Quy định mốc thời gian chuyển tiếp rõ ràng, đồng bộ trên toàn địa bàn
Nên quy định rõ từ ngày 1/1/2026, HĐND, UBND cấp xã sẽ căn cứ vào tình hình thực tế để ban hành văn bản quy phạm pháp luật của cấp mình. Điều này sẽ tạo ra một mốc thời gian chuyển tiếp rõ ràng, đồng bộ trên toàn địa bàn, giúp chính quyền cấp xã mới chủ động hơn trong việc xây dựng hệ thống pháp luật phù hợp với điều kiện cụ thể, đồng thời đảm bảo sự ổn định và minh bạch cho người dân và doanh nghiệp.
Chiều 16/5, tiếp tục Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội thảo luận tại Tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết số 71/2022/QH15 của Quốc hội.

Quang cảnh thảo luận tại Tổ 13 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Bắc Ninh, Đắk Lắk, Hậu Giang và Lào Cai. Ảnh: Lâm Hiển
Văn bản cấp huyện hết thời hạn đến ngày 1/3/2027 là quá dài
Tại Tổ 13 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Bắc Ninh, Đắk Lắk, Hậu Giang và Lào Cai, các ĐBQH bày tỏ hoàn toàn nhất trí việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhằm đáp ứng chủ trương không tổ chức đơn vị hành chính cấp huyện và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; đồng thời, thể hiện được nội dung phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số, thúc đẩy sự phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới.
Dự thảo Luật bổ sung khoản 4 Điều 72 quy định:
"a) Nghị quyết của Hội đồng nhân dân, quyết định của Ủy ban nhân dân cấp huyện tiếp tục có hiệu lực trong phạm vi địa giới của đơn vị hành chính cấp huyện trước khi được sắp xếp, trừ trường hợp Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp xã ban hành văn bản theo quy định tại điểm b khoản này;
b) Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp xã khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì trong văn bản đó phải quy định rõ thời điểm không áp dụng văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp huyện trong phạm vi địa giới đơn vị hành chính của mình. Việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định tại điểm này phải hoàn thành trước ngày 1/3/2027;
c) Văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp huyện hết hiệu lực kể từ ngày 1/3/2027”.
Cơ bản nhất trí việc bổ sung khoản 4, Điều 72 liên quan đến xử lý văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp huyện khi sắp xếp đơn vị hành chính, tuy nhiên, ĐBQH Trần Thị Vân (Bắc Ninh) nhận thấy, quy định tại điểm (b) nêu trên có thể dẫn đến sự không đồng nhất trong việc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật của các xã trong cùng một đơn vị hành chính cấp huyện trước khi sắp xếp.

ĐBQH Trần Thị Vân (Bắc Ninh) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Lâm Hiển
Ví dụ, cùng một loại văn bản quy phạm pháp luật, có xã ban hành văn bản mới sớm, có xã ban hành muộn, hoặc có xã không ban hành, dẫn đến việc cùng một chính sách lại có nhiều thời điểm áp dụng khác nhau trong một khoảng thời gian, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.
Đồng thời, việc quy định văn bản cấp huyện hết thời hạn đến ngày 1/3/2027, theo đại biểu cũng là quá dài. "Việc kéo dài hiệu lực của các văn bản cấp huyện trước khi sắp xếp như vậy sẽ làm chậm quá trình ổn định tổ chức và hoạt động của các đơn vị hành chính mới sau sắp xếp, đồng thời duy trì tình trạng pháp lý thiếu đồng bộ đã nêu ở trên", đại biểu Trần Thị Vân nhấn mạnh.

