Cơ chế, chính sách đặc thù cần phát huy thế mạnh từng địa phương
Hôm qua 22/10, các đại biểu Quốc hội tiếp tục làm việc theo chương trình của kỳ họp thứ hai.
Cơ chế, chính sách đặc thù là động lực phát triển
Quốc hội nghe báo cáo thẩm tra về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hải Phòng và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế. Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết, việc ban hành Nghị quyết này để thể chế hóa các Nghị quyết của Bộ Chính trị nhằm tạo cơ chế huy động nguồn lực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương này. Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã thẩm tra nhiều nội dung cụ thể trong Nghị quyết về chính sách dư nợ vay; ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu từ tăng thu trên địa bàn các tỉnh, thành phố; định mức chi thường xuyên; thí điểm thực hiện chính sách phí, lệ phí trên địa bàn; quản lý đất đai; quản lý quy hoạch; thu từ xử lý nhà, đất; thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức; việc thành lập Quỹ bảo tồn di sản Huế...
Liên quan đến công tác quản lý đất đai và quản lý sử dụng rừng tại các địa phương, các đại biểu đều thống nhất việc phân cấp, Quốc hội trao thẩm quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trên cơ sở Chính phủ trình, từ đó giao cho HÐND các tỉnh, thành phố quyết định theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, đề nghị cần xem xét lại hạn mức, đồng thời cần quy định chặt chẽ việc chuyển đổi phải bảo đảm phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy định về giám sát, kiểm tra, thanh tra tính hiệu quả thiết thực, ổn định đời sống người dân. Ðại biểu Ðặng Ngọc Huy (Quảng Ngãi) nhận định, đang có sự khác biệt giữa Nghị quyết của Nghệ An, Thanh Hóa với TP Hải Phòng về quản lý đất đai của các địa phương này. Hải Phòng yêu cầu khi chuyển mục đích thì phải phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền quyết định. Trong khi hai tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa thì chỉ cần HÐND xem xét quyết định. Nội dung này cần cân nhắc, sửa đổi theo hướng để Nghị quyết đặc thù đối với Thanh Hóa, Nghệ An tương tự Hải Phòng, giao thẩm quyền cho HÐND nhưng chỉ được quyết định khi phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Ðối với nội dung trao thẩm quyền quyết định chuyển đổi đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ từ 50 ha đến dưới 500 ha cho địa phương, đa số đại biểu cho rằng, cần cân nhắc và có sự giám sát chặt chẽ. Theo đại biểu Trần Chí Cường (Ðà Nẵng), Thanh Hóa và Nghệ An là các tỉnh duyên hải miền trung thường xuyên bị tác động bão lũ thì việc giao quyết định chuyển đổi đất rừng đặc dụng cho địa phương có thể ảnh hưởng tới nhiều địa phương khác. Ðại biểu Nguyễn Văn Quảng (Ðà Nẵng) cho rằng, cần cân nhắc kỹ chủ trương giao thẩm quyền chuyển đổi mục đích đất rừng phòng hộ và đặc dụng, tránh ảnh hưởng đến diện tích rừng. Hiện nay, chúng ta đang cố gắng bảo vệ rừng đầu nguồn, nếu không quản lý chặt, nếu giao địa phương mà không có cơ chế kiểm soát, quản lý chặt thì dễ phát sinh vi phạm và tội phạm.
Ðánh giá cao tính cần thiết của việc ban hành Nghị quyết, tuy nhiên các đại biểu nhấn mạnh, cơ chế đặc thù phải được nghiên cứu dựa trên cơ sở lý luận và thực tiễn nhằm phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương; có tác động lan tỏa vùng miền; gắn với đề cao tính tự lực, tự cường, phát huy tính năng động, sáng tạo. Ðồng thời, cơ chế đặc thù phải phù hợp khả năng cân đối ngân sách nhà nước, không ảnh hưởng lớn đến vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương theo quy định của Hiến pháp; không làm tăng bội chi ngân sách nhà nước và trần nợ công đã được Quốc hội quyết định.
