Có cần thiết cho học sinh dùng điện thoại trên lớp?
Không nên sử dụng điện thoại khi đến trường vì nó như 'con dao 2 lưỡi' hay chỉ được sử dụng điện thoại khi giáo viên cho phép... là những quan điểm, góc nhìn xoay quanh việc sử dụng điện thoại của học sinh trong trường học. Tất nhiên, trong môi trường giáo dục, ở bất kỳ trường học nào cũng cần có một sự tính toán cho vấn đề này. Song, tìm được tiếng nói chung là điều không dễ...
Về “giờ học không điện thoại”...
Như thường lệ, trước giờ vào học, Đinh Thị Huyền Trang, lớp trưởng lớp 12C4 Trường THPT Lê Văn Hưu (Thiệu Hóa) lại đặt chiếc hộp sắt lên bàn để các bạn trong lớp bỏ điện thoại vào đấy. Sau đó, em cất hộp vào hộc tủ của giáo viên đồng thời khóa hộp gỗ, khóa tủ. “Trong suốt thời gian học trên lớp, các bạn không được sử dụng điện thoại và em sẽ gửi lại cho các bạn sau giờ tan học”, lớp trưởng Huyền Trang cho biết.
Không chỉ lớp 12C4 mà tất cả các lớp học ở Trường THPT Lê Văn Hưu đều thực hiện quy định này, bắt đầu từ năm học 2023-2024. Đây được xem là giải pháp hoàn toàn hợp lý.
“Không có lửa làm sao có khói”. Ở Trường THPT Lê Văn Hưu, trước năm học 2023-2024, đã từng xảy ra tình trạng học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học, ngoài giờ lên lớp. Đáng tiếc, việc sử dụng chủ yếu phục vụ sở thích cá nhân hoặc các em chơi điện tử, hoặc nhắn tin rủ đánh nhau, thậm chí có những em lấy clip nhạy cảm của 1 người nào đó rồi ghép mặt của bạn ở trường vào nhân vật trong clip. Học sinh sa sút, mất tập trung trong học tập, nguyên nhân phần lớn cũng từ chiếc điện thoại thông minh.
Là giáo viên chủ nhiệm lớp 12C4, thầy giáo Trần Hùng Chỉnh có nhiều kỷ niệm liên quan đến việc sử dụng điện thoại của học sinh. Nhớ nhất là sự việc xảy ra ở cuối năm lớp 10, năm học 2022-2023. Thầy Trần Hùng Chỉnh nhớ lại: “Tôi làm chủ nhiệm từ năm lớp 10. Vì vậy, nắm bắt khá rõ việc sử dụng điện thoại trong lớp của học sinh. Có những em dùng điện thoại để chơi điện tử hoặc “tài xỉu”, một trò chơi đánh bạc. Tôi biết ở lớp có một nhóm học sinh thường xuyên chơi “Liên Minh Huyền Thoại”. Nhóm này được thành lập từ năm lớp 9. Khi lên lớp 10 các em vẫn duy trì nhóm. Dù biết nhưng nếu không có chứng cứ cũng khó xử lý...”.
Xử lý như thế nào thì thầy giáo Chỉnh lại phải nghĩ “kế sách”. Trong nhóm, có một số học sinh chơi ít hơn và thầy Chỉnh sẽ nhờ chính những học sinh này theo dõi tình hình của các bạn còn lại. Một lần, vào lúc 24 giờ, thầy nhận được báo cáo, nhiều bạn trong nhóm đang trùm chăn để chơi “Liên Minh Huyền Thoại”. “Tôi lúc đấy liền gọi cho tất cả phụ huynh của học sinh có liên quan. Một số phụ huynh thảng thốt nói rằng, tôi nhầm vì con họ đã tắt điện đi ngủ, có camera làm chứng. Nhưng chỉ vài giây sau đó, khi kiểm chứng thì mới hay con họ vẫn đang thức trong chăn...”, thầy Trần Hùng Chỉnh kể tiếp câu chuyện.
Sau sự việc đó, vấn đề sử dụng điện thoại để chơi trong giờ học ở lớp 12C4 có giảm nhưng chưa triệt để. Hiệu quả phải bắt đầu từ năm học 2023-2024, khi có quy định về “giờ học không điện thoại” được triển khai, thực hiện tại tất cả các lớp học ở Trường THPT Lê Văn Hưu.
