nước. Do đó, việc đề xuất cấp thẻ Căn cước công dân cho trẻ em mới sinh đồng thời trong thủ tục liên thông khi đăng ký khai sinh sẽ làm phát sinh thêm thời gian, thủ tục hành chính và không khả thi hoặc khó thực hiện liên thông đối với trường hợp đăng ký khai sinh tại Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Từ phân tích đó, Bộ Tư pháp cho rằng việc cấp thẻ Căn cước công dân cho công dân dưới 14 tuổi là không cần thiết, gây tốn kém, lãng phí và phát sinh thêm thủ tục hành chính đối với người dân và đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ đề xuất này.
Tuy nhiên, trong hồ sơ dự án luật gửi tới Bộ Tư pháp thẩm định, Bộ Công an nêu rõ: Không tiếp thu vì bổ sung quy định về quản lý, cấp thẻ Căn cước công dân cho công dân Việt Nam dưới 14 tuổi là cần thiết (hiện nay có khoảng 20 triệu người). Đối với trẻ em mới sinh, việc thực hiện cấp thẻ Căn cước công dân được thực hiện đồng thời trong thủ tục liên thông khi đăng ký khai sinh, phục vụ công tác quản lý Nhà nước; phát huy giá trị, tiện ích của thẻ Căn cước công dân trong hoạt động của Chính phủ số, xã hội số.
Đối với đề nghị của Công an tỉnh Thừa Thiên Huế về giải pháp thực hiện chính sách, đề nghị bổ sung thêm hình thức đa dạng và thích hợp như: Tích hợp căn cước công dân của công dân 14 tuổi vào Định danh điện tử (Căn cước điện tử) của bố, mẹ hoặc người giám hộ có đề nghị sẽ được cấp thẻ Căn cước công dân theo quy định của Luật Căn cước công dân. Bô Công an cho biết đã tiếp thu và sẽ nghiên cứu để chỉnh lý bổ sung vào dự thảo Báo cáo đánh giá tác động của chính sách.