Cơ chế quản lý thông thoáng, nhưng bị lợi dụng để sản xuất sữa giả, thực phẩm giả
Việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả hiện nay đang khá tinh vi, các công ty vi phạm lợi dụng việc quản lý thông thoáng, đã có nhiều chiêu trò để qua mặt cơ quan chức năng và lừa người tiêu dùng.

Cơ quan chức năng kiểm tra các sản phẩm sữa trên thị trường. Ảnh: CQCN
Ngày 7/6 tại cuộc họp với các bộ, ngành, địa phương về thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng giả, đại diện Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết: Tình trạng thực phẩm giả đang diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng. Riêng từ đầu năm 2025 đến nay, Bộ Y tế đã thanh kiểm tra 173.092 cơ sở, xử lý 4.143 vụ sai phạm, với số tiền hơn 20 tỷ đồng…
Đặc biệt, quý I/2025 đã có liên tiếp các vụ việc sản xuất, kinh doanh hàng giả với quy mô lớn, mức độ nghiêm trọng được cơ quan Công an phát hiện, khởi tố như: Vụ việc sản xuất, buôn bán sữa giả, thuốc chữa bệnh giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả, mì chính, hạt nêm, dầu ăn giả với quy mô lớn, trong thời gian dài, gây bức xúc dư luận.
Theo lãnh đạo cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra trong việc kiểm nghiệm sản phẩm theo yêu cầu; cảnh báo cho người sử dụng; có văn bản chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm đối với các nhóm sản phẩm này.
Với vụ sữa giả, Cục An toàn thực phẩm đã có văn bản yêu cầu các địa phương rà soát việc công bố/tự công bố sản phẩm; cung cấp thông tin về số lượng, tên sản phẩm công bố; việc cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm và kết quả thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, xử lý vi phạm của 11 công ty có liên quan trong vụ việc.
Sau khi nhận được Công văn của Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) xác định 12 sản phẩm thực phẩm, dinh dưỡng (dạng sữa bột) là hàng giả, Cục An toàn thực phẩm đã ban hành văn bản gửi 63 tỉnh, thành phố về việc thu hồi sản phẩm thực phẩm, dinh dưỡng (dạng bột) là hàng giả; gửi văn bản đến 4 địa phương liên quan rà soát việc tự công bố/công bố tại địa phương đối với 12 sản phẩm đã xác định là hàng giả và 72 sản phẩm đang tiếp tục điều tra; đồng thời, có văn bản gửi C01 (Bộ Công an) đề nghị thông tin ngay cho Cục An toàn thực phẩm khi có kết luận cuối cùng để kịp thời thông báo cho địa phương thu hồi sản phẩm không đảm bảo an toàn.
Theo nhận định của Cục An toàn thực phẩm,việc sản xuất và kinh doanh thực phẩm giả, đặc biệt là thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả mang lại lợi nhuận lớn, trong khi chi phí đầu tư thấp, khiến nhiều đối tượng bất chấp pháp luật để thực hiện hành vi này.
Đặc biệt, các đối tượng lợi dụng cơ chế quản lý thông thoáng hiện nay để sai phạm. Hệ thống pháp luật và công tác quản lý hiện nay đang tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong đăng ký kinh doanh; đăng ký bản công bố sản phẩm; đa số các thực phẩm hiện nay được tự công bố, chỉ có 3 nhóm sản phẩm phải được đăng ký bản công bố sản phẩm với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường.
Đáng lo ngại, việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả hiện nay đang ở mức rất tinh vi. Một số chiêu trò của các công ty vi phạm để qua mặt cơ quan chức năng và lừa người tiêu dùng như: Gắn mác sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ, Châu Âu nhưng thực chất từ một nước khác hoặc sản xuất trong nước với chất lượng thấp (10-30% công bố); dùng tem nhãn, bao bì giả giống thương hiệu nổi tiếng cho sữa bột, thực phẩm chức năng, dầu ăn, gia vị; lập nhiều công ty tạo mạng lưới phân phối rộng; lợi dụng bác sĩ, người nổi tiếng, truyền thông để quảng cáo sai công dụng, đặc biệt thực phẩm chức năng, sữa bột; sử dụng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử để bán hàng giả, khó kiểm soát do tính ẩn danh và quy mô lớn.
Trong khi đó, nhận thức của người tiêu dùng vẫn còn thấp. Nhiều người chưa nhận thức đầy đủ và phân biệt rõ được thực phẩm, thuốc và thực phẩm bảo vệ sức khỏe; dễ tin vào quảng cáo sai sự thật, mua hàng qua mạng mà không kiểm tra kỹ nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm…
Theo Cục An toàn thực phẩm, để nâng cao hiệu quả trong phòng chống thực phẩm giả, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tăng cường trách nhiệm phòng chống thực phẩm giả trên địa bàn; tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền.
Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm như: Xây dựng Luật An toàn thực phẩm sửa đổi; Nghị định 15/CP sửa đổi về thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm; nghiên cứu đề xuất tăng mức chế tài xử phạt đối với vi phạm an toàn thực phẩm; thiết lập hệ thống dữ liệu quốc gia về an toàn thực phẩm liên thông từ trung ương đến địa phương để quản lý và giám sát hiệu quả các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Bộ Y tế cũng đề xuất Bộ Công an sớm đưa ra kết luận về các vụ việc sản xuất, buôn bán sữa giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả, mì chính giả để thông tin cho người tiêu dùng về mức độ nguy hại của các sản phẩm này.
Bộ Công Thương tăng cường chỉ đạo kiểm tra, xử lý vi phạm đối với việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, gian lận thương mại trên thị trường là thực phẩm; tăng cường quản lý các sàn thương mại điện tử nhằm phòng ngừa, ngăn chặn việc giả mạo giấy tờ, tài liệu của cơ quan, tổ chức để kinh doanh thực phẩm.
Bộ Khoa học và công nghệ, Bộ Công Thương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Bộ Y tế tiếp tục tăng cường công tác hậu kiểm, rà soát xử lý các vi phạm về quảng cáo sản phẩm thực phẩm, tập trung đối với các sản phẩm kinh doanh trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, ứng dụng thương mại điện tử bán hàng, website thương mại điện tử bán hàng và các gian hàng kinh doanh trên các ứng dụng, sử dụng người nổi tiếng để quảng cáo sản phẩm; xử lý vi phạm theo quy định, đặc biệt xử lý nghiêm đối với người nổi tiếng vi phạm quy định về quảng cáo sản phẩm thực phẩm.
Các bộ, ngành tiếp tục công tác truyền thông, vận động quần chúng nhân dân đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, ứng dụng công nghệ thông tin để kịp thời cảnh báo thực phẩm không bảo đảm an toàn, công khai cơ sở vi phạm để người dân biết…