ĐBQH Lê Thị Thanh Lam (Hậu Giang) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Lâm Hiển
Để khắc phục hai vấn đề trên, đại biểu đề nghị bỏ quy định tại điểm (b) nêu trên, đảm bảo tính thống nhất, không nên để từng xã tự quyết định thời điểm hết hiệu lực của văn bản cấp huyện trước khi sắp xếp. Cùng với đó, sửa thời hạn tại điểm (c) theo hướng văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND cấp huyện cũ chỉ nên có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2025. "Đây là khoảng thời gian đủ để các địa phương chuẩn bị".
Đại biểu Trần Thị Vân cũng đề nghị quy định rõ từ ngày 1/1/2026, HĐND, UBND cấp xã sẽ căn cứ vào tình hình thực tế để ban hành văn bản quy phạm pháp luật của cấp mình. Điều này sẽ tạo ra một mốc thời gian chuyển tiếp rõ ràng, đồng bộ trên toàn địa bàn, giúp chính quyền cấp xã mới chủ động hơn trong việc xây dựng hệ thống pháp luật phù hợp với điều kiện cụ thể, đồng thời đảm bảo sự ổn định và minh bạch cho người dân và doanh nghiệp.
Phải có thời gian cho sự chuẩn bị của địa phương để có sự tiếp nối
Cũng liên quan đến khoản 4, Điều 72, ĐBQH Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đắk Lắk) thống nhất với quy định tại khoản a, b, c của dự thảo Luật, đồng thời cho rằng, ban soạn thảo mới chỉ đề cập đến việc điều chỉnh quy định chuyển tiếp đối với các văn bản quy phạm pháp luật cấp huyện (gồm Nghị quyết của HĐND, Quyết định của UBND) được thực hiện xử lý sau khi sáp nhập cấp xã, kết thúc hoạt động của cấp huyện, còn những văn bản quy phạm pháp luật của cấp trên nữa, ví dụ các Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết của HĐND cấp tỉnh có đối tượng tác động điều chỉnh, chi phối là cấp huyện và cấp xã vẫn tiếp tục có hiệu lực thì chưa được quy định.
Điều này, theo đại biểu sẽ có tác động rất lớn đến đời sống xã hội, các lĩnh vực khi kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện và sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã.

ĐBQH Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đắk Lắk) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Lâm Hiển
Đại biểu nêu ví dụ, Nghị quyết số 72 của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Ban Ma Thuột thì quy định chuyển tiếp như thế nào trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật? "Tới đây, TP Buôn Ma Thuột sẽ sáp nhập thành các phường, Nghị quyết này vẫn còn tác động tới sự phát triển của các phường trực thuộc thành phố hiện nay. Nếu chúng ta không quy định trong này thì rất khó cho quá trình thực hiện các vấn đề khác liên quan".
Hay một ví dụ khác, theo chủ trương của Trung ương khi sáp nhập xã vào phường thì gọi là phường. Nhưng khi là phường thì các chính sách dành cho xã của các chương trình mục tiêu quốc gia hiện nay sẽ không thực hiện được nữa, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, người dân đang được thụ hưởng rất nhiều chính sách. Nếu chúng ta không có quy định chuyển tiếp các vấn đề này thì các chính sách sẽ được thực hiện như thế nào?
Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt đề nghị, cần bổ sung quy định về áp dụng các quy định chuyển tiếp đối với các văn bản quy phạm pháp luật nói chung chứ không phải chỉ có văn bản quy phạm pháp luật của cấp huyện thì được thực hiện cho đến hết thời gian của nghị quyết có hiệu lực. "Phải có thời gian cho sự chuẩn bị của địa phương để có sự tiếp nối, chuyển tiếp, tính toán một Nghị quyết mới để thay đổi", đại biểu nhấn mạnh.
Tại khoản 4, Điều 1 của dự thảo Luật quy định: “Ủy ban nhân dân cấp xã ban hành quyết định để quy định những vấn đề được Luật, Nghị quyết của Quốc hội giao; phân cấp và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp”. Đại biểu Trần Thị Vân đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu xem xét, cụ thể hóa rõ thêm về nội dung “phân cấp” trên vì "phân cấp" thường được hiểu là việc cơ quan cấp trên giao một phần thẩm quyền cho cơ quan cấp dưới. Cấp xã là cấp cơ sở, trực tiếp thực thi chính sách và là cấp gần dân nhất. Do đó, việc quy định UBND cấp xã phân cấp sẽ không phù hợp với vị trí, vai trò của chính quyền cấp xã.
Các đại biểu cũng tập trung thảo luận về việc sửa đổi quy định về hiệu lực của văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật; bổ sung yêu cầu đánh giá tác động về bình đẳng giới trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; quy định về điều khoản chuyển tiếp đối với các nghị quyết, chính sách đặc thù của Quốc hội...