Cơ chế và hệ thể chế phát hiện, thu hút, tuyển chọn, trọng dụng nhân tài lãnh đạo, quản lý

* TS. Nhị Lê,nguyên Phó tổng biên tập Tạp chí Cộng sản

BPO - Tháng 2-2022, Hội đồng Lý luận Trung ương và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp tổ chức bản thảo và xuất bản cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Cùng với rất nhiều vấn đề quan trọng, cuốn sách nhấn mạnh: “…Xây dựng cơ chế phát hiện, lựa chọn, trọng dụng nhân tài, cán bộ có năng lực nổi trội, cán bộ trẻ để đào tạo, bổ sung cán bộ cho Đảng; thu hút và khuyến khích cán bộ làm việc trong các cơ quan, lĩnh vực, địa bàn đặc thù, phức tạp, trọng yếu”.

Báo Bình Phước trân trọng giới thiệu loạt bài viết của nhà báo, TS. Nhị Lê, nguyên Phó tổng biên tập Tạp chí Cộng sản về vấn đề này.

Dù muốn hay không, chưa bao giờ như hiện nay, công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ đất nước, xét về cả quy mô, tính chất và chiều sâu của nó, trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, phát triển rút ngắn, mang tính lịch sử ngắn hạn, với xung lực của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trong một “thế giới phẳng” và không “phẳng”… lại đặt ra trước Đảng và dân tộc ta những trọng sự to lớn, nặng nề đầy khó khăn mới mẻ, những thách thức phát triển hay tụt hậu khắc nghiệt chưa từng thấy, đối với khát vọng dân tộc hùng cường!

Trong rất nhiều công việc lớn của công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ mà chúng ta phải giải quyết, nổi bật 3 vấn đề rường cột vừa mang tầm chiến lược vừa có ý nghĩa cấp bách trước mắt. Một là, vấn đề chiến lược phát triển đất nước. Hai là, đổi mới cơ chế vận hành xã hội Việt Nam mang tầm chiến lược. Ba là, chiến lược kiến tạo và phát triển con người làm căn bản của thời kỳ đổi mới trong tầm nhìn tới năm 2045.

Theo đó, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp chiến lược và chiến lược phát triển cán bộ bảo đảm ngang tầm chiến lược phát triển quốc gia, với rường cột là chiến lược phát triển nhân tài lãnh đạo, quản lý, quản trị quốc gia giữ vị trí then chốt của then chốt trong toàn bộ công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Thành công hay thất bại là phụ thuộc trước hết vào sự đúng đắn của đường lối, bản lĩnh chính trị, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.

Yêu cầu từ công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ

Với khát vọng hùng cường, chúng ta đang sống và hành động trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, với tất cả sự phức tạp của thời cơ và nguy cơ chuyển hóa khôn lường, đặt ra thách thức hoặc là tụt hậu, tức là bị bỏ rơi hoặc là bứt lên để làm chủ thời cuộc, làm chủ vận mệnh của chính mình, mà một khi dừng lại hoặc đứng im cũng chính là tụt hậu.

Trong cuộc chạy đua gay gắt trên trường thế giới hiện nay, hơn lúc nào hết, vấn đề thể chế, công nghệ và nhân tài trở thành 3 mệnh đề phát triển nổi bật, có ý nghĩa thành bại đối với các quốc gia, dân tộc. Trên hành trình vươn tới hùng cường, chúng ta không nằm ngoài quy luật ấy.

Tầm nhìn chiến lược và định vị chiến lược phát triển Việt Nam

Hơn bao giờ hết, con đường duy nhất đúng đắn là, chúng ta phải tự mình hùng mạnh, nếu không tất thất bại; chỉ có tiến lên và phát triển bền vững, khi nhân loại không chờ đợi sự do dự hay chập chờn của bất cứ ai, cuộc cạnh tranh toàn cầu tiềm ẩn “mất còn” càng không chấp nhận bất cứ quốc gia, dân tộc nào làm ngoại lệ. Vì, tụt hậu là đứng ngoài “sân chơi” toàn cầu hóa, nếu không nói là vô hình trung rơi vào lệ thuộc, là rơi vào âm mưu “sân sau” của người khác! Không như thế, chúng ta không định vị được dân tộc mình, đất nước mình, càng khó tìm được chỗ đứng xứng đáng trên trường quốc tế và càng khó có cơ hội góp phần mình cùng nhân loại xây dựng thế giới. Chúng ta đứng trong thế giới, chúng ta phải vì thế giới và cho thế giới! Đó là sứ mệnh quốc gia, là danh dự và trách nhiệm của mỗi người Việt Nam!

Vì thế, trong những thập kỷ tới, Việt Nam sẽ và phải trở thành điểm đến nhân văn trong thế giới chỉnh thể, với công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ sáng tạo, nơi hội tụ của niềm tin, tri thức và tấm lòng tin cậy, thủy chung, nhân ái, chan hòa với bạn bè quốc tế, phát triển bằng phương thức rút ngắn, với bản lĩnh Việt Nam. Chúng ta phải trở thành một nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa - một quốc gia kinh tế biển, thương mại, dịch vụ và du lịch thương hiệu Việt, với tấm “căn cước” văn hóa Việt Nam bản sắc, độc đáo và nhân văn. Đó là sự lựa chọn mang tầm chiến lược. Đó cũng là sự định vị chiến lược phát triển của Việt Nam trong thế giới hiện nay.

Nếu không, chúng ta sẽ rất khó vượt lên, rất khó hùng cường, nếu không nói là tụt hậu và bạc nhược.

Đó là quốc sách phát triển chiến lược Việt Nam!

Quốc sách này phụ thuộc vào gần 100 triệu đồng bào ta, trước hết là đội ngũ tiền phong dẫn dắt dân tộc.

Bảo vệ lợi ích chiến lược đất nước là mục tiêu tối thượng

Trải mấy ngàn năm, ông cha ta, qua trăm lần sinh tử, bao giờ cũng quyết lấy lợi ích quốc gia làm mục tiêu tối thượng chiến lược có ý nghĩa bất biến trong mọi hành xử của mình, trước bất cứ ai, dù trong bất cứ cảnh huống nào. Lịch sử từng cho thấy, làm trái đi là tự rước lấy họa sát thân, nô lệ, nguy cơ bị diệt vong.

Trong thời đại ngày nay, giữa cuộc cạnh tranh mang tầm vóc toàn cầu có ý nghĩa sinh tử, chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, hơn bao giờ hết, càng tỏa sáng trong ý nghĩ, tư tưởng, tình cảm và hành động của người Việt Nam, hợp với lẽ tự nhiên toàn cầu, là bản lĩnh sống chết như máu thịt của mình. Giang sơn, xã tắc ngàn năm mà ông cha ta giao lại, quyết không để mất một tấc, quyết không để rơi vào tay ngoại bang. Vị thế, dân tộc Việt Nam ta mấy ngàn năm nối đời đời gây dựng, dù phải hiến tới giọt máu cuối cùng vì nền độc lập, tự do vô giá của Tổ quốc… cũng không thể để bị chà đạp, không thể bị cướp mất. Không còn độc lập, tự do thì quốc gia - dân tộc Việt Nam ta sẽ không còn gì cả và mỗi người Việt Nam ta sẽ không có gì cả, trở nên vô nghĩa! Một dân tộc đã đi qua hàng trăm cuộc chiến tranh chống xâm lăng, ở mọi quy mô, đến từ các châu lục… thì điều tối thiểu đó đã đủ nói lên cái giá máu xương của nền độc lập, tự do và thống nhất của Tổ quốc mà dân tộc ta nối đời ngàn thế hệ giành lại và giữ gìn! Danh dự quốc gia không thể bị xúc phạm và giang sơn nước nhà không thể bị xâm phạm và chà đạp.

Vì nền độc lập, tự do và lợi ích vô giá của dân tộc, trong cuộc hội nhập toàn cầu ngày càng sâu rộng, thời cơ phát triển rất nhiều nhưng nguy cơ tụt hậu, lệ thuộc cũng càng không ít, chúng ta càng quyết không ảo tưởng về mình và về bất cứ ai; càng không thể bị lóa mắt trước những lợi ích nhất thời, nhỏ hẹp, cục bộ vô hình xâm hại lợi ích quốc gia; và càng không thể mất cảnh giác trước giặc ngoại xâm và nội xâm! Bởi, chưa bao giờ như bây giờ, lịch sử dân tộc càng cho thấy, lợi ích quốc gia - dân tộc của chúng ta là cụ thể: sự toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng và quyền tự quyết dân tộc xã hội chủ nghĩa vô giá! Lợi ích đó không thể bị diệt vong bởi nạn ngoại xâm và càng không thể bị tiêu vong bởi nạn nội xâm.

Làm trái thế, là vong thân, là hại quốc, là phụ lại lòng tin và sự ủy thác của gần 100 triệu đồng bào!

Đó là quốc thể Việt Nam!

Quốc thể và danh dự Việt Nam trước sau tùy thuộc vào tầm viễn kiến, tinh thần bất khuất và liêm sỉ của gần 100 triệu đồng bào ta, trực tiếp là sức mạnh của đội ngũ cán bộ, quản lý các cấp, nhất là cấp chiến lược giữ vai trò dẫn dắt quốc gia.

(Còn nữa)

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/131317/co-che-va-he-the-che-phat-hien-thu-hut-tuyen-chon-trong-dung-nhan-tai-lanh-dao-quan-ly