Sử dụng không lạm dụng
Tại Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15/9/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định: “Học sinh không được sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép”. Tại Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH ngày 18/12/2020 về hướng dẫn giáo viên và các nhà trường quản lý, khai thác và sử dụng thiết bị dạy học (trong đó có điện thoại di động) cũng nêu rõ: “Không bắt buộc học sinh phải trang bị điện thoại di động để phục vụ học tập. Việc cho phép học sinh sử dụng điện thoại di động trong lớp học để hỗ trợ hoạt động học do giáo viên trực tiếp giảng dạy môn học quyết định...”.
Đối chiếu quy định, sử dụng điện thoại trong trường học không hoàn toàn cấm nhưng phải sử dụng đúng mục đích là phục vụ học tập và có sự giám sát của giáo viên.
Như trên đã đề cập, về cách quản lý điện thoại di động của học sinh ở Trường THPT Lê Văn Hưu (Thiệu Hóa). Nhận thấy sự ảnh hưởng nghiêm trọng của điện thoại đến học tập, hành vi, lối sống nên ban giám hiệu nhà trường đã đưa ra giải pháp, mỗi lớp có một hộp gỗ hoặc sắt để cất giữ điện thoại của học sinh trong suốt thời gian học trên lớp. Tất nhiên, giải pháp đưa ra được lãnh đạo đến tập thể giáo viên và phụ huynh học sinh thống nhất cao. Nhưng theo Phó hiệu trưởng Nguyễn Văn Chế thì vẫn có những câu hỏi được đặt ra. Thầy Chế cho biết: “Như nếu có vấn đề gì liên quan đến học sinh, gia đình thì làm cách nào để liên hệ? Chúng tôi sẽ cho số điện thoại của lãnh đạo nhà trường và đồng chí bí thư đoàn trường để gia đình gọi đến hoặc học sinh gọi về... Hoặc có môn học cần sử dụng điện thoại thì giáo viên phải thông báo trước với ban giám hiệu và yêu cầu giáo viên đó phải quản lý chặt chẽ học sinh...”.
Tuy nhiên, ở Trường THPT Hậu Lộc I (Hậu Lộc) cách làm hoàn toàn ngược lại. Quan điểm của lãnh đạo nhà trường, không thu điện thoại của học sinh với điều kiện, học sinh không sử dụng một cách tự do, tùy tiện chỉ khi giáo viên cho phép. Trong trường hợp, học sinh vi phạm nội quy thì không chỉ cá nhân mà tập thể lớp cũng phải chịu trách nhiệm. Còn tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Phú Xuân (Quan Hóa), cô giáo Phạm Thị Dung, Tổng phụ trách đội, cho biết: “Cấm thì không nhưng gần như nhà trường không cho học sinh mang điện thoại đến lớp, chỉ khi có môn học nào cần dùng thì giáo viên sẽ thông báo cho học sinh mang đi”.
Không cấm mang điện thoại đến trường nhưng điện thoại có thực sự cần thiết phục vụ việc học trên lớp? Về vấn đề này, cô giáo Bùi Thị Thu, giáo viên môn tiếng Anh, Trường THPT Hậu Lộc I (Hậu Lộc) cho rằng: “Học sinh có được sử dụng điện thoại còn phải phụ thuộc vào môn học, giờ học. Tôi ví dụ môn tiếng Anh, trong giờ kỹ năng đọc, học sinh có thể gặp nhiều từ mới mà những từ này các em chưa được tiếp cận thì cũng có thể cho phép các em sử dụng điện thoại trong 5-7 phút để tra từ dưới sự kiểm soát của giáo viên”. Lý do phải dùng điện thoại để tra từ mới, theo cô giáo Thu, vì trước đây tra từ điển bằng sách có nhược điểm cồng kềnh, không cập nhật từ vựng liên tục còn sử dụng điện thoại sẽ nhanh hơn, vốn từ phong phú hơn và mang tính thời sự.
Được sử dụng trong điều kiện cho phép, sử dụng mà không lạm dụng, quan trọng vẫn là cách quản lý...