Cơ chế, chính sách giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người có đất thu hồi

Ngày 17/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc, cho ý kiến vào dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người có đất bị thu hồi. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Phú Thọ có đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, địa phương.

Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Phú Thọ

Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Phú Thọ

Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người có đất thu hồi, theo quy định tại khoản 2 và khoản 3, Điều 109, Luật Đất đai năm 2024 được Bộ LĐTBXH chủ trì soạn thảo gồm 10 Điều nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối, quan điểm chỉ đạo của Đảng; bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, hướng tới bảo đảm việc làm bền vững cho tất cả người lao động (NLĐ), nhất là các đối tượng bị thu hồi đất.

Theo đó, đối tượng áp dụng là NLĐ có đất thu hồi bao gồm: NLĐ được hỗ trợ theo quy định tại khoản 1 Điều 109 Luật Đất đai (gọi tắt là người có đất nông nghiệp thu hồi); người thuộc hộ gia đình, cá nhân theo quy định tại khoản 3 Điều 109 Luật Đất đai (gọi tắt là người có đất kinh doanh thu hồi) và cơ quan, doanh ngiệp, tổ chức có liên quan.

Dự thảo nêu rõ, NLĐ có đất thu hồi được hưởng chính sách hỗ trợ trong thời hạn 5 năm kể từ ngày có quyết định thu hồi đất; được hưởng các chính sách hỗ trợ về đào tạo nghề, hỗ trợ giải quyết việc làm trong nước, và đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Tại hội nghị, cơ bản các ý kiến đều đồng tình, thống nhất với nội dung dự thảo Quyết định, đồng thời đề nghị điều chỉnh mức hỗ trợ bảo đảm công bằng, phù hợp theo từng loại hình hỗ trợ.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ghi nhận và đánh giá cao Bộ LĐTBXH đã nghiên cứu, lấy ý kiến tổng hợp các bộ, ngành, địa phương liên quan.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Cần làm rõ cấu trúc, điều kiện và các hình thức hỗ trợ căn cứ vào điều kiện thực tế; rà soát cụ thể và xác định rõ các đối tượng được hỗ trợ, tránh bỏ sót bởi các khái niệm người được hỗ trợ không cụ thể; cần tính toán cụ thể các nguồn lực hỗ trợ và biên độ thời gian hỗ trợ theo các phương án thực hiện của các địa phương.

Nghiên cứu cụ thể các phương án hỗ trợ, bổ sung điều khoản, hướng dẫn cụ thể nhằm đảm bảo công bằng cho các đối tượng thụ hưởng. Phó Thủ tướng đề nghị Bộ LĐTBXH căn cứ các ý kiến góp ý, tổng hợp, hoàn thiện báo cáo, tờ trình sớm trình Chính phủ phê duyệt.

Ngọc Tuấn

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/co-che-chinh-sach-giai-quyet-viec-lam-va-dao-tao-nghe-cho-nguoi-co-dat-thu-hoi-215567.htm