Cơ cấu lại để chi tiêu công ngày càng hiệu quả
Thời gian qua, cùng với việc cơ cấu lại một bước các khoản thu, thì chi ngân sách đã ngày càng theo hướng tiết kiệm, hiệu quả, không có khoản chi nào ra khỏi kho bạc nếu không có dự toán.
Nhờ đó, khi năm 2020 gặp nhiều khó khăn, ngân sách nhà nước đã có dư địa để chi cho các nhiệm vụ quan trọng cấp bách phát sinh. Thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục cơ cấu lại ngân sách để chi tiêu công ngày càng hiệu quả hơn.
Triệt để tiết kiệm chi thường xuyên
Thời gian qua, quy mô chi ngân sách nhà nước (NSNN) đã được quản lý trong phạm vi thu ngân sách và giảm dần bội chi; tỷ trọng chi NSNN đã giảm dần, bình quân giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 28% GDP (giai đoạn 2011 - 2015 là 29,5% GDP). Chi NSNN đảm bảo theo đúng các mục tiêu ưu tiên phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016 - 2020, tiết kiệm, hiệu quả, góp phần nâng cao kỷ luật, kỷ cương tài chính ngân sách; ưu tiên thực hiện các chủ trương, định hướng lớn của Đảng và Nhà nước.
Cơ cấu chi tiếp tục chuyển dịch tích cực, tỷ trọng chi đầu tư phát triển năm 2020 đạt trên 29% (mục tiêu là 25 - 26%), chi thường xuyên khoảng 63,1% tổng chi NSNN (mục tiêu là dưới 64%).
Đáng chú ý, chi đầu tư phát triển đã được cải thiện đáng kể, góp phần thúc đẩy tăng trưởng. Trong đó, đã ưu tiên dành nguồn lực tăng chi đầu tư ngay từ khâu dự toán, tỷ trọng chi đầu tư phát triển đã được bố trí tăng từ mức 25,7% năm 2017 lên mức 26,9% năm 2020. Tuy nhiên, trong tổ chức thực hiện, do được bổ sung từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi, nguồn dự phòng, nên tỷ trọng chi đầu tư phát triển thực hiện đạt 27 - 28% (mục tiêu tại Nghị quyết số 25/2016/QH14 của Quốc hội là 25 - 26%). Đây là kết quả tích cực, nhất là trong bối cảnh quy mô chi NSNN so với GDP giảm.
Về chi thường xuyên, đã giảm dần tỷ trọng dự toán chi thường xuyên, từ mức 64,9% tổng chi NSNN năm 2017 xuống dưới 64% năm 2020 (nếu không bao gồm chi tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương, thì đạt khoảng 60,5% dự toán năm 2020), theo đúng mục tiêu tại Nghị quyết số 25/2016/QH14 của Quốc hội.
Thời gian qua, đã bảo đảm đủ kinh phí để thực hiện các chế độ, chính sách chi cho cán bộ, công chức, các chính sách an sinh xã hội trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, dân số. Hàng năm đều bố trí kinh phí để tăng lương cơ sở, lương hưu và trợ cấp cho người có công với cách mạng khoảng 7%; đảm bảo yêu cầu quốc phòng, an ninh trong tình hình mới. Đồng thời, chi ngân sách đã triệt để tiết kiệm chi hoạt động bộ máy; cắt giảm hoặc lùi thời gian thực hiện các nhiệm vụ chi chưa thực sự cấp thiết... Ngoài ra, Bộ Tài chính đã quản lý chặt chẽ nguồn dự phòng ngân sách, ưu tiên tập trung cho các nhiệm vụ khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ, các nhiệm vụ cấp bách của quốc phòng, an ninh. Để giảm chi thường xuyên, cơ quan quản lý đã yêu cầu sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đổi mới khu vực sự nghiệp công lập gắn với việc cơ cấu lại ngân sách trong từng ngành, lĩnh vực theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII).
Chi tiêu hiệu quả “tiền của dân”
Trên thực tế, thu ngân sách đã khó, nhưng chi tiêu thế nào cho hợp lý lại càng khó hơn. Trước đây, khi thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí, nhiều ý kiến cho rằng đã tiết kiệm triệt để rồi, không thể tiết kiệm được hơn.
Bộ Tài chính đã triển khai nhiều giải pháp căn cơ để “tiền của dân” chi tiêu không lãng phí, đúng mục đích và hiệu quả. Đánh giá về điều này, ông Trần Quang Chiểu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội cho rằng, về cơ bản chi NSNN đã bám sát dự toán, thể hiện tính tuân thủ các quy định pháp luật càng cao; đề cao kỷ cương, kỷ luật tài chính; chi tiêu chặt chẽ, hiệu quả, tiết kiệm. “Trong chi thường xuyên đã cơ cấu lại một số khoản chi đảm bảo hợp lý, tiết kiệm, cắt giảm những nhiệm vụ chi không cần thiết, tiết giảm mạnh chi NSNN các đoàn ra; không bố trí mua sắm trang thiết bị đắt tiền; giảm mạnh chi khánh tiết, lễ hội; sắp xếp lại tổ chức bộ máy đi đôi với tinh giản biên chế, đẩy mạnh giao quyền tự chủ trong lĩnh vực sự nghiệp công…” - ông Trần Quang Chiểu nhận định.
Luật NSNN đã quy định ngày càng chặt chẽ hơn về vấn đề này, trong đó đã bổ sung quy định NSNN được giám sát bởi cộng đồng; tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân góp ý, kiểm tra, giám sát quá trình quản lý và sử dụng NSNN. Cùng với đó, Kho bạc Nhà nước thực hiện theo đúng tinh thần “không khoản chi nào không được dự toán ra khỏi kho bạc”. Quốc hội cũng đã tăng cường giám sát việc công khai chi tiêu ngân sách, góp phần chi tiêu công ngày một hiệu quả hơn.
Trong năm 2021, áp lực việc siết giảm chi tiêu ngày càng lớn, khi dự toán chi thường xuyên giảm khoảng 60 nghìn tỷ đồng, trong khi đó, phải tăng nguồn chi cho đầu tư phát triển. Có thể trước mắt sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng các bộ, ngành, địa phương đã quyết tâm thực hiện theo đúng mục tiêu đề ra. Quyết tâm đã có, điều quan trọng là phải tổ chức thực hiện nghiêm theo đúng dự toán ngân sách. Năm qua, nhiều địa phương ngoài việc tiết giảm chi tiêu theo đúng quy định, đã thành công khi yêu cầu các đơn vị sử dụng ngân sách tiết kiệm thêm trong quá trình thực hiện. Đây cũng là kinh nghiệm hay, cần nhân rộng trong triển khai thực hiện kế hoạch tài chính - NSNN trong năm 2021 và các năm tiếp theo.
Giảm chi hàng chục nghìn tỷ đồng từ sắp xếp bộ máy, giảm biên chế
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, năm 2020 chỉ riêng ngân sách Trung ương đã tiết kiệm, cắt giảm hơn 49 tỷ đồng. Trong 5 năm (2016 - 2020), dự toán chi thường xuyên cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã được xây dựng trên cơ sở yêu cầu sắp xếp lại tổ chức bộ máy, giảm biên chế... giảm chi khoảng 27 - 28 nghìn tỷ đồng.