Cơ chế DPPA, điện mặt trời mái nhà, điện khí là cơ sở quan trọng để hoàn thiện thị trường điện
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng: 'Cơ chế DPPA; cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu và cơ chế khuyến khích phát triển điện khí 'đều là rất mới và rất khó,' bởi luật pháp hiện hành của Việt Nam chưa cho phép thực hiện những cơ chế này một cách đầy đủ ngay lập tức'…
Ngày 24/4/2024, tại trụ sở Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chủ trì hội thảo cho ý kiến đối với dự thảo Nghị định của Chính phủ về cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) giữa đơn vị phát điện và khách hàng sử dụng điện lớn; cơ chế phát triển các dự án điện sử dụng khí thiên nhiên và LNG và cơ chế phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu.
CƠ CHẾ DPPA QUA ĐƯỜNG DÂY RIÊNG VÀ QUA LƯỚI ĐIỆN QUỐC GIA
Liên quan đến dự thảo Nghị định quy định cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn (cơ chế DPPA), ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương), cho biết cấu trúc Dự thảo 2 Nghị định quy định về cơ chế DPPA giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn dự kiến gồm 6 Chương, 34 Điều và 2 Phụ lục.
Để đảm bảo có thể triển khai Nghị định sau khi ban hành, tại Dự thảo 2 Nghị định này quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn qua đường dây riêng và qua lưới điện quốc gia.
Đối với hoạt động mua bán điện trực tiếp qua đường dây riêng, các đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn tham gia cơ chế DPPA phải tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành.
Đối với hoạt động mua bán điện trực tiếp qua lưới điện Quốc gia, Dự thảo 2 Nghị định quy định việc mua bán điện trực tiếp qua lưới điện quốc gia áp dụng cho đơn vị phát điện năng lượng tái tạo sở hữu nhà máy điện mặt trời, nhà máy điện gió có công suất thiết kế từ 10MW trở lên trực tiếp tham gia thị trường bán buôn điện cạnh tranh và khách hàng sử dụng điện lớn đấu nối cấp điện áp từ 22kV trở lên và sản lượng tiêu thụ trung bình hàng tháng từ 500.000 kWh.
Quy định này là để tránh phát sinh thủ tục hành chính và cơ chế xin cho, đảm bảo xây dựng quy định có độ mở, trên cơ sở rà soát yêu cầu về ràng buộc kỹ thuật theo quy định hiện hành khi đấu nối và vận hành trong hệ thống điện (các nhà máy điện có công suất 10 MW trở lên khi kết nối lưới phân phối cần trang bị hệ thống thông tin, hệ thống SCADA …) và nhu cầu sử dụng năng lượng sạch trong sản xuất của các nhà đầu tư, các tổ chức quốc tế.
Về việc mở rộng đối tượng tham gia cơ chế mua bán điện trực tiếp, tại Dự thảo đề xuất “giao Bộ Công Thương chủ trì đánh giá, báo cáo Chính phủ xem xét mở rộng đối tượng tham gia cơ chế mua bán điện trực tiếp phù hợp với tình hình phát triển kinh tế-xã hội từng thời kỳ và tình hình phát triển thị trường điện cạnh tranh”.
Thông tin thêm, ông Trần Việt Hoa cho biết để định lượng nhu cầu của các đơn vị phát điện năng lượng tái tạo, khách hàng sử dụng điện đối với cơ chế DPPA, tháng 5/2022, tư vấn quốc tế đã thực hiện cuộc khảo sát đánh giá với kết quả như sau:
Về nhu cầu tham gia cơ chế DPPA của bên bán (đơn vị phát điện năng lượng tái tạo), trong số 106 dự án có công suất đặt từ 30MW trở lên (42 dự án điện mặt trời và 64 dự án điện gió) trong danh sách Quy hoạch điện 7 điều chỉnh, Phiếu khảo sát đã được gửi tới 95 dự án và có 67 dự án phản hồi lại. Cụ thể, 24 dự án (công suất đặt 1.773 MW) mong muốn tham gia (35,8%); 17 dự án (công suất đặt 2.836 MW) cân nhắc về điều kiện tham gia, khả năng tìm và ký hợp đồng với khách hàng (25,4%) và 26 dự án trả lời không có nhu cầu tham gia (38,8%).
Về nhu cầu tham gia cơ chế DPPA của bên mua điện (khách hàng sử dụng điện là các tổ chức đang mua điện phục vụ cho mục đích sản xuất từ cấp điện áp từ 22 kV trở lên), phiếu khảo sát đã gửi tới 41 khách hàng, trong đó có 20 khách hàng (khoảng 50%) trả lời mong muốn tham gia cơ chế DPPA với tổng nhu cầu ước tính khoảng 996MW.
