Có cần thiết phải tổ chức thi thử tốt nghiệp trung học phổ thông?
Ngày thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2023 đang đến gần, những kỳ thi thử ngày càng dồn dập với nhiều ý kiến trái chiều.
Thi thử tốt nghiệp là "bước đệm" cho kỳ thi thật
Trao đổi với Tạp chí Công dân và Khuyến học, thầy Nguyễn Tiến Thạch - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Hà Huy Tập (Hà Tĩnh) cho biết, trường đang tập trung dạy và học để hoàn thành chương trình cho học sinh lớp 12.
Khi kết thúc chương trình chính khóa, thầy và trò sẽ bước vào giai đoạn nước rút ôn tập. Trường phân học sinh theo từng nhóm để đảm bảo việc ôn tập đạt chất lượng, hiệu quả.
"Giáo viên lưu ý, quan tâm, giúp đỡ nhiều hơn đối với nhóm học sinh yếu kém. Nhóm học sinh khá giỏi sẽ được tăng cường luyện đề, giúp các em phát huy khả năng, trúng tuyển vào trường mình mong muốn", thầy Nguyễn Tiến Thạch nói.
Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Hà Huy Tập thông tin, theo kế hoạch của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh, để chuẩn bị điều kiện tốt nhất cho học sinh khối 12 bước vào kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, dự kiến ngày 12-13/4 Sở sẽ tổ chức thi thử tốt nghiệp.
Về phía nhà trường, khoảng tháng 5 tới đây, trường cũng tổ chức thêm một đợt thi thử giúp các em rèn luyện các kỹ năng, tâm lý và tránh được những sai sót không đáng có cho kỳ thi tốt nghiệp chính thức.
Thầy Nguyễn Tiến Thạch đánh giá, thi thử tốt nghiệp thực sự cần thiết đối với học sinh lớp 12. Đây là "bước đệm" giúp các em làm quen với quy chế và không khí nghiêm ngặt của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Không những vậy, từ kết quả của kỳ thi này, giáo viên sẽ có căn cứ đánh giá năng lực của học sinh và xây dựng kế hoạch ôn tập phù hợp cho học sinh trong thời điểm nước rút.
"Đây là hoạt động nhà trường thực hiện hiệu quả trong nhiều năm qua. Kỳ thi thử được tổ chức trên tinh thần tự nguyện. Công tác coi thi, xếp phòng thi, số báo danh được triển khai nghiêm túc như một kỳ thi chính thức để học sinh làm quen, chuẩn bị tinh thần, tâm lý.
Kết quả thi thử không lấy vào điểm học tập nên không gây áp lực đối với học sinh", vị hiệu trưởng này nhấn mạnh.
Trong hai ngày 7 và 8/4, toàn bộ học sinh lớp 12 ở Hà Nội sẽ làm bài thi khảo sát theo đề chung, được tổ chức tương tự như kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, việc tổ chức kiểm tra khảo sát theo đề chung, chung thời gian như trên nhằm đánh giá chất lượng giáo dục đối với học sinh cuối cấp trung học phổ thông và cũng là đợt tập dượt để thực hiện nhiệm vụ ở kỳ thi tốt nghiệp sắp tới với số lượng thí sinh đông nhất cả nước.
Thi thử tự nguyện, không ép buộc
Nêu quan điểm về việc tổ chức thi thử tốt nghiệp, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận định: Về mặt tích cực, kỳ thi thử giúp cho học sinh tập dượt tâm lý phòng thi, làm quen với cách thi, dạng bài thi. Khi đi thi thật các em không còn bỡ ngỡ.
Kỳ thi thử nếu được tổ chức nghiêm túc ở tất cả các khâu sẽ mang lại lợi ích thực sự cho học sinh trước khi bước vào kỳ thi chính thức. Tuy nhiên, nếu tổ chức thi thử để thu tiền của học sinh với động cơ tiêu cực thì phải phê phán, lên án.
"Các trường tổ chức thi thử không cần làm quá rầm rộ, dựa trên tinh thần tự nguyện, không ép buộc, làm vì lợi ích của học sinh.
Những quy định từ khâu ra đề thi, coi thi, chấm thi… nên vận dụng theo quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông hiện hành, bảo đảm trung thực, khách quan đánh giá đúng chất lượng bài thi của thí sinh", Tiến sĩ Lê Viết Khuyến nói.