Cơ chế, chính sách đặc biệt trong xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật: Đảm bảo đúng đối tượng thụ hưởng

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh khẳng định, không phải tất cả cán bộ, công chức ở trong các đơn vị thuộc phụ lục dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật đều được nhận hỗ trợ hàng tháng. Phụ lục chỉ đề cập những đối tượng 'đã chín, đã rõ', bảo đảm sự thống nhất rất cao giữa các cơ quan trong quá trình xây dựng và thẩm tra, thẩm định vào diện hỗ trợ.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh phát biểu tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội nêu tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh phát biểu tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội nêu tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Sáng 16/5, cuối phiên thảo luận ở hội trường của Quốc hội về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh đã phát biểu tiếp thu, giải trình một số ý kiến đại biểu Quốc hội nêu tại phiên họp.

Cần có con người làm công tác xây dựng pháp luật có chất lượng cao

Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh nhấn mạnh, trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách về hoàn thiện thể chế pháp luật phù hợp với từng giai đoạn lịch sử, đạt được nhiều kết quả quan trọng.

“Trong bài viết gần đây nhất, Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định, trong 80 năm qua, đất nước ta giành được độc lập, thống nhất, tự do, dân chủ, hòa bình, ổn định và phát triển, vì chúng ta có Hiến pháp và thực thi thành công Hiến pháp và pháp luật”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, cần thẳng thắn nhìn nhận công tác xây dựng và thi hành pháp luật còn không ít hạn chế, bất cập; và muốn để khắc phục những hạn chế, bất cập này, chúng ta phải có con người làm công tác xây dựng pháp luật có chất lượng cao, chuyên nghiệp; có quy trình và công nghệ xây dựng luật hiện đại, khả thi, hiệu quả và có các điều kiện bảo đảm thuận lợi và tương xứng.

Đề cập đến Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, Bộ trưởng nhấn mạnh, có lẽ đây là lần đầu tiên mà 1 nghị quyết của Đảng quy định khá cụ thể về các mức hỗ trợ cho người làm công tác xây dựng pháp luật cũng như một số cơ chế, chính sách vượt trội, đặc biệt trong công tác xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật.

“Chúng tôi suy nghĩ rằng đây không phải là những con số cụ thể về kinh phí ngân sách, chế độ mà là sự quan tâm sâu sắc, đặc biệt với tư duy đổi mới, với cách tiếp cận đột phá và tầm nhìn chiến lược về tầm quan trọng của công tác hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật với tính chất là “đột phá của đột phá” trong hoàn thiện thể chế phát triển, phục vụ yêu cầu phát triển đất nước của chúng ta trong kỷ nguyên mới”, Bộ trưởng nêu rõ.

Giải trình về các nội dung được các đại biểu đề cập, Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh cho biết, về nguyên tắc áp dụng cơ chế chính sách đặc biệt, vượt trội, các đại biểu đều khẳng định cần phải đúng đối tượng được thụ hưởng theo Nghị quyết số 66-NQ/TW của Bộ Chính trị; việc áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt, vượt trội phải gắn với việc nâng cao chất lượng của công tác xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật; phải đồng thời gắn quyền với trách nhiệm, có cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực phòng, chống tham nhũng để không được lạm dụng và trục lợi chính sách.

Bày tỏ đồng tình với những nội dung trên, Bộ trưởng cho biết, Cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ bổ sung vào nguyên tắc và nội dung của Nghị quyết.

Về những nội dung tiếp thu, về mức khoán chi, tiếp thu ý kiến đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh khẳng định, Cơ quan soạn thảo sẽ rà soát để giảm mức khoán chi này cho phù hợp, tránh việc cao so với mặt bằng chung và các công việc khác của các cơ quan Nhà nước.

Đồng thời, Cơ quan chủ trì soạn thảo cũng sẽ tiếp thu ý kiến các đại biểu nêu về việc thể chế hóa Quy định số 178-QĐ/TW ngày 27/6/2024 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.

Về ý kiến đại biểu cho rằng dự thảo Nghị quyết dường như quan tâm nhiều hơn đến mảng xây dựng pháp luật mà mảng tổ chức thi hành pháp luật thì chưa được quan tâm nhiều, cho rằng đây là ý kiến đúng, Bộ trưởng cho hay, việc tổ chức thi hành pháp luật có phạm vi rất rộng.

Trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cũng đã liệt kê rất rõ những nội dung là tổ chức thi hành pháp luật nhưng Cơ quan chủ trì soạn thảo qua nhiều lần tham gia ý kiến các cơ quan chỉ lựa chọn một số nhiệm vụ hoạt động của tổ chức thi hành pháp luật trực tiếp liên quan đến công tác xây dựng pháp luật để đưa vào, có thiết kế các cơ chế, chính sách.

“Nếu chúng ta thiết kế toàn bộ mảng tổ chức thi hành pháp luật ở đây thì nguồn lực và tính khả thi chắc là không bảo đảm”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Quang cảnh phiên họp.

Quang cảnh phiên họp.

Liên quan đến ý kiến đại biểu về việc cá nhân được hưởng hỗ trợ hàng tháng thì có được hưởng thù lao thuê khoán chi tham gia các hoạt động xây dựng pháp luật hay không, Bộ trưởng cho biết, đây là 2 cơ chế hoàn toàn tách bạch, không có sự chồng lấn chế độ.

Trong đó, hỗ trợ hàng tháng là dành cho con người, với tính chất là khoán chi cơ bản, để bảo đảm cá nhân có sự đãi ngộ xứng đáng, yên tâm tập trung gắn bó công việc, giữ chân cán bộ; còn chi trả thù lao thuê khoán khi tham gia xây dựng pháp luật là theo công việc.

Như vậy, một là chính sách hỗ trợ theo con người và một là hỗ trợ theo công việc. Thù lao theo công việc ấy, đối tượng được hưởng rất rộng, ở tất cả các công đoạn của việc xây dựng chính sách và xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Về việc bổ sung đối tượng hỗ trợ hàng tháng, Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh cho biết, phụ lục dự thảo Nghị quyết đã đề cập những đối tượng đã chín, đã rõ, bảo đảm sự thống nhất rất cao giữa các cơ quan trong quá trình xây dựng và thẩm tra, thẩm định dự thảo Nghị quyết.

“Không phải tất cả cán bộ, công chức ở trong các đơn vị thuộc phụ lục đều được hưởng chính sách. Chỉ những cán bộ có vị trí việc làm về xây dựng pháp luật, pháp chế, kiểm tra văn bản và ở trong các đơn vị đó mới được”, Bộ trưởng cho hay.

Quy định về Quỹ hỗ trợ xây dựng chính sách, pháp luật đảm bảo chặt chẽ

Về ý kiến các đại biểu đề nghị bổ sung 2 đối tượng là đại biểu chuyên trách HĐND và cán bộ của Văn phòng HĐND và Đoàn đại biểu Quốc hội trực tiếp giúp việc, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho hay, Cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ có rà soát báo cáo với Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xem xét, quyết định.

Về Quỹ hỗ trợ xây dựng chính sách, pháp luật, để làm sao tránh được tình trạng hướng lái chính sách và lợi ích nhóm, Bộ trưởng cho biết, trong quá trình xây dựng Nghị định của Chính phủ về Quỹ, dự kiến sẽ thiết kế trong Hội đồng quản lý Quỹ sẽ có đại diện của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng để bảo đảm không được có lợi ích nhóm và trục lợi chính sách, trên cơ sở công khai, minh bạch.

“Tại Kết luận của Văn phòng Trung ương thông báo ý kiến Bộ Chính trị có nói nhất trí chủ trương thành lập Quỹ để tập trung nghiên cứu chính sách chủ động từ sớm, từ xa để xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật”, Bộ trưởng thông tin.

Theo Bộ trưởng, chính sách là cơ sở rất quan trọng để hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao chất lượng thực thi pháp luật nhưng lâu nay, mỗi khi xây dựng văn bản pháp luật thì chúng ta mới suy nghĩ đến việc nghiên cứu chính sách. Do đó, Quỹ này mục đích chính là để chủ động nghiên cứu chính sách từ sớm, từ xa.

“Chúng tôi sẽ có thiết kế những điều khoản ở trong Nghị định để bảo đảm chặt chẽ trong tổ chức thi hành, tránh trục lợi chính sách”, Bộ trưởng nói.

Minh Khôi

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/co-che-chinh-sach-dac-biet-trong-xay-dung-to-chuc-thi-hanh-phap-luat-dam-bao-dung-doi-tuong-thu-huong-post548646.html