Cơ chế đặc thù cho TP.HCM: Đề xuất miễn thuế thu nhập doanh nghiệp với startup trọn vẹn 5 năm

Đây là một trong những chính sách được quy định riêng cho hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (startup) tại TP.HCM, theo cơ chế, chính sách đặc thù đang được thảo luận dành cho Thành phố.

Tuần lễ Đổi mới sáng tạo & chuyển đổi số TP. HCM 2022. Ảnh: Lê Quang

Tuần lễ Đổi mới sáng tạo & chuyển đổi số TP. HCM 2022. Ảnh: Lê Quang

Trong phiên thảo luận tại tổ về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, vẫn có đại biểu cho rằng, không ưu đãi cho các hoạt động startup.

Tuy nhiên, trong phần giải trình gửi đại biểu Quốc hội trước phiên thảo luận tại Hội trường, sẽ diễn ra vào chiều nay, 8/6, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong vai trò là cơ quan được Chính phủ giao chủ trì soạn thảo Dự thảo Nghị quyết bảo lưu đề xuất này.

Chính sách miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 5 năm cho hoạt động đổi mới sáng tạo không phải là đề xuất mới, mà được tham khảo từ chính sách miễn giảm cho doanh nghiệp khoa học và công nghệ hiện đang áp dụng theo quy định tại Nghị định số 13/2019/NĐ-CP. Trong Nghị định 13/2019/NĐ-CP, chính sách ưu đãi thuế là miễn 4 năm đầu và giảm 50% trong 9 năm tiếp theo.

Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất thời gian miễn thuế là 5 năm để đồng nhất thời gian miễn thuế trong nội dung Dự thảo Nghị quyết và thời gian hiệu lực của Nghị quyết.

Ngoài ra, nếu theo các giai đoạn phát triển của startup, thì một startup được xem là thành công không phải là gọi được vốn từ nhà đầu tư. Bởi trên thế giới, số vòng gọi vốn cao nhất hiện nay là 7 vòng gọi vốn, nghĩa là gọi được vốn ở bất cứ vòng nào đều có khả năng thất bại.

Bên cạnh đó, tùy theo các lĩnh vực phát triển mà thời gian ươm tạo và phát triển 1 startup có thể dao động từ 5-15 năm (Công nghệ: 5 năm, nông nghiệp, công nghệ cao: 10-15 năm). Vì vậy, đề xuất miễn thuế tính từ thời điểm phát sinh thuế thu nhập phải nộp đối với thu nhập từ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của nhóm đối tượng này là phù hợp.

Ngoài ra, Bô Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, hệ sinh thái của Việt Nam nói chung và TP.HCM đang ở giai đoạn đầu phát triển, khả năng liên kết các thành phần trong hệ sinh thái chưa thật sự tốt do chưa có nhiều tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Qua thống kê sơ bộ, TP.HCM hiện có khoảng 45 đơn vị phù hợp tiêu chí tổ chức trung gian như Dự thảo Nghị quyết, con số này là rất nhỏ đối với một địa phương rất nhiều nguồn lực như Thành phố.

Chính sách miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản thu nhập từ chuyển nhượng vốn góp, quyền góp vốn vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tại điểm b Khoản 1 Điều 8 của Dự thảo là cần thiết, vì bản chất của đầu tư mạo hiểm là việc đầu tư vào các giai đoạn rất sớm của doanh nghiệp (rủi ro hơn 95%).

Tổng số vốn đầu tư mạo hiểm của TP.HCM từ năm 2019-2022 là khoảng 1,9 tỷ USD cho 184 thương vụ đầu tư, bình quân mỗi năm thu hút được hơn 500 triệu USD.

Với vòng đời của 1 quỹ đầu tư mạo hiểm từ 5-10 năm (là thời điểm các quỹ kỳ vọng có thể thoái vốn để thu hồi vốn đầu tư với tỷ lệ từ 10-20% tổng số các thương vụ đã đầu tư, khi giá trị doanh nghiệp khởi nghiệp mới có khả năng tăng từ 5-10 lần), thì thời điểm ban hành chính sách này là phù hợp.

"Chính sách sẽ tạo động lực thu hút dòng vốn của các nhà đầu tư, nâng cao lợi thế cạnh tranh của Thành phố trong khu vực", Bộ Kế hoạch và Đầu tư giải trình, bảo vệ đề xuất dành ưu đãi cho các startup..

Khánh Linh

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/co-che-dac-thu-cho-tphcm-de-xuat-mien-thue-thu-nhap-doanh-nghiep-voi-startup-tron-ven-5-nam-d191479.html