Cơ chế đặc thù đẩy nhanh tiến độ cao tốc Bắc Nam giai đoạn II
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa gửi Thủ tướng Chính phủ giải trình, tiếp thu và hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ triển khai thực hiện dự án xây cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn II (2021 - 2025).
Cơ chế chỉ định thầu
Theo giải trình, để dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn II sớm khởi công, Bộ GTVT đã đề xuất cho phép Bộ và các địa phương chỉ định thầu trong 2 năm 2022 - 2023 đối với các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB) và tái định cư.
Riêng các gói thầu xây lắp các dự án thành phần được chỉ định thầu kèm theo yêu cầu tiết kiệm 5% giá trị dự toán gói thầu. Trình tự, thủ tục chỉ định thầu thực hiện theo quy định của pháp luật đấu thầu; đối với các gói thầu xây lắp, Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận danh sách dự kiến nhà thầu trước khi chỉ định thầu.
Bên cạnh đó, Bộ GTVT đề xuất giao Bộ GTVT thực hiện thẩm quyền của người quyết định đầu tư, tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt 12 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam. Trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư các dự án thành phần được thực hiện tương tự như đối với dự án nhóm A theo quy định pháp luật về đầu tư công.
Qua tìm hiểu, dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn II có 10/12 dự án thành phần thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia thuộc thẩm quyền Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư. Vì vậy, cần triển khai trước công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và xác định các bãi đổ chất thải rắn xây dựng; phê duyệt hồ sơ thiết kế cắm cọc GPMB và bàn giao cho các địa phương theo từng đoạn tuyến trong quá trình lập dự án đầu tư tùy thuộc mức độ phức tạp của điều kiện địa hình, địa chất, thủy văn.
Thực tế, các địa phương hiện nay cần sớm rà soát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để đảm bảo đủ cơ sở, căn cứ GPMB. Trên cơ sở đó, xác định sơ bộ nhu cầu tái định cư, rà soát quỹ đất, quỹ nhà tái định cư để xác định địa điểm, hình thức tái định cư; tổ chức lập dự án đầu tư xây dựng các khu tái định cư...
Ngoài ra, Dự thảo Nghị quyết cũng kiến nghị cho phép triển khai đồng thời các thủ tục để rút ngắn thời gian thẩm định và hoàn thiện hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất rừng và đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên; thẩm định, quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; thẩm tra, phê duyệt khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; khảo sát, lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư; các công việc liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; khảo sát, lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán và lựa chọn nhà thầu để đảm bảo tiến độ triển khai.
Nếu các cơ chế đặc thù được đưa vào Nghị quyết của Chính phủ, 12 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam giai đoạn II có thể được khởi công năm 2022, cơ bản hoàn thành vào năm 2025 theo mục tiêu đề ra.
Tạo điều kiện khai thác mỏ vật liệu phục vụ dự án
Liên quan đến nguồn vật liệu, để hạn chế tình trạng thiếu đất đắp như giai đoạn I, Bộ GTVT đề xuất cho phép các bộ, ngành, địa phương được áp dụng cơ chế đặc thù và thực hiện các trách nhiệm liên quan trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường được Chính phủ ban hành tại các Nghị quyết số 60 và 133 để thực hiện.
Đối với các mỏ vật liệu khác còn thời hạn khai thác, UBND cấp tỉnh được phép quyết định nâng công suất theo nhu cầu của dự án như đối với các mỏ đất đắp nền đường đã được Chính phủ cho phép tại Nghị quyết số 133, không phải lập dự án đầu tư điều chỉnh, báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc cấp giấy phép môi trường khi quyết định nâng công suất với điều kiện phải đáp ứng yêu cầu về an toàn, bảo vệ môi trường trong khai thác.
Trong hai năm 2022 - 2023, nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong Hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ Dự án; nhà thầu thi công được khai thác mỏ khoáng sản đến khi hoàn thành dự án. Việc cấp mỏ và cho phép nhà thầu khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng khi nhà thầu có đề nghị và đã thực hiện đầy đủ các thủ tục. Sau khi đã khai thác đủ khối lượng cung cấp cho Dự án, nhà thầu có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ bảo vệ, cải tạo, phục hồi môi trường và bàn giao mỏ để địa phương quản lý theo quy định pháp luật.
Theo khảo sát của Bộ GTVT, nhu cầu về vật liệu đất đắp đối với dự án cần khoảng 32 triệu m3; trong đó, các dự án thành phần đoạn qua khu vực miền Trung (đoạn Bãi Vọt - Cam Lộ và đoạn Quảng Ngãi - Nha Trang) cơ bản có thể đáp ứng; đối với đoạn Cần Thơ - Cà Mau, nguồn cung về đất đắp rất khan hiếm, nên phải thay thế đắp nền bằng cát.
Tổng mức đầu tư các dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn II khoảng 146.990 tỷ đồng, Bộ GTVT đã tính toán chiều dài từng cầu, hầm, kể cả địa chất, thủy văn... làm cơ sở thuê tư vấn lập dự án, xác định cụ thể hướng tuyến đầu tư; đảm bảo sau khi phê duyệt thiết kế kỹ thuật dự toán, mới chỉ định thầu và đấu thầu.