Cơ chế toàn cầu tiếp cận vắc xin phòng Covid-19: Tiếp tục là động lực chống dịch của nhân loại

Năm 2021, Cơ chế toàn cầu tiếp cận vắc xin phòng Covid-19 (COVAX) chưa đạt được mục tiêu đề ra do còn nhiều tranh cãi, đặc biệt là liên quan đến những cam kết về nghĩa vụ đóng góp cho cơ chế này. Tuy nhiên, theo giới phân tích, trong năm 2022, Cơ chế COVAX sẽ có những thay đổi tích cực và tiếp tục là động lực quan trọng trong nỗ lực đẩy lùi đại dịch của nhân loại.

Một lô vắc xin phòng Covid-19 được bàn giao tới thủ đô Accra của Ghana thông qua Cơ chế COVAX.

Một lô vắc xin phòng Covid-19 được bàn giao tới thủ đô Accra của Ghana thông qua Cơ chế COVAX.

Theo số liệu mới công bố, sau khi thành lập vào tháng 4-2021, Cơ chế COVAX của Liên hợp quốc đã bàn giao hơn 900 triệu liều vắc xin cho các quốc gia. Con số này chưa bằng một nửa mục tiêu ban đầu là phân phối 2 tỷ liều vắc xin trong năm 2021. Lý giải thực trạng này, giới chuyên môn cho rằng, việc bảo đảm nguồn cung cho COVAX cả về tài chính và vắc xin luôn là khó khăn, bất cập kể từ khi sáng kiến được thành lập.

Dù những cam kết tài trợ vẫn tiếp tục được các nước giàu đưa ra, nhưng việc triển khai trong thực tế lại hoàn toàn khác. Những lời hứa về việc đóng góp vào quỹ chia sẻ vắc xin ngày càng tỏ ra ít “hào phóng” hơn so với kỳ vọng. Hơn thế nữa, dù tuyên bố ủng hộ COVAX nhưng không ít quốc gia đã nhanh tay đặt hàng vắc xin để phục vụ nhu cầu nội địa, khiến COVAX thường xuyên phải xếp sau trong danh sách phân phối của các nhà sản xuất vắc xin.

Ngoài ra cũng có những tác động khách quan ảnh hưởng tới COVAX. Đáng chú ý là làn sóng lây nhiễm hồi quý II-2021 do biến chủng Delta của vi rút SARS-CoV-2 gây ra tại Ấn Độ, một trong những nhà cung cấp chính cho COVAX đã buộc các nhà sản xuất ở nước này phải tạm dừng việc xuất khẩu vắc xin. Trước thực tế đại dịch gây gián đoạn đi lại và thiếu hụt nhân lực, COVAX thường xuyên đối mặt với áp lực lớn về vận chuyển và quản lý vắc xin ở một số quốc gia. Thực tế, nhiều nước chưa sẵn sàng để tiếp nhận và phân phối vắc xin từ COVAX.

Song, việc không đạt được mục tiêu về số lượng không đồng nghĩa với việc cơ chế này gặp thất bại. Con số 144 quốc gia và vùng lãnh thổ được tiếp nhận vắc xin thông qua Cơ chế COVAX thay vì 92 nước trong kế hoạch cũ được xem là một kỷ lục. Điều này cho thấy nỗ lực đáng kể của COVAX trong việc giúp người dân tại các quốc gia thu nhập thấp có thể tiếp cận vắc xin phòng Covid-19. Đây là thành tựu đáng trân trọng trong bối cảnh khoảng 67% dân số tại các nước thu nhập cao đã tiêm vắc xin phòng Covid-19, trong khi các nước thu nhập thấp, đặc biệt là ở châu Phi, chỉ mới phủ được 10% dân số.

Bước sang năm 2022, tình hình được kỳ vọng sẽ có những thay đổi tích cực. Giám đốc điều hành Liên minh toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng (GAVI) Seth Berkley dự báo, tình trạng khan hiếm nguồn cung vẫn có thể xuất hiện trong nửa đầu năm, nhưng “sẽ được cải thiện sau đó”. Theo Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus, các dự báo cho thấy, COVAX sẽ có đủ nguồn cung vắc xin để tiêm phòng cho toàn bộ dân số trưởng thành của thế giới và tiêm nhắc lại cho nhóm đối tượng nguy cơ cao.

Những nhận định lạc quan được hiện thực hóa bằng hàng loạt biện pháp quyết liệt. Mới đây, Công ty GAVI và hãng dược Moderna (Mỹ) đã đạt thỏa thuận tăng cường sản xuất 150 triệu liều vắc xin trong quý II và quý III-2022 ở “mức giá thấp nhất” cho COVAX. Nhiều giải pháp cũng được COVAX triển khai như việc dự báo chính xác hơn thời điểm các nước viện trợ có thể cung cấp vắc xin. Tuy nhiên, một số ý kiến cũng cảnh báo, biến thể Omicron có thể thổi bùng cuộc chạy đua tích trữ vắc xin giữa các quốc gia, ảnh hưởng tiêu cực tới Cơ chế COVAX trong năm 2022. Theo Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, chủ nghĩa dân tộc vắc xin và việc tích trữ vắc xin nếu không bị xóa bỏ sẽ tiếp tục đặt thế giới trước nhiều rủi ro.

Hoàng Linh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/the-gioi/1021721/co-che-toan-cau-tiep-can-vac-xin-phong-covid-19-tiep-tuc-la-dong-luc-chong-dich-cua-nhan-loai