Cơ cấu lại ngành công nghiệp, từng bước phát triển theo chiều sâu

Thực hiện cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng từng bước phát triển theo chiều sâu, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sử dụng ít tài nguyên, nhiên liệu, có giá trị gia tăng cao hướng đến xuất khẩu, có khả năng đóng góp nhiều cho ngân sách tỉnh; thực hiện cơ cấu lại ngay từ khâu thu hút đầu tư... Đó là mục tiêu, định hướng của tỉnh trong phát triển công nghiệp, góp phần thực hiện chủ trương cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, phấn đấu đến năm 2025 kinh tế tỉnh Hòa Bình đạt mức trung bình của cả nước.

Trong năm 2022, Công ty TNHH nghiên cứu kỹ thuật R Việt Nam (KCN bờ trái sông Đà) dự định sản xuất thêm khoảng 380 loại sản phẩm mới với độ chính xác cao.

Trong năm 2022, Công ty TNHH nghiên cứu kỹ thuật R Việt Nam (KCN bờ trái sông Đà) dự định sản xuất thêm khoảng 380 loại sản phẩm mới với độ chính xác cao.

Tính đến hết năm 2021, toàn tỉnh có gần 450 dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp - xây dựng, trong đó có 133 dự án trong khu, cụm công nghiệp (K,CCN); 77 dự án khai thác chế biến khoáng sản; 155 dự án sản xuất công nghiệp (SXCN) ngoài K,CCN... Trong số các dự án về công nghiệp, có 285 dự án đầu tư SXCN chế biến, chế tạo. Những năm qua, SXCN, tiểu thủ công nghiệp (TTCN) của tỉnh duy trì tốc độ tăng trưởng khá. Một số ngành công nghiệp chủ lực, công nghiệp có lợi thế so sánh tiếp tục phát triển. Năng lực SXCN được nâng cao và phát triển nhanh trong các ngành chế tạo điện tử, máy móc, cơ khí, may mặc, khoáng sản, thức ăn gia súc, chế biến nông, lâm sản, thực phẩm. Tính trong giai đoạn 2016 - 2020, tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm của ngành bình quân đạt 10,5%/năm; tốc độ tăng trưởng giá trị SXCN bình quân đạt trên 16%.

Năm 2021, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ngành công nghiệp chịu tác động lớn. Song với sự vượt khó của các doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất, cũng như các sở, ngành chức năng thường xuyên nắm bắt tình hình hoạt động của DN, kịp thời giải quyết, hoặc đề xuất với tỉnh giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đã giúp SXCN của tỉnh đạt được kết quả nhất định với giá trị sản xuất ước đạt 41.260 tỷ đồng, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước.

Trong nội bộ ngành công nghiệp thì công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng lớn, với trên 68% giá trị sản xuất và chiếm gần 40% giá trị tăng thêm của toàn ngành. Điều này cho thấy, cơ cấu sản xuất nội bộ ngành công nghiệp có sự chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng công nghiệp khai thác, tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến, gắn phát triển CN-TTCN với quá trình CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn và giải quyết các vấn đề về nông dân, nông thôn theo đúng quan điểm chỉ đạo của tỉnh.

Từ nhiều năm nay, Công ty TNHH nghiên cứu kỹ thuật R Việt Nam (KCNbờ trái sông Đà - TP Hòa Bình) luôn khẳng định vị trí top đầu khối DN có vốn đầu tư nước ngoài. Năm qua, tuy chịu tác động không nhỏ của dịch bệnh, song doanh thu của công ty vẫn đảm bảo; tạo việc làm ổn định cho hơn 670 công nhân, mức lương trung bình trên 7 triệu đồng/ người/tháng. Trong năm 2022, công ty đặt mục tiêu mở rộng hoạt động sản xuất với dự định phát triển thêm khoảng 380 loại sản phẩm mới. Ông Ogawa Akihiro, Phó Tổng Giám đốc công ty chia sẻ: Tuy chúng tôi chưa thể lạc quan vì không biết ảnh hưởng của dịch Covid-19 sẽ kéo dài bao lâu, nhưng để nâng cao giá trị sản xuất, công ty đang tiến hành thử nghiệm và bắt đầu sản xuất nhiều sản phẩm mới với độ chính xác cao. Ngoài ra, công ty sẽ đầu tư nguồn vốn lớn vào việc mua máy móc, thiết bị mới để xử lý, làm sạch thấu kính nhằm duy trì năng suất, chất lượng sản phẩm; mở rộng trang thiết bị chế tạo dụng cụ, đào tạo kỹ thuật cao cho nhân viên. Chúng tôi kỳ vọng sẽ trở thành nhà máy sản xuất thấu kính số 1 Việt Nam để có thể nâng cao hơn nữa đời sống công nhân lao động, đóng góp vào sự phát triển của tỉnh Hòa Bình nói chung và ngành công nghiệp nói riêng.

