Cơ chế cấp ủy đảng lãnh đạo: Những vấn đề lớn, quan trọng trong cơ quan, đơn vị
Đầu tháng 5/2024, việc một đồng chí nguyên Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc sở hiện đã nghỉ hưu bị xử lý kỷ luật đã để lại một câu chuyện buồn và bài học sâu sắc cho thủ trưởng các cơ quan, đơn vị về việc chấp hành nguyên tắc trong việc xử lý mối quan hệ của đảng ủy với thủ trưởng cơ quan. Trong các lỗi vi phạm có lỗi do vi phạm khuyết điểm trong quá trình tham mưu, chỉ đạo và tổ chức thực hiện quy chế làm việc của đảng ủy. Cụ thể là thực hiện chưa nghiêm mối quan hệ công tác giữa đảng ủy và thủ trưởng cơ quan: Không thực hiện việc báo cáo định kỳ với đảng ủy về những vấn đề lớn, những chủ trương lớn của cơ quan để đảng ủy thảo luận, ra nghị quyết lãnh đạo thực hiện, vì vậy đã để xảy ra một số sai phạm trong việc thực hiện các dự án/gói thầu do sở làm chủ đầu tư.
Theo quy định, thủ trưởng cơ quan điều hành hoạt động của đơn vị theo chế độ thủ trưởng, chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước cấp trên và trước đảng ủy về các hoạt động của đơn vị. Tuy nhiên, chế độ thủ trưởng không có nghĩa là thủ trưởng toàn quyền quyết định mọi vấn đề, mọi công việc trong cơ quan, đơn vị.
Quy định số 98-QĐ/TW ngày 22/3/2004 quy định về chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ cơ sở cơ quan của Ban Bí thư Trung ương Đảng đã nêu rõ: “Định kỳ (3 tháng, 6 tháng, 1 năm, vào dịp đại hội đảng) và đột xuất khi có yêu cầu, thủ trưởng cơ quan báo cáo với cấp ủy hoặc đại hội về tình hình thực hiện các mặt công tác và những chủ trương, nhiệm vụ sắp tới của cơ quan; cấp ủy hoặc đảng bộ, chi bộ thảo luận, ra nghị quyết về những vấn đề lớn, quan trọng và lãnh đạo đảng viên, quần chúng trong cơ quan thực hiện”. Quy định này cũng đã nêu rõ: “Khi đảng ủy, chi ủy cơ sở và thủ trưởng cơ quan có ý kiến khác nhau thì thủ trưởng cơ quan quyết định theo thẩm quyền và chịu trách nhiệm về quyết định đó; đồng thời cấp ủy và thủ trưởng cơ quan cùng báo cáo lên cấp trên có thẩm quyền xem xét, quyết định”.
Nếu những nhiệm vụ lớn như trên được xin ý kiến của đảng ủy thì sẽ có nghị quyết của đảng ủy để chỉ đạo quá trình tổ chức thực hiện. Qua đó, tăng cường sự giám sát, chỉ đạo bằng những chủ trương, định hướng đối với cán bộ chuyên môn là đảng viên trong quá trình thực thi công việc chuyên môn, góp phần hạn chế các sai phạm. Trong thực tế điều hành công việc, thủ trưởng cơ quan, trên cơ sở kinh nghiệm công tác cần phân định được đâu là “những vấn đề lớn, quan trọng” cần xin ý kiến tập thể đảng ủy, thảo luận và ra nghị quyết lãnh đạo. Kinh nghiệm cho thấy, thủ trưởng cơ quan cần phải tranh thủ ý kiến tập thể đảng ủy, tập thể lãnh đạo nhằm tạo sự đồng thuận trong cơ quan, đơn vị; có như vậy mới giúp cho công việc thuận lợi, hạn chế những sai sót, khuyết điểm trong quá trình thực hiện. Tuy nhiên không phải việc gì cũng phải báo cáo, xin ý kiến đảng ủy. Những việc nhỏ, mang tính sự vụ cụ thể thì thủ trưởng quyết định trên cơ sở quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật, nghĩa là không lấy tập thể để gánh trách nhiệm cho mình. Có như vậy mới không "làm phiền" đảng ủy.
Bên cạnh đó, quy chế thực hiện dân chủ trong các cơ quan, đơn vị cũng có khá nhiều nội dung thủ trưởng cơ quan phải công khai để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động biết, trong đó có việc công khai nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công; nguyên tắc, tiêu chí, căn cứ xác định danh mục dự án (DA) trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm; kế hoạch chương trình đầu tư công của cơ quan, đơn vị, vốn bố trí theo từng năm, tiến độ thực hiện và giải ngân vốn chương trình đầu tư công; kế hoạch phân bổ vốn đầu tư công trung hạn, hàng năm, danh mục DA và mức vốn đầu tư công cho từng DA; tình hình huy động các nguồn lực và nguồn vốn khác tham gia thực hiện DA đầu tư công; tình hình và kết quả thực hiện kế hoạch, chương trình, DA; tiến độ thực hiện và giải ngân của DA; kết quả nghiệm thu đánh giá chương trình DA; quyết toán vốn đầu tư công.
Câu chuyện về giải quyết hài hòa, khéo léo, hợp lý và đúng quy định trong cơ chế lãnh đạo theo chế độ thủ trưởng và lãnh đạo theo chế độ tập thể là một công việc không đơn giản, bởi nó đòi hỏi sự dày dạn trong kinh nghiệm quản lý, kinh nghiệm điều hành của người lãnh đạo, quản lý. Điều đó tạo nên sự đồng thuận cần thiết, xây dựng mối đoàn kết nội bộ đơn vị, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao phó.