Cơ chế đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia
Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp Quốc hội bất thường lần thứ 5, sáng nay (16/1), Quốc hội nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự thảo 'Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia' và báo cáo về việc bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025...
Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia” gồm 6 Điều với một số nội dung chính: Các địa phương được dự kiến một phần vốn trong trung hạn để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp; không bắt buộc giao tên danh mục dự án này trong trung hạn. Hằng năm, các địa phương thực hiện phân bổ, giao kế hoạch chi tiết đến từng dự án cụ thể và đảm bảo không vượt mức vốn đã dự kiến trong trung hạn.
Báo cáo thẩm tra của Hội đồng dân tộc cơ bản nhất trí với đề xuất của Chính phủ, đồng thời đề nghị nên cân nhắc bổ sung quy định phân cấp giao cho cấp tỉnh thông báo số dự kiến vốn sự nghiệp ngân sách trung ương năm tiếp theo để địa phương chủ động trong việc triển khai thực hiện, nhất là các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất. Một số ý kiến cho rằng, cần có quy định nguyên tắc cho việc phân bổ, quy định tỷ lệ nhất định trong các nhóm lĩnh vực để tránh tùy tiện, không bảo đảm mục tiêu cơ bản của các CTMTQG.
Về sử dụng ngân sách nhà nước trong trường hợp giao chủ dự án phát triển sản xuất tự thực hiện việc mua sắm hàng hóa phục vụ hoạt động phát triển sản xuất. Chính sách này Chính phủ cũng đã tiếp thu ý kiến của UBTVQH và ý kiến thẩm tra của HĐDT và các Ủy ban của Quốc hội. Hội đồng Dân tộc cơ bản thống nhất với đề xuất của Chính phủ, tuy nhiên cần quy định đơn giản về quy trình, thủ tục và cụ thể để thực hiện ngay; nghiên cứu thêm cơ chế hỗ trợ khoán trọn gói đối với cộng đồng dân cư.
Về tờ trình và báo cáo thẩm tra về việc bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu NSTW năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công và bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam từ nguồn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Việc phân bổ, bố trí sử dụng dự phòng chung KHĐTCTH vốn NSTW cần tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc, thứ tự ưu tiên đã được quy định tại Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban TVQH.
Đa số ý kiến Ủy ban Tài chính, Ngân sách thống nhất việc trình Quốc hội cho phép sử dụng với 63.725 tỷ đồng KHĐTCTH vốn NSTW giai đoạn 2021-2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu NSTW năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công vì việc Chính phủ trình là phù hợp với quy định của pháp luật.
Đa số ý kiến Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhất trí về chủ trương trình Quốc hội cho phép giao bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn NSTW giai đoạn 2021-2025 là 33.156,987 tỷ đồng từ nguồn dự phòng chung Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương theo Tờ trình của Chính phủ.
Theo quy định tại Điều 44 Luật Ngân sách nhà nước, Thủ tướng Chính phủ giao dự toán thu, chi ngân sách năm sau cho từng bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương và từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Với quy định này, EVN không phải là đơn vị được Thủ tướng Chính phủ giao trực tiếp dự toán ngân sách nhà nước hằng năm.
Căn cứ quy định nêu trên, vốn NSTW bố trí để thực hiện Dự án cấp điện từ lưới điện quốc gia cho huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giao cho Bộ Công Thương triển khai. Nếu theo phương án giao Bộ Công Thương thì số vốn còn thiếu so với tổng mức đầu tư là 2.423,996 tỷ đồng chưa có nguồn để cân đối cho Dự án. Bên cạnh đó, EVN không phải là đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương nên Bộ Công Thương không thể phân bổ, giao vốn cho EVN.