Cơ cấu lại đơn vị sự nghiệp công lập, giảm chi từ ngân sách
Theo Bộ Tài chính, thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương đã quyết tâm thực hiện sắp xếp lại theo hướng tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Tuy nhiên, việc thực hiện vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế nên thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại các đơn vị sự nghiệp công lập, nhằm giảm chi từ ngân sách nhà nước.
Đã giảm gần 7.500 đơn vị sự nghiệp công lập
Theo Bộ Tài chính, hệ thống các văn bản pháp luật về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) đã tạo hành lang pháp lý trong việc đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL. Việc thực hiện sắp xếp lại theo hướng tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL được thực hiện nghiêm túc, đạt được kết quả tích cực. Cụ thể:
Số ĐVSNCL của các bộ, ngành, địa phương năm 2021 đã giảm so với năm 2015, vượt mục tiêu trong giai đoạn 2015-2021. Biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước (NSNN) trong các ĐVSNCL nhóm 3, nhóm 4 năm 2021 giảm so với năm 2015; vượt mục tiêu giảm tối thiểu 10%, theo Nghị quyết số 19/NQ-TW của Đảng.
Chưa có bước chuyển biến mang tính đột phá
Theo Bộ Tài chính, việc thực hiện tự chủ tài chính ĐVSNCL nhìn chung còn chậm, mức độ tự chủ chưa cao, đặc biệt ở các địa phương; nguồn thu sự nghiệp còn thấp, chủ yếu vẫn là ngân sách nhà nước cấp phát; chưa có bước chuyển biến mang tính đột phá.
Như vậy, các ĐVSNCL đã chủ động sử dụng các nguồn lực tài chính cho các hoạt động chuyên môn, bố trí hợp lý các khoản chi trong dự toán ngân sách được giao để thực hiện nhiệm vụ có hiệu quả; sử dụng tài sản, nguồn nhân lực, tăng cường mở rộng hoạt động, phát triển nguồn thu.
Đồng thời, đã huy động các nguồn vốn để đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, đổi mới trang thiết bị, phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động cung cấp dịch vụ; áp dụng các biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để có nguồn chi thu nhập tăng thêm cho nhân viên, thu hút nhân tài, giữ người giỏi yên tâm công tác.
Các ĐVSNCL đã trích lập quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp để tái đầu tư, phát triển đơn vị, tăng nguồn thu của đơn vị so với giai đoạn trước khi tự chủ, từ đó giảm gánh nặng cho NSNN.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến 30/6/2022 cả nước đã giảm 7.469 ĐVSNCL (13,5%) so với năm 2016. Tinh giản biên chế giảm 79.057 người (tỷ lệ 29,96%) so với giai đoạn 2016 -2021).
Chậm trễ trong tự chủ tài chính
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Bộ Tài chính đã thẳng thắn chỉ ra rằng, trong quá trình triển khai thực hiện cơ chế tự chủ của ĐVSNCL, vẫn còn một số tồn tại cần khắc phục trong thời gian tới.
Theo đó, việc thực hiện tự chủ tài chính ĐVSNCL nhìn chung còn chậm, mức độ tự chủ chưa cao, đặc biệt ở các địa phương. Nguồn thu sự nghiệp còn thấp, chủ yếu vẫn là ngân sách nhà nước cấp phát; chưa có bước chuyển biến mang tính đột phá.
Ngoài ra, các ĐVSNCL chưa thực sự đồng bộ về tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế với tự chủ về tài chính của các đơn vị sự nghiệp. Công tác xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành giá/đơn giá dịch vụ sự nghiệp công còn chậm, chưa đầy đủ.
Đáng lưu ý, hầu hết các lĩnh vực dịch vụ sự nghiệp công chưa tính đủ chi phí vào giá, do vừa phải thực hiện mục tiêu đảm bảo kiềm chế lạm phát, khả năng cân đối NSNN và khả năng chi trả của người dân. Điều này dẫn đến khó khăn khi thực hiện lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công.
Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do nhiều lĩnh vực phải nghiên cứu, xây dựng các định mức kinh tế - kỹ thuật mới, có mức độ phức tạp, chuyên sâu đòi hỏi khối lượng công việc rất lớn, nên số lượng định mức kinh tế - kỹ thuật được ban hành vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của các đơn vị trong việc triển khai cung cấp dịch vụ sự nghiệp công.
Do những hạn chế trong công tác xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật của dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN, đến nay chủ yếu việc phân bổ kinh phí vẫn thực hiện theo cơ chế giao dự toán để hỗ trợ trực tiếp cho ĐVSNCL. Vì vậy, việc triển khai đặt hàng các đơn vị thực hiện cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN còn hạn chế, làm ảnh hưởng đến mức độ tự chủ tài chính của ĐVSNCL.
Bộ Tài chính cho rằng, thời gian tới, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương cần bám sát và thực hiện tốt các mục tiêu của Nghị quyết số 19/NQ-TW. Theo đó, các bộ, ngành, địa phương ban hành đầy đủ danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN; định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí làm cơ sở ban hành giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN.
Đồng thời, các cơ quan chủ quản tiếp tục thực hiện lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công theo Nghị số 60/2021/NĐ-CP (tính đủ tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và khấu hao tài sản). Nhà nước sẽ hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng chính sách (người có công, người nghèo...) sử dụng dịch vụ sự nghiệp công, phù hợp với lộ trình giá dịch vụ sự nghiệp công.
Sắp xếp cơ học, mạnh lên hay yếu đi?
Theo số liệu tổng hợp của Ban Kinh tế Trung ương, tính đến 31/12/2021, tổng số ĐVSNCL của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương là 47.984, giảm 7.420 đơn vị, tương đương 13,4% so với năm 2015 (55.404 đơn vị).
Biên chế sự nghiệp hưởng lương từ NSNN trong các ĐVSNCL do NSNN bảo đảm chi thường xuyên và ĐVSNCL tự bảo đảm một phần chi thường xuyên năm 2021 là 1.789.585 người, giảm 236.366 người, tương ứng giảm 11,67% so với năm 2015 (hơn 2 triệu người).
Tính đến thời điểm 31/12/2021, lĩnh vực giáo dục và y tế đang chiếm 89,4% số lượng người hưởng lương NSNN, trong đó biên chế sự nghiệp y tế hưởng lương từ NSNN năm 2021 là 221.232 biên chế, chiếm 12,36% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ NSNN của cả nước, giảm 102.554 biên chế, tương ứng giảm 31,67% so với năm 2015.
Những con số trên cho thấy đã có sự chuyển biến mạnh mẽ thời gian qua, song vẫn còn rất nhiều việc phải làm để đạt các mục tiêu đề ra. Việc thanh tra, giám sát cũng là cần thiết, nhằm rõ trách nhiệm, rõ việc, rõ người.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua đã có cuộc họp để quyết định sẽ thực hiện giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL giai đoạn 2018 - 2023”.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng - Phó Trưởng đoàn thường trực Đoàn giám sát, hoạt động giám sát tập trung đánh giá kết quả đạt được; hạn chế, khó khăn, vướng mắc; giám sát việc quản lý biên chế (số lượng người làm việc tối đa trong đơn vị sự nghiệp công lập và hưởng lương từ NSNN).
Thông qua giám sát, sẽ đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp để tiếp tục đẩy mạnh, thực hiện có hiệu quả chủ trương của Đảng, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết số 19-NQ/TW đã đề ra đến năm 2025 và 2030.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, cần xác định cụ thể hơn các nội dung giám sát, trong đó có một số nội dung chính. “Vừa qua việc sắp xếp các ĐVSNCL nhiều lúc còn cơ học, không làm cho mạnh lên mà thậm chí còn yếu đi, khó hoạt động hơn… Càng sắp xếp thì lại càng dôi dư, càng phình ra. Liệu có câu chuyện này không?” - Phó Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề.
Ngoài ra, cần đánh giá hoàn thiện cơ chế chính sách tự chủ và tài chính. Bao gồm tự chủ về nhiệm vụ, tổ chức biên chế và con người, phương án hoạt động, tự chủ về tài chính; hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước đối với ĐVSNCL.