Cơ chế đặc thù cho Cần Thơ về luồng hàng hải: Cần hạn chế tối đa tác động đến môi trường, sinh kế của người dân

Chiều 7-1, tiếp tục chương trình làm việc, Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ. Theo các đại biểu, dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An – Cần Thơ cần hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến môi trường, sinh kế của người dân.

Xây dựng thành phố Cần Thơ thành trung tâm phát triển của vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội đều thống nhất cho rằng, việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội để thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ là đủ cơ sở chính trị, căn cứ thực tiễn, nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị (Nghị quyết 59) về phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đồng thời, tạo cơ chế thu hút đầu tư, nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng thành phố Cần Thơ thành trung tâm phát triển của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp phát triển chung của đất nước trong thời gian tới.

Việc ban hành chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ cũng bảo đảm tính tương đồng với một số địa phương vừa được Quốc hội cho phép thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù.

Đa số ý kiến cũng đồng ý với việc cho phép Cần Thơ áp dụng 8 nhóm chính sách đặc thù về: Quản lý tài chính – ngân sách Nhà nước; thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức; quản lý đất đai; điều chỉnh quy hoạch…..

 Quang cảnh phiên họp chiều 7-1. Ảnh: VPQH

Quang cảnh phiên họp chiều 7-1. Ảnh: VPQH

Dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An – Cần Thơ là một trong nhiều cơ chính sách được các đại biểu Quốc hội quan tâm, thảo luận tại phiên họp.

Trong Tờ trình, Chính phủ đề xuất: Các dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ bảo đảm chuẩn tắc hàng hải cho tàu có trọng tải từ 10.000 tấn trở lên ra vào các cảng của thành phố Cần Thơ và có quy mô vốn từ 500 tỷ đồng trở lên được áp dụng các hình thức ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp; miễn, gia hạn tiền thuê đất.

Đa số ý kiến tán thành về sự cần thiết có chính sách khuyến khích xã hội hóa nguồn lực trong thực hiện các dự án nạo vét luồng hàng hải nhằm khắc phục khó khăn trong thực hiện xã hội hóa, thu hút đầu tư luồng hàng hải Định An - Cần Thơ, giảm chi phí cho ngân sách nhà nước và chi phí logistics, phục vụ việc vận chuyển hàng hóa, đặc biệt hàng nông sản, phát huy thế mạnh của Cảng Cái Cui, tạo bước phát triển kinh tế cho Cần Thơ và khu vực.

Cần hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến môi trường, sinh kế của người dân

Tuy nhiên, để bảo đảm phát huy tối đa hiệu quả, các đại biểu đề nghị trước khi triển khai các dự án cụ thể, Chính phủ chịu trách nhiệm chỉ đạo thực hiện một số nội dung về đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội gắn với quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Đặc biệt, cần đánh giá đầy đủ tác động môi trường; chế độ dòng chảy, bồi lắng trầm tích, địa hình đáy sông, sự tương tác giữa các yếu tố tác động thủy động lực học có thể dẫn đến gia tăng tình trạng xói mòn, sạt lở, bồi lắng bùn cát…; đề xuất giải pháp khắc phục tối đa tác động tiêu cực môi trường đối với luồng hàng hải Định An - Cần Thơ, gắn với ứng phó biến đổi khí hậu...

Góp ý tại phiên họp, đại biểu Tạ Đình Thi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội (Đoàn TP Hà Nội) nhấn mạnh: Quá trình thực hiện dự án cần có biện pháp quản lý cũng như kỹ thuật công nghệ với kế hoạch tổng thể, dài hạn trong mối quan hệ tương quan.

"Việc nạo vét cần hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến môi trường, đa dạng sinh học, gây sạt lở bờ sông, bờ biển, nhất là vấn đề sinh kế của người dân hay giao thông đường thủy…", đại biểu nói.

Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh. Ảnh: VPQH

Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh. Ảnh: VPQH

Cùng mối quan tâm, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội (Đoàn Long An) cũng đề nghị cần đánh giá đầy đủ tác động môi trường.

Theo đại biểu Nguyễn Tuấn Anh, đây là vấn đề mà Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã nêu trong báo cáo ý kiến gửi tới cơ quan chủ trì thẩm tra.

Trước kỳ họp này, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã trao đổi, làm việc với một số chuyên gia, nhà khoa học và nhiều ý kiến đề nghị cần đánh giá hiệu quả kinh tế để kết hợp sử dụng luồng hàng hải của vùng một cách hiệu quả nhất, kết hợp các phương thức giao thông như đường bộ, đường thủy trong vận chuyển hàng hóa tiêu thụ và xuất khẩu chủ lực của vùng đồng bằng sông Cửu Long (gạo, trái cây, thủy sản nuôi trồng…).

Đại biểu cho rằng, việc sớm triển khai dự án xã hội hóa nạo vét luồng hàng hải Định An - Cần Thơ theo chuẩn tắc hàng hải cho tàu có trọng tải lớn từ 10.000 tấn ra, vào các cảng của Cần Thơ sẽ thúc đẩy nhanh việc phát huy công suất các cảng theo Quy hoạch đã phê duyệt, góp phần bảo đảm chất lượng logistics của vùng đồng bằng sông Cửu Long, phù hợp định hướng phát triển trên cơ sở thực trạng điều kiện tự nhiên, nguồn lực đặc thù của vùng, phù hợp với với nguyên tắc thuận thiên để phát triển bền vững theo tinh thần Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tuy vậy, đại biểu đề nghị các bộ, địa phương trong triển khai một vấn đề lớn như nghiên cứu tổng thể, đánh giá hiệu quả đầu tư, kinh tế – xã hội, môi trường gắn với quy hoạch phát triển đồng bằng sông Cửu Long.

Cùng với đó, đại biểu nhấn mạnh, cần kiểm tra thường xuyên đối với hoạt động nạo vét, thực hiện chế độ thông tin, báo cáo định kỳ nhằm xử lý kịp thời các tác động tiêu cực của dự án nạo vét đối với hoạt động hàng hải, cộng đồng dân cư và môi trường tự nhiên…

HẰNG PHƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/co-che-dec-thu-cho-cen-tho-ve-luong-heng-hei-can-hen-che-toi-da-tec-dong-den-moi-truong-sinh-ke-cua-nguoi-dan-682745