Cơ cấu lại nền kinh tế đảm bảo tăng trưởng nhanh, bền vững

BHG - Để chủ động thích ứng trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng và có những bước đi phù hợp sau ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, tỉnh ta đã tập trung triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để cơ cấu lại nền kinh tế nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Sản xuất, chế biến gỗ tại Khu công nghiệp Bình Vàng (Vị Xuyên).

Sản xuất, chế biến gỗ tại Khu công nghiệp Bình Vàng (Vị Xuyên).

Cơ cấu lại đầu tư công, ngân sách Nhà nước

UBND tỉnh đã xây dựng và tổ chức thực hiện hiệu quả kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và hàng năm; huy động, cân đối các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Tập trung nguồn lực vào các ngành, lĩnh vực then chốt, các công trình, dự án trọng điểm, tạo động lực phát triển KT-XH. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong thực hiện dự án cho sở, ngành chuyên môn, UBND các huyện, thành phố.

Tăng cường huy động nguồn vốn vay ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, bảo đảm hiệu quả và khả năng trả nợ, thúc đẩy tăng trưởng gắn với phát triển bền vững. Tổng mức vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021-2025 là 21.004,92 tỷ đồng, trong đó năm 2021-2022 đã phân bổ, giao với số vốn 8.481,234 tỷ đồng (gồm: năm 2021 là 2.986,036 tỷ đồng, năm 2022 là 5.495,198 tỷ đồng).

Tiếp tục cơ cấu lại chi ngân sách theo hướng bền vững, tiết kiệm, hiệu quả, tăng hợp lý tỷ trọng cho đầu tư phát triển, giảm tỷ trọng chi thường xuyên gắn với đổi mới mạnh mẽ khu vực dịch vụ sự nghiệp công. Cơ cấu lại chi ngân sách trong từng lĩnh vực, tập trung đảm bảo chi cho con người, cho các nhiệm vụ QP - AN, các chính sách an sinh xã hội. Thực hiện quyết liệt các chính sách thuế gắn với cơ cấu lại thu ngân sách Nhà nước theo hướng bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu. Năm 2022, tổng thu ngân sách nhà nước đạt 2.565 tỷ đồng đạt 132,7% dự toán T.Ư giao.

Phát triển đa dạng các thị trường

Người dân xã Đạo Đức (Vị Xuyên) ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Ảnh: YÊN HOA

Người dân xã Đạo Đức (Vị Xuyên) ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Ảnh: YÊN HOA

Với mục tiêu hướng đến xây dựng nền kinh tế đa dạng, nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng nguồn lực, tỉnh đã chủ trương phát triển đa dạng các thị trường như: Thị trường tài chính, đất đai, lao động, khoa học và công nghệ. Trong đó, phát triển thị trường lao động được các cấp chính quyền đặc biệt quan tâm. Thực hiện đồng bộ các giải pháp về kết nối thị trường, kết nối cung cầu lao động, đẩy mạnh tư vấn giới thiệu việc làm cho người lao động. Trong năm 2022, giải quyết việc làm cho trên 25.000 lao động, đạt 141,2% kế hoạch (tăng 78,5% so với cùng kỳ); xuất khẩu 200 lao động. Cùng với đó, tập trung nâng cao năng lực hoạt động của Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh theo hướng hiện đại, tạo thuận lợi cho người tìm việc và người tuyển dụng lao động. Chú trọng công tác phát triển giáo dục nghề nghiệp gắn với nâng cao nguồn nhân lực, kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động.

Để phát triển thị trường tài chính, UBND tỉnh đã chỉ đạo cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng; xây dựng phương án xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025; tăng cường kiểm soát chất lượng tín dụng, hạn chế nợ xấu phát sinh. Tính đến 31.12.2022, tổng huy động vốn tại địa phương đạt 16.056 tỷ đồng, tăng 6,4% so với cùng kỳ; tổng dư nợ ước đạt 28.241 tỷ đồng, tăng 8,5% so với cuối năm 2021. Nợ xấu chiếm 0,6%/tổng dư nợ.

Để phát triển thị trường đất đai, tỉnh đã công khai, minh bạch thông tin về Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025) cấp tỉnh và Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 của 11/11 huyện, thành phố. Thực hiện công tác đo đạc bản đồ địa chính và lập hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các xã. Ban hành Quyết định Bảng giá đất chi tiết giai đoạn 2020-2024, quy định các loại đất, đảm bảo dễ áp dụng và hài hòa, hợp lý giữa các khu vực. Kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến thủ tục đất đai cho các nhà đầu tư trong quá trình thực hiện các hoạt động đầu tư, kinh doanh tại địa phương.

Cơ cấu lại các ngành kinh tế

Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh ta xác định chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản và tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp – xây dựng cơ bản và dịch vụ. Số liệu thống kê cho thấy: Năm 2021 khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 32,8%; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 24,94%; khu vực dịch vụ chiếm 42,26%. Đến năm 2022 khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 23,6%; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 27,45%; khu vực dịch vụ chiếm 43,39%. Như vậy, cơ cấu kinh tế của tỉnh đang có sự chuyển dịch tích cực theo đúng hướng.

Với lĩnh vực nông nghiệp, các địa phương thực hiện tốt Chương trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, định hướng phát triển, quy hoạch các vùng sản xuất đối với từng loại cây trồng. Đẩy mạnh ứng dụng KHCN trong các khâu nhằm tăng năng suất, chất lượng, giá trị, góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, khuyến khích tích tụ ruộng đất, dồn điền đổi thửa để phát triển sản xuất quy mô lớn trong nông nghiệp, đẩy mạnh phát triển mô hình kinh tế tập thể, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị. Tận dụng lợi thế của địa phương, tạo ra các sản phẩm đặc trưng gắn với phát triển du lịch...

Lĩnh vực công nghiệp được cơ cấu lại theo hướng đẩy mạnh đổi mới công nghệ trong chế biến, chế tạo theo hướng sản xuất sạch, sản phẩm an toàn, thân thiện với môi trường. Tập trung hỗ trợ các cơ sở công nghiệp mở rộng sản xuất, cải tiến máy móc, thiết bị, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; xây dựng nhãn hiệu; thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói sản phẩm. Tập trung hoàn chỉnh cơ bản hạ tầng kỹ thuật cho các cụm công nghiệp trên địa bàn. Tiếp tục vận động, thu hút đầu tư vào phát triển các ngành công nghiệp có thế mạnh.

Khu vực dịch vụ đã và đang thu hút được nhiều dự án đầu tư ngoài ngân sách để phát triển kết cấu hạ tầng thương mại như chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng xăng dầu... Cùng với đó, hoạt động du lịch có nhiều khởi sắc và tăng trưởng mạnh. Năm 2022, lượng khách du lịch đến Hà Giang đạt 2.200.000 lượt người, tăng 144,5% so với cùng kỳ, đạt 146,7% kế hoạch. Doanh thu du lịch đạt 4.306 tỷ đồng, tăng 165,8% so với cùng kỳ.

Có thể khẳng định, việc cơ cấu lại nền kinh tế của tỉnh đang được thực hiện một cách thực chất và hiệu quả hơn trên cơ sở gắn kết chặt chẽ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, đảm bảo QP-AN; góp phần từng bước hiện thực hóa mục tiêu đưa Hà Giang trở thành tỉnh có KT-XH phát triển khá trong khu vực Trung du, miền núi phía Bắc.

Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202302/co-cau-lai-nen-kinh-te-dam-bao-tang-truong-nhanh-ben-vung-2cc13d3/