Cơ chế đặc thù
Mới đây, Học viện Múa Việt Nam và Học viện Âm nhạc quốc gia lên tiếng kêu cứu vì nhận được công văn của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) lưu ý các học viện này không được phép đào tạo trình độ trung cấp.
Theo các đơn vị này, hệ trung cấp của khối ngành văn hóa nghệ thuật là đào tạo năng khiếu kéo dài, có ngành từ 6 - 9 năm, với học sinh nhỏ tuổi, không phải là giáo dục nghề (6 - 12 tháng) theo Luật Giáo dục nghề nghiệp. Nếu bỏ hệ trung cấp trong các học viện này đồng nghĩa xóa sổ luôn đơn vị, ảnh hưởng đến nhiệm vụ đào tạo tài năng lĩnh vực văn hóa nghệ thuật của đất nước.
Liên quan đến việc đào tạo ngành văn hóa nghệ thuật, không chỉ học viện chuyên ngành cấp Trung ương kêu cứu mà các trường văn hóa nghệ thuật địa phương cũng… than khóc. Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII (Nghị quyết 19), một số tỉnh có chủ trương sáp nhập, hợp nhất các trường trung cấp, cao đẳng (trong đó có trường văn hóa nghệ thuật) trong toàn tỉnh thành trường cao đẳng cộng đồng hoặc sáp nhập, hợp nhất trường văn hóa nghệ thuật với trường cao đẳng sư phạm.
Do chưa được điều tra, nghiên cứu kỹ, nên khi trường văn hóa nghệ thuật ráp cơ học vào một trường khác, tình hình tuyển sinh đã teo tóp lại càng tóp teo. Trong một diễn đàn về đào tạo văn hóa nghệ thuật, ông Hồ Việt Anh - Hiệu trưởng Trường CĐ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Du (Hà Tĩnh) cho biết, một số trường văn hóa nghệ thuật sau khi sáp nhập đã không còn bóng dáng của đào tạo văn hóa nghệ thuật nữa!
Thông báo của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp với Học viện Múa, Học viện Âm nhạc quốc gia là thực hiện theo quy định pháp luật, khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH có hiệu lực, các cơ sở giáo dục ĐH không được đào tạo trình độ trung cấp, CĐ; thay vào đó, trình độ sơ cấp, trung cấp, CĐ sẽ do giáo dục nghề nghiệp phụ trách.
Tương tự vậy, việc sáp nhập các trường CĐ, trung cấp, trong đó có trường văn hóa nghệ thuật ở các địa phương cũng là thực hiện Nghị quyết 19 về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Mục tiêu và ý nghĩa của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH hay Nghị quyết 19 đều tốt, phù hợp với xu thế chung. Tuy nhiên, thực tế triển khai của đời sống luôn có những diễn biến sinh động, có lĩnh vực, nội dung đặc thù cần sự linh hoạt trong thực hiện.
Các trường văn hóa nghệ thuật là một mặt trận quan trọng, không chỉ là chiếc nôi đào tạo tài năng cho quốc gia, mà còn giữ gìn truyền thống văn hóa nghệ thuật của từng địa phương. Bởi mang nặng tính truyền nghề, đa ngành nghề, đa lĩnh vực, trình độ nên các cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật khó có thể áp dụng cơ chế cứng như cơ sở đào tạo ở lĩnh vực khác.
Việc tuyển sinh ngành văn hóa nghệ thuật cũng chưa bao giờ dễ dàng do tiêu chí năng khiếu là đòi hỏi hàng đầu, thời gian đào tạo kéo dài, tuổi nghề ngắn, sinh viên tốt nghiệp ra trường khó tìm được việc làm, lương thấp. Nay, nếu thêm việc các trường cắt giảm hệ đào tạo, sáp nhập cơ học sẽ tác động tiêu cực đến sự nghiệp phát triển đào tạo tài năng, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, đặc biệt là bộ môn nghệ thuật dân gian, truyền thống, nguy cơ sẽ làm mất đi vị thế vốn có của những vùng đất văn hóa.
Một cơ chế đặc thù đối với việc đổi mới hệ thống các trường đào tạo ngành văn hóa nghệ thuật là hết sức cần thiết, nếu không sẽ khó vực dậy được lĩnh vực này, kéo theo đó là nguy cơ mất nguồn nhân lực, khó phát triển tài năng văn hóa nghệ thuật cũng như bảo tồn được các giá trị truyền thống của dân tộc.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/co-che-dac-thu-1595993593381.html