Cơ cấu lại hệ thống quỹ tín dụng nhân dân phù hợp với bối cảnh phát triển của đất nước

Ngày 4/7/2025, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến rộng rãi đối với Dự thảo Đề án 'Cơ cấu lại tổng thể hệ thống quỹ tín dụng nhân dân và Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam giai đoạn 2025-2030, định hướng đến năm 2045'. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với các điểm cầu. Dự và chủ trì Hội nghị có Phó Thống đốc NHNN Đoàn Thái Sơn.

Phó Thống đốc NHNN Đoàn Thái Sơn chủ trì Hội thảo

Phó Thống đốc NHNN Đoàn Thái Sơn chủ trì Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Thống đốc NHNN Đoàn Thái Sơn khẳng định, hệ thống quỹ tín dụng nhân dân được thành lập từ năm 1993 với mục tiêu cốt lõi là huy động nguồn lực từ cộng đồng để tương trợ lẫn nhau giữa các thành viên, đặc biệt là các vùng nông nghiệp, nông thôn, vùng sâu, vùng xa - nơi người dân còn gặp rất nhiều khó khăn trong tiếp cận dịch vụ ngân hàng, tài chính. Sau 30 năm hình thành và phát triển, hệ thống quỹ tín dụng nhân dân từng bước được mở rộng và củng cố, góp phần tăng khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho người dân, đóng góp tích cực vào công tác xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội cũng như an sinh xã hội tại địa phương.

Cùng chung nhận định này, bà Trần Kim Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp - Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương đánh giá, sau hơn 30 năm xây dựng và phát triển, hệ thống quỹ tín dụng nhân dân đã khẳng định được vai trò thiết yếu trong việc cung cấp tín dụng, dịch vụ tài chính cho người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nhân dân và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Bà Trần Kim Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp - Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương phát biểu tại Hội thảo

Bà Trần Kim Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp - Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương phát biểu tại Hội thảo

Tính đến cuối năm 2024, cả nước có 1.176 quỹ tín dụng nhân dân, hoạt động tại 57 tỉnh, thành phố, với gần 2 triệu thành viên tham gia. Tổng tài sản hệ thống đạt 191,5 nghìn tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu duy trì ở mức rất thấp 0,68%, lợi nhuận toàn hệ thống tăng cao, phản ánh hiệu quả quản lý và sự tin tưởng ngày càng lớn của cộng đồng. Riêng Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam, tổ chức đầu mối của hệ thống, hiện có tổng tài sản 60,3 nghìn tỷ đồng, với tỷ lệ nợ xấu chỉ 0,35%, cho thấy khả năng quản trị rủi ro ngày càng được củng cố, bà Trần Kim Anh thông tin.

Tuy nhiên, Phó Thống đốc Đoàn Thái Sơn cũng cho biết, qua quá trình hình thành và phát triển, hệ thống quỹ tín dụng nhân dân cũng bộc lộ những hạn chế; sự liên kết giữa các quỹ tín dụng nhân dân với Ngân hàng Hợp tác xã một số nơi vẫn còn chưa chặt chẽ. Từ thực tế này, Phó Thống đốc nhấn mạnh cần sớm nhìn nhận và đánh giá, sớm hoàn thiện hệ thống, đóng góp nhiều hơn vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Thời gian vừa qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản, Nghị quyết quan trọng về phát triển toàn diện kinh tế, trong đó có quỹ tín dụng nhân dân. Đặc biệt, chúng ta đã chứng kiến quá trình cải cách thể chế, tinh gọn bộ máy hành chính, thực hiện Nghị quyết của Trung ương và Bộ Chính trị. Vì vậy, đây là yêu cầu cơ cấu lại hệ thống quỹ tín dụng nhân dân là cấp thiết, phù hợp với bối cảnh phát triển của đất nước; đây là cũng là yếu tố quyết định tính sống còn của các quỹ tín dụng nhân dân trong quá trình phát triển.

Để tổng kết, đánh giá hoạt động, NHNN đã chủ trì tổng kết hiệu quả giai đoạn 2020-2025, nhìn nhận rõ những hạn chế, tồn tại của quỹ tín dụng nhân dân; tiếp thu đầy đủ ccá chủ trương, định hướng của Bộ Chính trị, Chính phủ… NHNN đã thực hiện khảo sát, nắm bắt thực tiễn tại các vùng có quỹ tín dụng nhân dân trên cả nước. Trên cơ sở đó, NHNN đã tập trung xây dựng và hoàn thiện Dự thảo Đề án “Cơ cấu lại tổng thể hệ thống quỹ tín dụng nhân dân và Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam giai đoạn 2025-2030, định hướng đến năm 2045”. Mục tiêu trên cơ sở đánh giá thực trạng, bài học kinh nghiệp và đề ra những giải pháp đột phá để phát triển quỹ tín dụng nhân dân, ngân hàng hợp tác xã phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển của đất nước, Phó Thống đốc Đoàn Thái Sơn khẳng định.