Tập trung nguồn lực cho y tế cơ sở
Buổi chiều, Quốc hội nghe các báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội của Quốc hội về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH), quản lý và sử dụng Quỹ BHXH năm 2020; báo cáo về việc quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) năm 2020 và thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT, tiến tới BHYT toàn dân, trong hai năm 2019 - 2020.
Báo cáo thẩm tra cho thấy, chỉ tiêu phát triển người tham gia BHYT theo Nghị quyết số 68 đã hoàn thành từ năm 2016, trước bốn năm so với quy định. Và đến năm 2020, 90,85% dân số tham gia BHYT - vượt 10,85% so với chỉ tiêu đề ra. Tuy nhiên, tỷ lệ tham gia BHYT cao tập trung chủ yếu ở nhóm được ngân sách nhà nước (NSNN) đóng hoặc hỗ trợ mua thẻ BHYT, nhóm người lao động thuộc khối hành chính sự nghiệp hoặc nhóm được quỹ BHXH bảo đảm kinh phí mua thẻ. Nhóm đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình chỉ đạt tỷ lệ bao phủ 76,5% tổng số người thuộc diện tham gia. Từ năm 2020, do tác động của dịch Covid-19, công tác phát triển đối tượng tham gia BHYT tại một số địa phương bị ảnh hưởng; một số doanh nghiệp phải dừng hoạt động, giải thể dẫn đến xảy ra tình trạng trốn đóng, chậm đóng, nợ đóng BHYT cũng như một số người không có điều kiện để tiếp tục tham gia BHYT theo hộ gia đình.
Theo Báo cáo thẩm tra, dịch Covid-19 ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội, nhiều doanh nghiệp ngừng sản xuất, người lao động không có việc làm. Các tỉnh, thành phố cũng gặp khó khăn trong bố trí ngân sách địa phương để hỗ trợ thêm mức đóng BHYT cho một số đối tượng theo quy định; các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động, người dân gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh... dẫn đến công tác thu BHYT gặp nhiều khó khăn.
Thảo luận tại tổ, nhiều đại biểu cho rằng, cần bố trí nguồn lực cho phát triển hệ thống y tế cơ sở và xem xét việc điều chỉnh mức đóng BHYT theo quy định để nâng cao hơn nữa chất lượng khám, chữa bệnh BHYT. Theo đại biểu Quàng Văn Hương (Sơn La) báo cáo của Chính phủ cho thấy, số trạm y tế cơ sở trong những năm qua đã phát tăng từ 69,2% lên 77,9%, việc xây dựng và phát triển các trạm y tế cơ sở, đặc biệt là ở khu vực vùng sâu, vùng xa là rất cần thiết, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, tuy nhiên lại chưa có chiến lược và nguồn lực cho vấn đề này.
Phát biểu ý kiến thảo luận tại tổ, Chủ tịch Quốc hội Vương Ðình Huệ khẳng định, chính sách BHXH, BHYT rất quan trọng, là trụ cột an sinh xã hội. Quỹ BHXH, BHYT cũng là quỹ tài chính ngoài NSNN lớn nhất, nhưng lại thông qua NSNN, số tiền nhà nước chi trả cho các nhóm đối tượng tham gia BHYT rất lớn... Về thực hiện chính sách BHYT, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần Chính phủ, nhất là Bộ Tư pháp xem xét thúc đẩy mô hình bác sĩ gia đình, vấn đề này đã được đưa ra từ năm 2013 nhưng đến nay kết quả thực tế chưa rõ... Chủ tịch Quốc hội đồng tình, việc xem xét đưa vào Nghị quyết giao Chính phủ thực hiện đầu tư nâng cao y tế dự phòng; điều chỉnh mức đóng BHYT cho phù hợp chi trả và khả năng ngân sách.