Do đó, để có cơ sở triển khai các nhiệm vụ của Quốc hội và Chính phủ giao tại Nghị quyết số 55-NQ/TW, Luật Điện lực, Nghị quyết số 103/2023/QH15 và Nghị quyết số 937/NQ-UBTVQH15, đồng thời phù hợp với thực tiễn, Bộ Công thương cho rằng cần thiết xây dựng Nghị định quy định cơ chế DPPA.
CƠ CHẾ CHUYỂN NGANG GIÁ KHÍ SANG GIÁ ĐIỆN
Liên quan đến cơ chế phát triển điện khí, theo Quy hoạch điện 8, tổng quy mô công suất các dự án nhà máy điện khí được đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành đến năm 2030 là 30.524 MW (23 dự án), trong đó: tổng công suất nhà máy điện sử dụng khí trong nước là 7.900 MW (10 dự án), tổng công suất nhà máy điện sử dụng khí LNG là 22.624 MW (13 dự án).
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định về cơ chế phát triển các dự án điện sử dụng khí thiên nhiên và LNG. Dự thảo Nghị định bao gồm 6 Điều, với 3 nhóm nội dung chính:
Về cam kết tỷ lệ điện năng qua hợp đồng dài hạn đối với các dự án nhà máy điện khí sử dụng LNG nhập khẩu (Điều 3), đối với các dự án điện triển khai theo hình thức BOT, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP) đã cho phép dự án BOT áp dụng cơ chế bao tiêu (Điểm a khoản 1 Điều 45 Luật PPP), các dự án triển khai thu xếp vốn và ký hợp đồng mua bán điện với EVN.
Đối với các dự án điện IPP không theo hình thức BOT, sau khi xây dựng xong sẽ tham gia thị trường điện.
Dự thảo Nghị định quy định: (1) Tỷ lệ điện năng qua hợp đồng dài hạn do đơn vị phát điện và đơn vị mua điện thỏa thuận; (ii) Trường hợp hai bên không thỏa thuận được, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tính toán, quy định tỷ lệ điện năng qua hợp đồng mua bán điện dài hạn nhằm đảm bảo khả thi trong việc thu hút đầu tư, tránh tác động mạnh lên giá bán lẻ điện, cân đối tài chính; (iii) Để đảm bảo an ninh năng lượng, triển khai kế hoạch thực hiện quy hoạch điện 8, nhằm thu hút nhà đầu tư các dự án điện khí, Thủ tướng quy định mức tỷ lệ điện năng tối thiểu qua hợp đồng dài hạn trong thời gian trả nợ của dự án nhà máy điện nhưng không quá 07 năm, đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng với các loại hình nguồn điện khác trên thị trường điện. Đơn vị phát điện và đơn vị mua điện đàm phán mức tỷ lệ điện năng qua hợp đồng mua bán điện với mức tối thiểu được Thủ tướng Chính phủ quy định nêu trên.
Về cơ chế chuyển ngang giá khí sang giá điện (Điều 4), Dự thảo Nghị định quy định: (i) Đối với những dự án trọng điểm về dầu khí góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, an ninh quốc phòng và bảo vệ chủ quyền Việt Nam, Chính phủ đồng ý nguyên tắc chuyển ngang giá khí sang giá điện của các nhà máy điện; (ii) Bộ Công Thương hướng dẫn cơ chế tiêu thụ sản lượng khí thượng nguồn mỏ khí Cá Voi Xanh, khí Lô B.
Về các vấn đề khác của hợp đồng mua bán điện (Điều 5), đối với việc tham gia thị trường điện, đơn vị phát điện ký hợp đồng với EVN theo mẫu do Bộ Công Thương ban hành để tham gia Thị trường bán buôn điện cạnh tranh và bán điện năng của nhà máy điện lên thị trường điện giao ngay. Chi phí mua điện của các nhà máy điện sử dụng khí tự nhiên khai thác trong nước, LNG nhập khẩu là các chi phí hợp lý, hợp lệ và được tính toán điều chỉnh trong giá bán lẻ điện.
Ngôn ngữ hợp đồng sử dụng là tiếng Việt. Đơn vị phát điện và Đơn vị mua điện có thể thỏa thuận bổ sung hợp đồng với ngôn ngữ sử dụng bằng tiếng Anh, các bên có thể thỏa thuận tiếng Anh sẽ được ưu tiên áp dụng. Dự thảo Nghị định quy định hai bên được phép thỏa thuận luật điều chỉnh của Hợp đồng mua bán điện là Luật nước ngoài.
Đối với Dự thảo Nghị định về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời lắp đặt mái nhà dân, công sở, khu công nghiệp, ông Tô Xuân Bảo, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết dự thảo xây dựng nhằm mục đích tiêu dùng tại chỗ, không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác.
