Cơ chế đặc thù sẽ giúp y tế Thủ đô phát triển xứng tầm
Nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh và năng lực hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở, hệ thống khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình… là một trong các nội dung quan trọng được quy định trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
Dự thảo Luật đưa ra các quy định nhằm xây dựng hệ thống y tế Thủ đô tiên tiến và hiện đại phù hợp với quy mô dân số, địa bàn thực hiện. Trong đó, tập trung phát triển một số lĩnh vực tiếp cận trình độ công nghệ thế giới; nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh và năng lực hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở, hệ thống khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình, bảo đảm chăm sóc toàn diện sức khỏe nhân dân; phát triển hệ thống cấp cứu ngoại viện công lập và ngoài công lập.
Dự thảo Luật quy định cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập của thành phố Hà Nội được sử dụng quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp trong mua sắm, sửa chữa thực hiện theo quy định về mua sắm, sửa chữa nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của đơn vị sự nghiệp công lập.
Đồng thời, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quy định việc sử dụng kinh phí ngân sách để thanh toán một số nhiệm vụ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình gồm: Quản lý, chăm sóc sức khỏe ban đầu trên địa bàn, tư vấn nâng cao sức khỏe và phòng bệnh; mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình làm căn cứ để thanh toán bảo hiểm y tế theo pháp luật bảo hiểm y tế.
Từ năm 2019, Hà Nội đã triển khai kế hoạch nâng cao chất lượng hoạt động của trạm y tế theo nguyên lý y học gia đình và đã đưa số trạm y tế thực hiện theo nguyên lý y học gia đình từ mức 47,8% số trạm lên mức 82,73% số trạm vào năm 2020.
Tuy nhiên, các trạm y tế còn gặp nhiều khó khăn như thiếu bác sĩ có chất lượng phù hợp, nhất là tại trạm y tế xã, các dịch vụ chuyên sâu tại trạm y tế chưa thể thanh toán bằng bảo hiểm y tế, số lượng cơ sở hành nghề y tư nhân thực hành nguyên lý y học gia đình còn khá hạn chế…
Do đó, dự thảo Luật giao Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quy định lộ trình, cơ chế tài chính, chính sách đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực để thực hiện cơ chế khám bệnh, chữa bệnh theo nguyên lý y học gia đình. Đồng thời, quyết định việc sử dụng quỹ bảo hiểm y tế để phát triển hoạt động khám, chữa bệnh y học gia đình trên cơ sở nguồn kinh phí bảo hiểm y tế được phân bổ.
Dự thảo Luật cũng giao Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quy định việc sử dụng kinh phí ngân sách và người bệnh chi trả để thanh toán dịch vụ cấp cứu ngoại viện; mức giá dịch vụ cấp cứu ngoại viện.
Đồng thời, quy định về hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực y tế thực hiện khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình, y tế dự phòng, chăm sóc sức khỏe nhân dân; hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng tại nước ngoài, cập nhật, chuyển giao công nghệ hiện đại, kỹ thuật tiên tiến trong lĩnh vực y dược, an toàn thực phẩm, phòng, chống dịch bệnh, y tế công cộng cho cơ sở y tế công lập của thành phố Hà Nội.
Theo dự thảo Luật, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội sẽ quy định về tiêu chí, trình tự, thủ tục công nhận cơ sở khám, chữa bệnh chất lượng cao, hiện đại trong lĩnh vực y tế trên địa bàn Thủ đô; lộ trình phát triển và tổ chức, hoạt động của hệ thống cấp cứu ngoại viện trên địa bàn Thủ đô bao gồm Bệnh viện 115, Trung tâm điều phối cấp cứu, Trung tâm đào tạo cấp cứu và mạng lưới cấp cứu; trạm cấp cứu của 115 và các tổ cấp cứu ngoại viện của các bệnh viện đóng trên địa bàn Thủ đô.
Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cũng quy định lộ trình thực hiện khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình, việc phân cấp chuyên môn, chuyển cấp người bệnh thuộc đối tượng quản lý phù hợp với sự phát triển của hệ thống y tế Thủ đô.
Đồng thời, quy định việc các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc thành phố Hà Nội được áp dụng kỹ thuật mới, phương pháp mới trong khám bệnh, chữa bệnh đã được cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài cho phép áp dụng tại nước ngoài mà lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam.