Cơ chế đặc thù cho TP.HCM: Chủ yếu xin cơ chế không xin tiền

Theo các ĐBQH, về cơ bản, đề án chủ yếu xin cơ chế không xin tiền. TP.HCM thí điểm thành công sẽ là thực tiễn, cơ hội cho các địa phương khác xem xét nhân rộng mô hình.

Sáng 20/11, QH tiến hành thảo luận về dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển TP.Hồ Chí Minh.

ĐB Mai Hồng Hải phát biểu thảo luận tại QH. Ảnh: Quochoi.vn

ĐB Mai Hồng Hải phát biểu thảo luận tại QH. Ảnh: Quochoi.vn

Tại buổi thảo luận, các vấn đề liên quan đến cơ chế đặc thù quản lý đất đai; quản lý đầu tư; về tài chính – ngân sách, về thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức đã thu hút sự góp ý, tranh luận của các ĐBQH.

ĐB Mai Hồng Hải (Hải Phòng) phát biểu, về quản lý đất đai, quản lý đầu tư tại Điều 3, Điều 4 của dự thảo Nghị quyết cho phép phân cấp, phân quyền cho HĐND TP.HCM chuyển đổi mục đích sử dụng đất trên 10ha… Việc này không tăng nguồn lực nhưng giảm bớt thủ tục, tiết kiệm thời gian, tăng sự chủ động cho TP. Việc phân quyền quản lý đất đai vẫn được kiểm soát vì vẫn nằm trong quy hoạch.

Về vấn đề quản lý ngân sách tại Điều 5 của dự thảo Nghị quyết, theo đại biểu, các chính sách về thuế, phí, lệ phí đều theo hướng tăng lên nhưng về thuế, Nghị quyết không giao cho TP.HCM quyết định tất cả mà mới chỉ là chủ trương với mức trần 25% thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường. Về thí điểm thuế tài sản, TP.HCM như một đơn vị soạn thảo báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ QH quyết định. Quy định như vậy không trái với Hiến pháp, đảm bảo thận trọng.

“Vấn đề là tăng thuế đến đâu để không gây bất lợi cho môi trường kinh doanh của TP. Việc này chính TP phải cân nhắc khi xây dựng chính sách cụ thể về thuế trình Chính phủ và vẫn do Ủy ban Thường vụ QH quyết định. Theo tôi, các chính sách về thuế nên mở rộng đối tượng thu hơn là tăng mức thu ”, ĐB Mai Hồng Hải nói.

Việc ủy quyền của TP cho ủy ban cấp huyện, xã theo ĐB là không cần thiết vì nó đã được quy định rõ tại luật Tổ chức chính quyền địa phương. “Tôi đề nghị làm rõ khi nào được ủy quyền và ủy quyền như thế nào”, ĐB Hải nêu quan điểm.

ĐB Hải khẳng định: “Việc bổ sung thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức là thể hiện sự quan tâm của TP với người lao động. Theo tôi, nên giữ mức lương cơ bản, nếu TP làm tốt thì có nguồn để bổ sung thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức. Về cơ bản, theo tôi đề án chủ yếu xin cơ chế không xin tiền. TP.HCM thí điểm thành công sẽ là thực tiễn để đánh giá trước khi mở rộng cho các địa phương khác ”.

Thể hiện sự đồng tình với việc cần thiết phải ban hành Nghị quyết thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, ĐB Dương Minh Tuấn (đoàn Bà Rịa- Vũng Tàu) thống nhất thông qua Nghị quyết tại kỳ họp này. Tuy nhiên theo ĐB đề nghị, việc thí điểm thu thuế tài sản không chỉ ở TP.HCM mà nên thực hiện thí điểm ở cả Hà Nội.

Tranh luận về ý kiến của ĐB Tuấn đề nghị mở rộng địa phương thí điểm thu thuế tài sản, ĐB Phan Thái Bình (đoàn Quảng Nam) cho rằng, không nên mở rộng thí điểm ở các địa phương khác vì như vậy sẽ không còn là thí điểm nữa.

Về mức tăng thu nhập đối với cán bộ, công chức, viên chức của TP.HCM, ĐB Nguyễn Lân Hiếu nêu quan điểm, nếu dự thảo Nghị quyết quy định mức tăng thu nhập không có trần thì các địa phương khác sẽ chảy máu chất xám. “Theo tôi, cần quy định trần thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức do HĐND TP.HCM quyết”, ĐB Nguyễn Lân Hiếu nói.

Đỗ Thơm (ghi)

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/co-che-dac-thu-cho-tphcm-chu-yeu-xin-co-che-khong-xin-tien-a347732.html