Theo đó, nếu không nối với lưới điện quốc gia sẽ được sản xuất không giới hạn công suất. Nếu nối lưới thì các cơ quan, tổ chức, cá nhân được quyền phát hoặc không phát sản lượng điện dư vào hệ thống điện quốc gia. Tuy nhiên, đơn vị điện lực sẽ ghi nhận sản lượng điện với giá 0 đồng và không được thanh toán.
Đáng chú ý, khi muốn lắp điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu theo cả 2 loại hình, các cơ quan, tổ chức, cá nhân đều phải đăng ký với Sở Công thương địa phương và tổng công suất nguồn điện theo hình thức nối lưới không vượt quá công suất được phân bổ trong kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện 8 là 2.600 MW.
BƯỚC TIẾN CẦN THIẾT ĐỂ CHUYỂN SANG NỀN KINH TẾ XANH
Kết luận hội thảo, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định sự cần thiết phải ban hành các cơ chế, chính sách để thực hiện được mục tiêu trung hòa carbon của Việt Nam và cũng để thực hiện được Quy hoạch điện 8 hiệu quả, hướng tới một nền sản xuất Xanh ở Việt Nam.
Trong đó, ba chính sách mà Bộ Công Thương đang xây dựng và lấy ý kiến liên quan đến cơ chế DPPA, cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu và chính sách khuyến khích phát triển điện khí là những chính sách quan trọng, cần sớm được ban hành, là những “bước đi ban đầu” ở góc độ quản lý nhà nước và là giải pháp quan trọng để thực hiện thành công Quy hoạch điện 8.
Theo Bộ trưởng, các chính sách này là cơ sở quan trọng để phát triển, hoàn thiện thị trường điện trên cả ba giác độ: phát điện cạnh tranh, bán buôn điện cạnh tranh và bán lẻ điện cạnh tranh. Đây là bước đi cần thiết để Việt Nam chuyển mạnh sang nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và trung hòa carbon.
Tuy nhiên, Bộ trưởng thẳng thắn chỉ ra rằng những cơ chế chính sách nêu trên “đều là rất mới và rất khó”, bởi luật pháp hiện hành của Việt Nam chưa cho phép thực hiện những cơ chế này một cách đầy đủ ngay lập tức. Việt Nam xuất phát điểm khác với các nước phát triển, đòi hỏi các cơ chế chính sách cần phù hợp với điều kiện hoàn cảnh, nhận thức, tập quán và điều kiện kinh tế-kỹ thuật.
Đối với cơ chế DPPA, hội thảo thống nhất đối tượng điều chỉnh không chỉ là các doanh nghiệp sản xuất mà mở rộng ra là cả những doanh nghiệp dịch vụ, “hễ là khách hàng có nguồn nhu cầu sử dụng điện lớn, thậm chí là muốn điện sạch, thì hoàn toàn có thể áp dụng cơ chế này”. Cơ chế DPPA gồm 2 hình thức: Nếu không nối lưới, dự án không bị giới hạn công suất, loại hình nguồn điện và đối tượng sử dụng. Nếu nối lưới, phải giới hạn điện áp, điện năng và loại hình nguồn điện (chỉ áp dụng với nguồn năng lượng tái tạo gồm điện gió và điện mặt trời).
Liên quan đến vấn đề điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu có thể bán lượng điện dư thừa, Bộ trưởng cho rằng nếu đã cho phát lên lưới điện quốc gia, lại cho bán điện giống như cơ chế DPPA, thì sẽ dẫn đến trạng thái trục lợi chính sách. Vì phát triển điện mặt trời mái nhà không cần điều chỉnh bởi luật quy hoạch, càng không bị điều chỉnh bởi những tiêu chí khắt khe của luật điện lực.
“Đã được hưởng cơ chế ưu đãi, còn đòi bán điện thì sẽ xảy ra tình huống đổ vỡ quy hoạch điện của quốc gia và làm nát hệ thống lưới điện, làm mất an toàn”, Bộ trưởng khẳng định, đồng thời nhấn mạnh trong bối cảnh điều kiện hiện tại của hệ thống truyền tải và phân phối, cân bằng cơ cấu nguồn, biện pháp chống phát ngược và giải pháp mua với giá 0 đồng (trong trường hợp phát lên lưới điện quốc gia) là phù hợp, đảm bảo được việc ngăn chặn được hiện tượng trục lợi chính sách. Những cơ chế khuyến khích loại hình điện mặt trời áp mái tự sản tự tiêu là bước đột phá trong nỗ lực tháo gỡ các rào cản pháp lý cho phát triển nguồn điện trong bối cảnh một số quy định pháp luật chuyên ngành chưa theo kịp thực tiễn.