Tại Hội thảo, ông Hoàng Việt Dũng, Phó Cục trưởng Cục An toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã trình bày những nội dung cơ bản của Đề án Cơ cấu lại tổng thể hệ thống quỹ tín dụng nhân dân và Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam giai đoạn 2025-2030, định hướng đến năm 2045. Đồng thời, đại diện các Vụ, Cục thuộc NHNN, đại diện một số NHNN khu vực, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam; đại diện Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam; Quỹ tín dụng nhân dân tại một số khu vực cũng trình bày tham luận về những kết quả đã đạt được, khó khăn, thách thức cũng như đề ra những định hướng trong thời gian tới.

Về định hướng hoạt động và tầm quan trọng của liên kết hệ thống quỹ tín dụng nhân dân, bà Trần Kim Anh cho biết, trong giai đoạn tới, hệ thống quỹ tín dụng nhân dân cần tiếp tục giữ vững tôn chỉ “tương trợ lẫn nhau”, tập trung phục vụ thành viên, hộ nông dân, hộ sản xuất nhỏ và các đối tượng yếu thế, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển tài chính toàn diện. Điều này phù hợp với quan điểm xuyên suốt của Đảng, lấy “người dân làm trung tâm”, không để ai bị bỏ lại phía sau. Từ bài học kinh nghiệm của Nhật Bản (Norinchukin Bank), Hàn Quốc (NACF), Hà Lan (Rabobank), có thể khẳng định, chỉ khi có hệ thống liên kết chặt chẽ, đồng bộ, các quỹ tín dụng nhân dân mới thực sự phát huy được vai trò, củng cố nội lực, tăng sức chống chịu trước rủi ro, điều hòa vốn và kiểm soát nợ xấu.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Hợp tác xã cần thực hiện đầy đủ vai trò trung tâm: điều tiết vốn, hỗ trợ thanh khoản, kiểm soát rủi ro, cung cấp dịch vụ công nghệ và đào tạo nhân lực, đồng thời phát triển các sản phẩm tín dụng xanh, tín dụng nông nghiệp, tín dụng phục vụ nông thôn mới. Liên kết không chỉ là yêu cầu nghiệp vụ mà còn là yêu cầu chiến lược, sống còn để củng cố niềm tin cộng đồng và xây dựng hệ sinh thái tài chính cộng đồng bền vững.

Về sắp xếp lại hệ thống quỹ tín dụng nhân dân theo phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, bà Trần Kim Anh khẳng định, chủ trương “mỗi xã chỉ có một quỹ tín dụng nhân dân” là giải pháp đúng đắn và cấp thiết. Việc sắp xếp phải thực hiện thận trọng, minh bạch, dân chủ, lấy ý kiến thành viên, bảo đảm quyền lợi người gửi tiền, tránh xáo trộn đời sống xã hội. Sau sắp xếp, các quỹ tín dụng nhân dân cần được củng cố quy mô vốn, nâng cao năng lực tài chính, hiện đại hóa quản trị, chuẩn hóa quy trình kiểm soát rủi ro, đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin và đào tạo nhân lực.

Đồng thời, cần khuyến khích phát triển các sản phẩm tín dụng xanh, tín dụng hỗ trợ chuyển đổi nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, phát triển kinh tế tuần hoàn, qua đó đáp ứng mục tiêu phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại. Chính sách hỗ trợ cần đi kèm, như ưu đãi lãi suất cho các dự án xanh, cơ chế khuyến khích sáp nhập tự nguyện, hỗ trợ xây dựng trụ sở, hạ tầng thông tin và các chương trình giáo dục tài chính cộng đồng. Đây chính là cách để bảo đảm hệ thống quỹ tín dụng nhân dân không chỉ đứng vững mà còn phát triển mạnh mẽ, bền vững, thực sự trở thành “bà đỡ” tài chính của nông dân và cộng đồng.

Tại Hội thảo, nhiều đại biểu khẳng định, phát triển hệ thống tổ chức tín dụng hợp tác xã, trọng tâm là quỹ tín dụng nhân dân và Ngân hàng Hợp tác xã không chỉ là nhiệm vụ phát triển kinh tế mà còn là nhiệm vụ chính trị, xã hội quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 và tầm nhìn 2045.

Các đại biểu cũng tin tưởng rằng, với sự chỉ đạo sâu sát của Đảng, Nhà nước, sự đồng thuận, quyết tâm của các cấp, các ngành và sự đồng lòng của toàn hệ thống, chúng ta sẽ thành công trong việc cơ cấu lại hệ thống quỹ tín dụng nhân dân, xây dựng được một hệ thống tín dụng nhân dân minh bạch, vững mạnh, hiện đại, gắn kết cộng đồng và phát triển bền vững.

Hương Giang - Hoàng Giáp

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/co-cau-lai-he-thong-quy-tin-dung-nhan-dan-phu-hop-voi-boi-canh-phat-trien-cua-dat-nuoc-166819.html