Thực tế cho thấy, những năm qua, ngành công nghiệp đã từng bước khai thác các lợi thế của địa phương và đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh; bước đầu tạo ra một số sản phẩm tiêu biểu, có sản lượng lớn với thị trường xuất khẩu ổn định, giải quyết việc làm cho nhiều lao động như: điện tử, linh kiện điện tử, may mặc, sản xuất điện. Đồng chí Phạm Tiến Dũng, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Cơ cấu ngành công nghiệp đã chuyển dịch theo hướng tăng công nghiệp chế biến, chế tạo và giảm công nghiệp sản xuất, phân phối điện, nước, khai thác khoáng sản. Tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có tác động lan tỏa đến các ngành khác, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển với tốc độ khá và chuyển dịch cơ cấu theo hướng công nghiệp hóa.

Tuy đã có sự chuyển động tích cực, song, UBND tỉnh đánh giá: Nhìn chung ngành công nghiệp chất lượng tăng trưởng chưa cao, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, nhất là còn phụ thuộc nhiều vào kết quả hoạt động của Công ty thủy điện Hòa Bình, khi giá trị sản xuất chiếm gần 30% và giá trị tăng thêm chiếm gần 60%. Các sản phẩm công nghiệp khác chưa nhiều, đặc biệt là công nghiệp chế biến các sản phẩm nông nghiệp mũi nhọn của tỉnh.

Để góp phần đắc lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo, trong thời gian tới cần tập trung phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp phụ trợ, điện tử, may mặc, chế biến biến nông, lâm sản. Trong đó, riêng đối với ngành công nghiệp điện tử cần ưu tiên phát triển có chiều sâu để cung cấp linh kiện cho các DN lắp ráp, các tập đoàn đa quốc gia trong khu vực và cả nước, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu với sản phẩm máy tính và các thiết bị ngoại vi, linh kiện bán dẫn, linh kiện điện tử các loại cho các thiết bị điện tử gia dụng, điện thoại di động...

Ngành công nghiệp may mặc phát triển theo hướng hiện đại, mở rộng quy mô, đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm; thu hút các dự án đầu tư vào khu vực nông thôn, địa bàn có lợi thế về lao động để giải quyết việc làm và chuyển dịch cơ cấu lao động tại chỗ...

Công nghiệp chế biến nông, lâm sản tập trung thu hút các dự án sản xuất, chế biến hướng đến xuất khẩu. Đối với ngành chế biến gỗ, đẩy mạnh chuyển hướng sang sản xuất các sản phẩm chế biến tinh xảo và đa dạng hóa sản phẩm nhằm nâng cao giá trị tăng thêm. Ngành chế biến rau quả, khuyến khích đầu tư phát triển các nhà máy chế biến với công nghệ sản xuất tiên tiến, hiện đại, gắn với xây dựng các vùng nguyên liệu tại chỗ để sản xuất sản phẩm chất lượng cao cho thị trường trong nước và xuất khẩu...

Theo đó, nhằm cơ cấu lại ngành công nghiệp, nâng cao năng suất, giá trị gia tăng của ngành, UBND tỉnh đã chỉ đạo xây dựng và ban hành danh mục thu hút đầu từ trong ngành công nghiệp; ban hành đề án thu hút dự án đầu tư công nghiệp sạch, thân thiện với môi trường, dự án công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo, điện tử có giá trị gia tăng cao theo hướng gắn kết vào chuỗi sản xuất, cung ứng quốc tế và bảo vệ môi trường vào các KCN tại TP Hòa Bình và huyện Lương Sơn. Xây dựng, ban hành đề án thu hút các dự án trong ngành công nghiệp chế biến nông, lâm sản; thu hút các dự án đầu tư thâm dụng lao động như dệt may vào các K,CCN ở các địa phương khác trong tỉnh. Đồng thời bổ sung quy hoạch các K,CCN mới; điều chỉnh các K,CCN đã có, đảm bảo đến năm 2025, diện tích đất phát triển K,CCN bằng 1% diện tích tự nhiên của tỉnh...

Đặc biệt, để hiện thực hóa mục tiêu phát triển CN-TTCN, vừa qua, Ban chỉ đạo các đề án thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã ban hành kế hoạch triển khai Đề án số 07-ĐA/TU, ngày 1/11/2021 của Tỉnh ủy về phát triển CN-TTCN tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021-2025. Theo đó, dự kiến kinh phí thực hiện trong giai đoạn này là 52.975.586 triệu đồng, bao gồm kinh phí từ nguồn vốn ngân sách tỉnh và của DN.

Bình Giang

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/12/164311/co-cau-lai-nganh-cong-nghiep,-tung-buoc-phat-trien-theo-chieu-sau.htm