Cơ chế giá điện 2 thành phần là công bằng hơn giá điện 1 thành phần

Hiện Việt Nam áp dụng biểu giá điện 1 thành phần, tức là biểu giá điện tính theo điện năng. Trong khi đó, nhiều nước trên thế giới đang áp dụng giá điện 2 thành phần.

Đề xuất thí điểm giá điện hai thành phần

Tại tọa đàm 'Chia sẻ trách nhiệm cung ứng điện cao điểm mùa khô 2024' do báo VietNamNet tổ chức ngày 8/4, nhiều chuyên gia đã đề xuất Việt Nam nên đẩy nhanh việc thực hiện giá điện 2 thành phần.

Chuyên gia Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, cho hay: Qua nghiên cứu, nhiều nước trên thế giới đã áp dụng giá điện hai thành phần, chủ yếu cho khách hàng sản xuất kinh doanh, có nơi áp dụng cho điện sinh hoạt.

Giá điện 2 thành phần bao gồm giá điện theo công suất và điện năng. Chúng ta đang áp dụng biểu giá điện 1 thành phần, tức là biểu giá điện tính theo điện năng. Về giá điện theo công suất, là mức giá được xác định để thanh toán cho đơn vị cung ứng điện. Giá điện theo điện năng là giá của một đơn vị điện năng được xác định để thanh toán cho đơn vị cung ứng điện.

"Khác nhau ở chỗ biểu giá điện một thành phần theo điện năng chủ yếu bù đắp chi phí biến đổi về nguyên vật liệu. Còn giá điện hai thành phần bao gồm cả chi phí cố định như chi phí khấu hao tài sản, chi phí sửa chữa, chi phí tiền lương,... ", ông Thỏa phân tích.

Giá điện hai thành phần đang được đề xuất thí điểm. Ảnh: NPC

Giá điện hai thành phần đang được đề xuất thí điểm. Ảnh: NPC

Theo chuyên gia Nguyễn Tiến Thỏa, biểu giá điện một thành phần không phản ánh hết tác động gây ra đối với sản xuất điện, còn biểu giá điện 2 thành phần thì ngược lại khi phản ánh đầy đủ chi phí đầu tư và chi phí vận hành, trên cơ sở đó tiêu dùng điện chi trả để bảo đảm đầu tư đó. Cùng với đó có tác dụng phát đi tín hiệu để người sử dụng dùng điện biết được rằng mình sử dụng điện như thế nào để điều chỉnh hành vi sử dụng điện cho hiệu quả.

"Tôi được biết Bộ Công thương đã giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nghiên cứu về biểu giá điện 2 thành phần. Tôi cũng có dịp đi nghiên cứu ở Thái Lan, Trung Quốc. Khi người ta điều chỉnh giá điện, hầu như khách hàng họ không kêu bởi chi phí cố định giữ nguyên và minh bạch", ông Thỏa nói và đề xuất nghiên cứu thí điểm để đánh giá tác động của giá điện 2 thành phần ra sao, để chứng minh sự khác nhau giữa hai phương án.

Đặc biệt, người tiêu dùng sẽ có cơ hội đánh giá và so sánh giữa hai phương án về mức độ chênh lệch giá khi sử dụng điện. Ông Thỏa cho rằng chúng ta cần có thời gian thí điểm như vậy để đánh giá, tổng kết và nhân rộng đại trà nếu thực sự hiệu quả.

Điều chỉnh giá sẽ linh hoạt hơn

Ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế - Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhìn nhận, giá công suất hiểu nôm na như giá cước điện thoại cố định, tức là một số tiền cố định gọi là tiền thuê bao hàng tháng, dù không nghe gọi gì, gọi là giá công suất. Phần thứ hai là tính trên lượng điện năng tiêu thụ, gọi là giá điện năng.

Như hiện nay, giá điện được tính gộp cả hai thành phần này, nhưng chỉ được nhân theo điện năng tiêu thụ.

Cơ chế giá điện 2 thành phần, theo ông Đức, công bằng hơn, bởi nó phản ánh chính xác chi phí phải bỏ ra để phục vụ mỗi khách hàng, là chi phí đường dây, trạm biến áp và chi phí điện năng.

Ông dẫn chứng, hai khách hàng sử dụng điện là một nhà hàng và một nhà máy. Nhà máy hoạt động đều đều 24/24h, điện năng tiêu thụ ổn định. Nhà hàng chỉ sử dụng điện mạnh vào bữa trưa và bữa tối. Nếu sản lượng điện hai bên dùng như nhau thì công suất cực đại của nhà hàng lớn hơn, như vậy đường dây, trạm biến áp phải chuẩn bị công suất lớn hơn, chi phí lớn hơn.

Phân tích tác động của cơ chế này, ông Đức đánh giá: Thứ nhất, sẽ giảm việc bù chéo giữa các khách hàng. Bù chéo là một vấn đề mà nhiều người quan tâm.

Thứ hai, tránh các khách hàng cứ đăng ký công suất lớn rồi không dùng, hoặc có nhà máy đăng ký công suất lớn, yêu cầu điện lực chuẩn bị đường dây, trạm biến áp nhưng dự án chậm tiến độ, nhiều năm trời không tiêu thụ điện. Chi phí đường dây, trạm biến áp trong những năm đó bị lãng phí. Chi phí này lại đổ lên đầu các khách hàng khác.

"Ngoài ra, điều chỉnh giá sẽ linh hoạt hơn, vì giá điện năng biến đổi lớn, trong khi chi phí đầu tư thì biến đổi chậm hơn", ông Đức nói.

"Giá điện 2 thành phần không phải là một đề xuất mới", ông Nguyễn Minh Đức lưu ý. "Từ năm 2013, Chính phủ đã có yêu cầu áp dụng cơ chế giá điện hai thành phần và giao cho Bộ Công Thương chuẩn bị lộ trình áp dụng để Thủ tướng phê duyệt. Bộ Công Thương cũng đã nghiên cứu vấn đề này, dù mất khá nhiều thời gian.

Bộ đang sửa đổi Quyết định 28/2014 của Thủ tướng về biểu cơ cấu giá điện. Vấn đề giá điện 2 thành phần cũng được các bộ ngành hết sức quan tâm".

Bộ giải trình là đang khẩn trương chuẩn bị và có kế hoạch sửa đổi toàn diện, căn bản Quyết định 28. Còn lần sửa đổi này tạm xử lý các vấn đề mà dư luận bức xúc.

"Trước mắt, nếu có thay đổi thì thay đổi ở những khách hàng phi sinh hoạt trước. Các khách hàng hộ gia đình sẽ ở giai đoạn tiếp theo. Nhưng kể cả khi chỉ tác động đến khách hàng phi sinh hoạt cũng là sự thay đổi lớn, có thể ảnh hưởng đến hàng triệu khách hàng. Có lẽ, cần thực hiện cơ chế thí điểm khách hàng mới ở một vài nơi, trong một khoảng thời gian để ghi nhận ý kiến phản hồi", ông Đức gợi ý.

Lương Bằng

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/co-che-gia-dien-2-thanh-phan-la-cong-bang-hon-2268611.html